Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 21/9 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.
UBND TP.HCM cho biết đến ngày 17/9, TP.HCM đã huy động 1.533 đội lấy mẫu gồm 383 đội cơ hữu tại địa phương
Đề nghị trên được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu trong văn bản vừa gửi Thủ tướng nhằm tổ chức xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng tại TP.HCM từ nay đến cuối tháng 9.
Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng huy động 4.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội hỗ trợ xét nghiệm.
Theo UBND TP.HCM, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng ngày 19-9 về tăng cường xét nghiệm diện rộng trên địa bàn và Công điện của Bộ Y tế, UBND TP HCM đã làm việc với các cơ quan liên quan để thống nhất phương án tổ chức xét nghiệm diện rộng tới 30/9.
Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM đã ban hành văn bản khẩn số 3113 về việc tiếp tục xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống Covid-19.
Cụ thể, với vùng đỏ (nguy cơ rất cao) và vùng cam (nguy cơ cao), tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho toàn bộ người dân, trừ các trường hợp F0 trong 14 ngày gần nhất và F0 đã xuất viện hoặc khỏi bệnh. Tần suất lấy mẫu lặp lại 2 ngày, liên tục 3 lần trong 7 ngày.
Tại vùng xanh và vàng (nguy cơ thấp) sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho mẫu đại diện hộ gia đình. Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vắc-xin, có tiếp xúc nhiều, không chọn người đại diện đã từng là F0.
Cách thực hiện là triển khai, hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm, cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên phát test nhanh tới từng hộ gia đình và giám sát xét nghiệm, ghi nhận kết quả. Cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên chỉ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm khi người dân không thể tự lấy mẫu.
UBND TP.HCM cho biết đến ngày 17/9, TP.HCM đã huy động 1.533 đội lấy mẫu gồm 383 đội cơ hữu tại địa phương; 407 đội thuộc lực lượng đoàn viên, thanh niên tình nguyện; 743 đội thuộc lực lượng tình nguyện từ các đơn vị và các tỉnh, thành.
Về kết quả xét nghiệm thời gian qua, UBND TP.HCM cho hay tỉ lệ phát hiện dương tính giảm mạnh qua các đợt. Cụ thể, tỉ lệ dương tính tại vùng cam và đỏ đợt 1, 2, 3 và 4 lần lượt là 3,6%, 2,7%, 1,1% và 1,1%. Hiện một số quận huyện bước vào đợt lấy mẫu lần thứ 5.
Tại các vùng xanh và vàng, tỉ lệ dương tính qua ba đợt 1, 2 và 3 lần lượt là 1,8%, 1,5% và 0,7%. Một số địa phương bước qua đợt lấy mẫu thứ 4
TP.HCM cam kết chăm lo trẻ mồ côi do Covid-19
Ngày 21/9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đến thăm, động viên, tặng quà trẻ mồ côi do ba, mẹ mất vì Covid-19 ở quận Gò Vấp nhân dịp Tết Trung thu.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tặng quà cho các em mồ côi vì Covid-19 ở quận Gò Vấp.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đến thăm em T.Q.H. (SN 2005, phường 10), ba mất vì Covid-19, hiện đang sống cùng mẹ, gia đình ở nhà thuê; em L.H.P. (SN 2007, phường 11), mẹ mất vì Covid-19, ba mất vì bệnh ung thư, hiện sống cùng 2 chị; em Đ.G.K. (SN 2015), ba mất vì Covid-19, hiện đang sống cùng mẹ và ông bà ngoại; em N.Q.B. (SN 2013, phường 12), ba mất vì Covid-19, hiện sống cùng mẹ.
Tại các điểm đến thăm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã thăm hỏi, động viên các em. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã chia sẻ nỗi đau mất người thân của gia đình cũng như ân cần thăm hỏi đời sống sinh hoạt, việc học tập trực tuyến của các em.
Ông Dương Anh Đức mong các gia đình sớm vượt qua nỗi đau mất người thân và chăm sóc cho các cháu trưởng thành, cũng như mong các cháu sớm vượt qua hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực trong học tập để sau này tự lo cho bản thân và gia đình.
"Nếu gia đình gặp khó khăn, hãy liên hệ để được chính quyền hỗ trợ. TP.HCM cam kết sẽ quan tâm, chăm lo cho các em mồ côi vì Covid, có hoàn cảnh khó khăn" - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh ăn uống
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM có quyết định ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Theo đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được hoạt động khi đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và các quy định liên quan công tác phòng, chống dịch.
Để được mở cửa lại, các cơ sở cần đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí an toàn. (Ảnh: Vnn)
Để được mở cửa lại, các cơ sở cần đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí an toàn.
- Thứ nhất, cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
- Thứ 2, cơ sở cần bảo đảm điều kiện an toàn an toàn thực phẩm theo đúng quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu và chứng từ liên quan.
- Thứ 3, người lao động, khách hàng, người giao nhận hàng, người liên hệ phải thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Những người này cần được tiêm ngừa vắc-xin Covid-19, thực hiện xét nghiệm và có kết quả âm tính SARS-CoV-2.
- Thứ 4, cơ sở kinh doanh phải có biện pháp kiểm soát phòng, chống Covid-19 theo hướng dẫn ngành y tế đối với người lao động, người ra vào. Các đơn vị phải bảo đảm quy tắc 5K, đo thân nhiệt.
- Thứ 5, cơ sở phải bố trí khu vực giao nhận sản phẩm, có bàn trung chuyển và tách biệt khu vực khác, bảo đảm khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 2 m, trang bị nước rửa tay, sát khuẩn, có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô dùng một lần.
- Thứ 6, cơ sở phải xây dựng kế hoạch và các phương án phòng, chống Covid-19, khu vực ăn uống đảm bảo mật độ tối thiểu 4 mét vuông một người, khoảng cách tối thiểu 2 m hoặc bố trí vách ngăn.
Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM yêu cầu, tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải bảo đảm 5 tiêu chí đầu tiên mới được hoạt động. Tiêu chí thứ 6 áp dụng với cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ của cơ quan, doanh nghiệp có tổ chức khu vực ăn uống cho nhân viên.
Đối với các hoạt động của siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM chỉ đạo các đơn vị tuân thủ theo 5 tiêu chí.
Cụ thể: có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; bảo đảm điều kiện an toàn an toàn thực phẩm theo đúng quy định; khu vực kinh doanh bảo đảm mật độ tối thiểu 4 mét vuông một người, khoảng cách tối thiểu giữa 2 người là 2m; bố trí khu vực giao nhận sản phẩm, có bàn trung chuyển và tách biệt khu vực khác, bảo đảm khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 2m; người lao động, người đến cơ sở phải thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
TP.HCM đã bao phủ vaccine mũi 1 cho hơn 90% người trên 18 tuổi và hơn 20% mũi 2.
TP.HCM tiêm phủ hơn 90% vaccine Covid-19 mũi 1
Trưa 20/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết các quận, huyện vẫn tiếp tục nhận tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1, tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay hiện nay TP đã bao phủ vaccine mũi 1 cho hơn 90% người trên 18 tuổi và hơn 20% mũi 2.
Tính đến ngày 19/9, TP đã tiêm được tổng cộng 8.773.870 mũi, trong đó có 6.736.823 mũi 1 và 2.037.047 mũi 2.
Theo HCDC, ngành y tế TP sẽ tập trung quản lý và điều trị các ca F0 phát hiện tại cộng đồng và tăng cường hệ thống điều trị tại bệnh viện, đảm bảo việc điều trị tại các tầng 2, 3 để hạn chế các ca tử vong. Triển khai xét nghiệm, phát hiện kịp thời và điều trị các ca mắc mới có nguy cơ cao.
Cập nhật đến thời điểm này có 337.065 trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại TP, trong đó 336.587 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 478 trường hợp nhập cảnh. Số trường hợp xuất viện trong ngày 19/9 là 2.270 người, tổng số ca xuất viện đến nay là 169.201 người.
Tính đến ngày 18/9, số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà là 43.671 người; số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 22.436 người; số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 41.193 người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận