Xã hội

Covid-19 TPHCM ngày 21/8: Người khó khăn gọi chủ tịch phường để được giúp

21/08/2021, 18:30

Tin tức dịch Covid-19 ngày 21/8 tại TP.HCM: Trong thời gian giãn cách, ai khó khăn hãy gọi cho chủ tịch phường để được hỗ trợ.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 21/8 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

img

Lực lượng quân đội phun khử khuẩn vùng nguy cơ lây nhiễm cao ở TP.HCM. Ảnh: Nguyệt Nhi

Chiều 21/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch trong những ngày tới.

Ông Phạm Đức Hải - Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch khẳng định, trong thời gian giãn cách, ai khó khăn hãy gọi cho chủ tịch phường để được hỗ trợ.

Về 2 triệu gói hỗ trợ TP dành cho người gặp khó khăn trong thời gian giãn cách, ông Phạm Đức Hải cho biết, trong gói hỗ trợ sẽ có một số nhu yếu phẩm như gạo, nước mắm, đường... đảm bảo một phần dinh dưỡng cho bà con.

Có thể gói hỗ trợ chưa đầy đủ nhưng là cùng nhau thắt lưng buộc bụng vượt qua khó khăn. Làm sao để người dân không ra đường mua hàng hoá nữa.

“Người dân muốn liên hệ tổ công tác đặc biệt để được hỗ trợ, việc đầu tiên gọi tổ trưởng, tổ phó khu phố, ấp nơi đang sống. Sau đó tổ trưởng, tổ phó khu phố, ấp sẽ giúp gọi cho chủ tịch phường để hỗ trợ người dân vì chủ tịch UBND phường, xã là thành viên tổ công tác đặc biệt”, ông Phạm Đức Hải thông tin.

Cũng theo ông Hải, trường hợp người dân khó khăn thì gọi 1022, tiếp tục ấn số 2. Mặt trận Tổ quốc cũng đã có nhiều gói hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, mặt trận còn có tổ SOS để hỗ trợ ngay cho người dân khó khăn.

Bình Dương vượt TP.HCM về số ca nhiễm trong ngày

Trong ngày 21/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.084 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM.

Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 171.801 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Hiện đang điều trị 34.250 bệnh nhân, trong đó: có 2.194 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.281 bệnh nhân nặng đang thở máy và 18 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 85.259 bệnh nhân. Có 312 trường hợp tử vong trong ngày.

Điều tra, truy vết, khoanh vùng: Đã 7 ngày không phát sinh ổ dịch mới cần theo dõi. Hiện còn 17 ổ dịch đang diễn tiến.

Kết quả xét nghiệm phục vụ công tác điều tra, truy vết, mở rộng xét nghiệm: Kết quả xét nghiệm từ ngày 27/4 đến 21/8, đã lấy 1.306.249 mẫu, (trong đó có 799.821 mẫu đơn, 506.428 mẫu gộp), với 4.671.886 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất...).

Tổng số mẫu chưa có kết quả: 5.444 mẫu, trong đó có 4.782 mẫu đơn và 662 mẫu gộp.

Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19: Nguyên tắc của tiêm vắc xin phòng COVID-19 dựa trên sự tự nguyện đồng ý của người dân. Thành phố tiếp tục triển khai tiêm phủ vắc xin mũi 1.

Xét nghiệm giám sát: Triển khai lấy mẫu xét nghiệm giám sát theo quy định.

Phân loại các tổ dân phố, tổ nhân dân thành 4 nhóm: xanh, vàng, cam, đỏ và được tổ chức xét nghiệm theo quy định của UBND TP để giải phòng cùng sạch, đánh giá vùng nguy cơ, duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng.

F0 tại khu cách ly tập trung được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR lần 1 trong vòng 24 giờ khi được tiếp nhận và vào ngày thứ 7.

F0 cách ly tại nhà được lấy mẫu theo hướng dẫn của Sở Y tế. F1 tại khu cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà được lấy mẫu vào ngày 1 và ngày thứ 14 bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Tình hình cách ly kiểm dịch trên địa bàn thành phố:

Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 40.588 người, trong đó có 19.781 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và 20.807 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.

Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 14.206 người.

Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 3.052 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 16.657 người.

Đề xuất Quân khu 7 hỗ trợ 6.000 quân nhân, bác sĩ

Trước diễn biến dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn đang rất phức tạp và có khả năng lây lan nhanh, TP.HCM đề xuất Quân khu 7 hỗ trợ quân nhân, bác sĩ giúp thành phố chống dịch.

Theo Tổ điều phối nguồn nhân lực, thời gian qua thành phố đã huy động nhiều nguồn lực gồm: lực lượng y tế thành phố, lực lượng do Bộ Y tế huy động, giảng viên, sinh viên ngành y từ các trường đại học. Dù vậy, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp và tiếp tục lây lan nhanh trong cộng đồng.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 86 của Chính phủ, Tổ Điều phối nguồn nhân lực vừa có tờ trình gửi Chủ tịch UBND TP.HCM về kiến nghị Quân khu 7 hỗ trợ nhân lực trong công tác phòng, chống dịch.

Cụ thể, Tổ điều phối nguồn nhân lực đề xuất 2.060 nhân viên quân y, gồm 400 bác sĩ, 1.600 nhân viên y tế khác, 30 lái xe cứu thương và 30 nhân viên y tế theo xe. Đồng thời, kiến nghị hỗ trợ thêm 4.000 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị chủ lực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và 30 xe cứu thương… tham gia chống dịch.

Việc đề xuất này, theo Tổ điều phối nhân lực, nhằm giúp thành phố đẩy nhanh tiến độ kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo tại Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh TP.HCM, kể từ khi dịch bùng phát đến nay, hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ trực thuộc đã tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

img

Người đến Trung tâm Y tế quận 3 tiêm vaccine được khám sàng lọc kỹ càng. Ảnh- KHÔI NGUYỄN.

Người khó khăn gọi số 02839 247 247 để được hỗ trợ

Ngày 21/8, Công an TP.HCM cho biết vừa triển khai văn bản của Bộ Công an về việc công bố số điện thoại hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong dịch Covid-19. Công an TP.HCM thông báo người khó khăn, cần hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm hãy gọi số 02839247247.

Theo Công an TP.HCM, Văn phòng Bộ Công an đã có văn bản yêu cầu Công an TP.HCM chỉ đạo công an xã, phường, thị trấn rà soát, nắm thông tin về những hộ gia đình, người dân thuộc nhóm yếu thế, đặc biệt khó khăn, chưa được hỗ trợ của chính quyền.

Đồng thời, thông báo đến đơn vị hảo tâm qua số điện thoại: 02839.247.247 để tiếp nhận thông tin, hỗ trợ chuyển phát nhanh miễn phí lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt cơ bản hằng ngày và do các nhà hảo tâm tài trợ đến trực tiếp các hộ gia đình.

Bộ Công an cho biết đây là hoạt động để kịp thời hỗ trợ người dân trên địa bàn TP.HCM trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự và chung tay cùng cấp ủy, chính quyền TP đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đó, số điện thoại 0283.9247.247 do Bưu điện TP.HCM lập ra để hỗ trợ người dân. Khi người dân gọi tới số điện thoại này, nhân viên tổng đài sẽ tiếp nhận thông tin và liên hệ để có phương án hỗ trợ.

img

Các lực lượng tuyến đầu chống dịch nỗ lực cứu chữa bệnh nhân trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp Ảnh: Bộ Y tế.

500.000 liều vaccine Astra Zeneca về tới TP.HCM trong hôm nay

Ngày 20/8, tại sân bay Warsaw Chopin, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng cùng cán bộ Đại sứ quán đã tham dự buổi lễ bàn giao hơn 500.000 liều vaccine Astra Zeneca ngừa Covid-19 do Chính phủ Ba Lan viện trợ cho Việt Nam.

Lô vaccine này sẽ về tới thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 21/8. Dự lễ bàn giao về phía Ba Lan có đại diện cơ quan Ngoại giao, Bộ Y tế và Cục Dự trữ Chiến lược Quốc gia của Ba Lan.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện cơ quan chức năng Ba Lan đánh giá cao và trân trọng mối quan hệ truyền thống hữu nghị với Việt Nam. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam đang căng thẳng, Chính phủ Ba Lan hy vọng với sự sẻ chia và giúp đỡ này, Việt Nam sẽ sớm vượt qua đại dịch để ổn định phát triển kinh tế.

Với hơn 70 năm quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa Việt Nam- Ba Lan, đại diện Cục Dự trữ Chiến lược Quốc gia Ba Lan khẳng định cơ quan này sẽ cố gắng phối hợp với các cơ quan chức năng hai nước để có thể sớm chuyển lô 3 triệu liều vaccine cho Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng bày tỏ xúc động và đánh giá cao tình cảm, món quà quý báu của Chính phủ và nhân dân Ba Lan dành cho Việt Nam. Đại sứ tin tưởng hai nước sẽ cùng chiến thắng đại dịch và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam - Ba Lan xứng đáng với bề dày lịch sử hơn 70 năm qua của hai nước.

Việt Nam là quốc gia ngoài châu Âu đầu tiên mà Ba Lan viện trợ vaccine và các trang thiết bị y tế. Bộ Ngoại giao Ba Lan cũng cho biết trong những tuần tới, Ba Lan sẽ chuyển giao cho Việt Nam hơn 8 tấn thiết bị y tế và bảo hộ cá nhân để phục vụ cho hoạt động chống dịch Covid-19.

img

Liên tục cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM ngày 21/8.

Hơn 83% ca mắc mới trong ngày từ cộng đồng

Theo cập nhật của Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, trong ngày 20/8, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 3.347 ca mắc mới. Số lượng F0 được phát hiện tại cộng đồng là 2.789 ca, chiếm tỷ lệ 83,3%.

Như vậy, sau 24 giờ, lượng F0 trong ngày ngoài cộng đồng tại TP.HCM giảm 814 ca so với một ngày trước đó (3.603 trường hợp).

Quận 10 ghi nhận 334 người nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 318 người phát hiện qua xét nghiệm tầm soát ở cộng đồng và sàng lọc tại bệnh viện, chiếm hơn 95% tổng số ca nhiễm toàn quận. Đây là địa bàn có số lượng F0 tại cộng đồng được phát hiện trong ngày 20/8 cao nhất tại TP.HCM.

Con số F0 ngoài cộng đồng ở quận Bình Thạnh là 286/345 người, chiếm tỷ lệ gần 83%. Tổng F0 tại khu vực này đến nay là 9.555 trường hợp với các ca ngoài cộng đồng (806), tầm soát trong bệnh viện (1.614), khu cách ly (1.428), vùng phong tỏa (5.697).

Hôm nay, quận 5 ghi nhận 223 người nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 217 người phát hiện qua xét nghiệm tầm soát ở cộng đồng và sàng lọc tại bệnh viện, chiếm hơn 97% tổng số ca nhiễm toàn quận. Lượng F0 ngoài cộng đồng trong ngày của quận 5 tăng so với hôm qua.

Trong 24 giờ, quận Tân Bình có 184 người nhiễm SARS-CoV-2, số lượng F0 ngoài cộng đồng chiếm 96,7% (178 ca).

Quận 3 ghi nhận số người mắc Covid-19 là 229 ca, trong đó số ca trong cộng đồng chiếm tỷ lệ gần 74% (169).

Huyện Hóc Môn có tổng cộng 177 ca, trong đó, gần 92,7% là người nhiễm được phát hiện ngoài cộng đồng (164).

Ngoài ra, một số quận, huyện có số F0 ngoài cộng đồng trên 100 ca gồm: Bình Tân (164), quận 1 (161), Gò Vấp (157), TP Thủ Đức (130), Tân Phú (119), quận 8 (119), quận 4 (109).

Đặc biệt, quận Phú Nhuận có số người nhiễm trong ngày 20/8 là 80 nhưng 100% ca mắc được ghi nhận tại cộng đồng.

Huyện Cần Giờ là khu vực có số F0 ngoài cộng đồng trong ngày thấp nhất với 5 ca, chiếm tỷ lệ hơn 38% (trên tổng số 13 ca mắc).

Lý giải về số lượng F0 trong cộng đồng tại TP.HCM tăng vọt trong những ngày gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết sau khi thành phố thay đổi chiến lược xét nghiệm, số lượng F0 sẽ tăng lên. Vấn đề này phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 tại TP.HCM.

“Mặt khác, thành phố thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là bóc tách, tìm kiếm bằng được tất cả F0. Do đó, khi thực hiện chiến lược xét nghiệm tổng lực này, chắc chắn số lượng F0 sẽ tăng lên. Đặc biệt là F0 được phát hiện trong cộng đồng tại TP.HCM sẽ còn tiếp tục tăng”, Thứ trưởng Sơn nhận định.

Thứ trưởng Sơn cũng lưu ý số lượng F0 được phát hiện trong cộng đồng tăng nhưng người dân cũng không nên quá lo lắng mà cần tuân thủ theo các hướng dẫn của ngành y tế.

"Chúng tôi khuyến khích người dân tự đăng ký lấy mẫu ở tổ dân phố. Ngành y tế sẽ cử các đội xét nghiệm sẽ được cử đến từng địa bàn, hỗ trợ đến theo dõi, giám sát và ghi nhận kết quả", thứ trưởng cho biết.

img

Một số siêu thị đã chuẩn bị phương án tăng cường 300% các mặt hàng thịt, rau xanh, thực phẩm thiết yếu. Ảnh: Phương Lâm.

TP.HCM khẳng định đủ thực phẩm phục vụ người dân

Chính quyền, hệ thống phân phối TP.HCM khẳng định, dù bất kỳ tình huống nào hàng hóa cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân kể cả trong điều kiện sức mua tăng cao.

Đại diện Aeon Việt Nam cho biết sáng 20/8, nhu cầu mua sắm tăng đột biến dẫn đến phát sinh tình trạng thiếu hàng cục bộ trong một số thời điểm, khách hàng phải xếp hàng dài chờ thanh toán.

Ngay sau đó, siêu thị đã giới hạn số lượng khách, sắp xếp khu vực ngồi chờ, phân luồng cửa ra vào để đảm bảo giãn cách, tuân thủ các quy định về phòng dịch Covid-19. Đồng thời, siêu thị cũng liên tục bổ sung hàng hóa lên kệ.

Để chuẩn bị hàng cho 2 ngày cuối tuần sắp tới, các siêu thị của Aeon đã có phương án tăng thêm trữ lượng nhập hàng và nguồn dự trữ, sẽ luôn cố gắng để đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân.

VinMart, VinMart+ khuyến cáo khách hàng bình tĩnh, tuân thủ các quy định phòng chống dịch khi tham gia mua sắm. Bên cạnh đó, siêu thị cũng sẽ theo sát sự chỉ đạo của thành phố, Sở Công Thương... lên phương án cung ứng hàng hóa sau ngày 23/8.

Đại diện Saigon Co.op cho biết trong sáng 20/8 ghi nhận tại các siêu thị lượng khách tăng gấp 3-4 lần ngày thường. "Một số siêu thị từ 11h trưa đã xảy ra tình trạng hết hàng cục bộ, nhân viên kho hàng không thể cập nhật kịp lên kệ hàng", đại diện này cho biết.

Trong cuộc họp trưa 20/8, ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 nhấn mạnh TP.HCM đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trên địa bàn.

Thành phố đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện 5K + thuốc uống, không tập trung mua gom hàng hóa, thực phẩm.

img

Trong vòng 24 giờ, TP.HCM đã phát hiện 2.789 bệnh nhân Covid-19 thông qua khám sàng lọc tại bệnh viện, tầm soát ngoài cộng đồng.

Khánh thành 2 trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà đầu tiên tại TP.HCM

Chiều 20/8, TP.HCM đã khánh thành và đưa vào hoạt động 2 trạm y tế lưu động đầu tiên tại Quận 3 và Quận 7. Các trạm này thành lập theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế để kịp thời quản lý, điều trị các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà.

Tại Quận 3, Trạm y tế lưu động đặt ở Trung tâm văn hóa phường 11 (địa chỉ số 933 đường Hoàng Sa). Còn tại Quận 7, trạm được đặt tại trường Tiểu học Võ Thị Sáu (số R6, đường Đặng Đại Độ, phường Tân Phong).

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chỉ trong một thời gian ngắn, từ hôm qua đến nay, 2 quận đã thiết lập được Trạm y tế lưu động. Trạm y tế lưu động ra đời trong giai đoạn này rất ý nghĩa, vừa chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, vừa quản lý chăm sóc từ 50- 100 ca F0 cách ly tại nhà. Trạm có danh sách số điện thoại các F0, mỗi ngày nhân viên trạm gọi hỏi thăm sức khỏe, sàng lọc được nguy cơ và đến nhà thăm khám, trao túi thuốc chăm sóc sử dụng tại nhà.

Hiện Sở Y tế sẽ cấp trước 20 túi thuốc cho mỗi trạm lưu động, sau đó sẽ tiếp tục bổ sung trong thời gian tới để phát cho F0. Túi thuốc gồm có các loại thuốc không kê toa và thuốc có chỉ định, nước súc miệng, dung dịch khử khuẩn và khẩu trang. Ngoài ra còn có máy đo chỉ số oxy SpO2 tại nhà để F0 tự đo thường xuyên mỗi ngày, xác định được mức độ nguy hiểm và yêu cầu can thiệp kịp thời.

Bác sĩ Lê Thị Bảo Yến, Trưởng Trạm y tế lưu động số 1, Quận 3 cho biết, nhân sự trạm có 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng, được trang bị 4 máy tạo oxy, giường và bình oxy để hỗ trợ bệnh nhân khó thở. Ngay sau khi nhận thông tin báo có F0 triệu chứng, chuyển biến thì trạm sẽ đến tận nhà khám và tùy vào tình huống của bệnh nhân để xử lý tại chỗ hoặc chuyển lên tuyến trên.

Trước đó, trong ngày 19/8, ngay sau yêu cầu của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các quận huyện và TP.Thủ Đức thành lập các Trạm y tế lưu động, Trong đó, căn cứ vào tình hình các F0 trên địa bàn sẽ thành lập số lượng trạm khác nhau. Dự kiến, Quận 8 có 49 trạm, quận Tân Bình có 40 trạm, Quận 7 có 36 trạm….

img

Trạm y tế lưu động đầu tiên tại TP.HCM.

1.000 quân nhân từ Hà Nội vào TP.HCM bằng máy bay

Số quân nhân này gồm các y bác sĩ, giảng viên và học viên của Học viện Quân y được Bộ Quốc phòng điều động chi viện cho TP.HCM.

Trao đổi với Zing tối 20/8, lãnh đạo Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần) cho biết từ nay đến ngày 23/8, các chuyến bay dân dụng sẽ đưa 1.000 quân nhân từ Hà Nội vào TP.HCM. Số quân nhân này là y bác sĩ, giảng viên và học viên của Học viện Quân y.

Cùng ngày, Cục Vận tải đã có văn bản đề nghị Cục Hàng không và hãng hàng không VietJet tạo điều kiện cấp phép bay và thực hiện các chuyến bay chuyển quân này.

Dự kiến, chuyến bay đầu tiên sẽ khởi hành vào ngày 21/8 và các chuyến bay còn lại vào ngày 23/8.

Trước đó, ngày 19/8, Cục Hậu cần Quân khu 7 đã có văn bản yêu cầu các Bộ chỉ huy quân sự Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và các sư đoàn, lữ đoàn thuộc quân khu rà soát lại lực lượng quân y, điều động 2/3 lực lượng này đến TP.HCM để tham gia chống dịch.

img

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương gặp gỡ các y bác sĩ Bệnh viện 105 (Sơn Tây, Hà Nội) vào chi viện tại Bệnh viện dã chiến 5D (KTX ĐH QG TP.HCM). Ảnh Ngọc Tân.

TP Hồ Chí Minh: Giảm trên 1.000 ca mắc nhưng số ca tử vong tăng

Số liệu thống kê của Bộ Y tế vào tối 20/8, trong 24 giờ qua, số ca mắc tại TP Hồ Chí Minh giảm trên 1.000 ca nhưng số trường hợp tử vong tăng thêm 5 trường hợp, lên 312 ca.

Theo thống kê từ Cổng thông tin COVID-19 TP Hồ Chí Minh, trong ngày 20/8, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 3.347 trường hợp mắc COVID-19 mới và 312 trường hợp tử vong.

Từ số liệu thống kê cho thấy, số ca mắc tại TP Hồ Chí Minh giảm trên 1.000 trường hợp so với ngày trước đó nhưng số ca tử vong lại tăng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ ca mắc trong cộng đồng cũng tăng, chiếm trên 83% số ca mắc mới. Các quận, huyện có số ca mắc trong cộng đồng cao nhất trong ngày gồm Quận 10 với 318 ca, Bình Thạnh với 286 ca; Quận 5 với 217 ca; quận Tân Bình với 178 ca, Quận 3 với 169 ca...

Trước đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã lý giải số ca mắc trong cộng đồng tăng là do trong giai đoạn này, TP Hồ Chí Minh tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả các trường hợp F0.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, qua điều tra truy vết, khoanh vùng, đã 6 ngày qua TP Hồ Chí Minh không phát sinh ổ dịch mới, hiện còn 17 ổ dịch đang diễn tiến.

Để tăng cường các biện pháp phòng dịch, từ ngày 23/8, Thành phố sẽ thực hiện 5 nhóm giải pháp: người dân đảm bảo việc thực hiện quy định giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố cách ly khu phố; tập trung chăm lo cho bệnh nhân F0, điều trị người có triệu chứng chuyển nặng để hạn chế tỉ lệ tử vong; tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm người dân ở những khu vực "vùng đỏ" ; tăng cường đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho người dân; đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng kịp thời đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trên địa bàn thành phố.

Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, trong ngày 20/8, Thành phố đã tiêm được cho 106.831 người. Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tiêm được 5.152.055 liều; trong đó Quận 1, quận Phú Nhuận, Quận 5 đạt 100% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19; Quận 7 đạt trên 98%; Quận 11 đạt trên 97,6%; thành phố Thủ Đức đạt gần 91%...

Nhằm đảm bảo bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người có nguy cơ cao mắc COVID-19 nặng, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức khẩn trương rà soát, hoàn tất đầy đủ việc tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho những người trên 65 tuổi. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã phân bổ hơn 146.000 liều vaccine cho các đơn vị để tổ chức tiêm cho người trên 65 tuổi.

img

Mỗi chiếc xe công suất xét nghiệm từ 2.000-3.000 mẫu, thế mạnh là lấy mẫu ngay tại hiện trường. Ảnh: BYT.

TP Hồ Chí Minh được tặng 10 xe xét nghiệm COVID-19 lưu động

Chiều 20/8, Bộ Y tế đã bàn giao 10 xe xét nghiệm COVID-19 lưu động cho TP Hồ Chí Minh. Dự kiến, mỗi xe xét nghiệm COVID-19 lưu động này có thể đảm bảo công suất xét nghiệm 2.000-3.000 mẫu/ngày.

GS. TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, Viện được giao tiếp nhận 10 xe xét nghiệm lưu động do Ngân hàng SCB và các đối tác tài trợ, đồng thời thực hiện đào tạo nguồn nhân lực để triển khai xét nghiệm lưu động trên địa bàn. Nguồn nhân lực tham gia các hoạt động xét nghiệm được huy động từ Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, mỗi xe có công suất xét nghiệm từ 2.000-3.000 mẫu/ngày, thế mạnh là lấy mẫu ngay tại hiện trường và cho kết quả xét nghiệm nhanh nhất, tăng cường số lượng xét nghiệm cho các địa bàn quá tải xét nghiệm. Các phương tiện vật chất này được đánh giá sẽ như một cánh tay nối dài của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, giúp cho Thành phố nâng cao năng lực xét nghiệm.

PGS. TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Thành uỷ, UBND cùng toàn thể hệ thống chính trị, người dân đã vào cuộc phòng, chống dịch bệnh trên tinh thần tương trợ, đoàn kết.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, TP Hồ Chí Minh đã trải qua hơn 3 tháng phòng, chống dịch COVID-19 ở đợt dịch thứ 4. Thời gian qua, toàn cấp, toàn ngành đã căng sức chiến đấu trên tất cả các mặt trận, trong đó ngành y tế đã tập trung tất cả nhân lực và tài lực cùng với Thành phố để đạt được mục đích kiểm soát khống chế dịch bệnh.

Giai đoạn mới phòng, chống dịch COVID-19 đã được Thành phố báo cáo từ 15/8-15/9, sẽ tăng cường thêm những giải pháp chống dịch. Trước tình hình đó, công tác xét nghiệm sàng lọc để phát hiện F0, điều trị F0 tại nhà hoặc đưa đến các khu cách ly y tế đóng vai trò quan trọng; đảm bảo theo dõi, chăm sóc, điều trị đạt hiệu quả, giảm tỷ lệ tử vong.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.