Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 23/9: TP nhận hơn 666.000 liều Pfizer và AstraZeneca

23/09/2021, 16:30

Tình hình dịch Covid-19 TP.HCM ngày 23/9: Hiện nay, chỉ số lây truyền tại thành phố ở mức tương đối ổn định nên dịch có thể kiểm soát được.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 23/9 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

img

Các biện pháp can thiệp phòng dịch tại TP.HCM từ tháng 5 đến tháng 9 đã giúp giảm hệ số lây truyền Rt từ hơn 5 (một F0 lây cho 5 người) xuống 1,03.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tối 23/9, TP nhận hơn 620.000 liều vắc xin Pfizer và 46.000 liều vắc xin AstraZeneca do Bộ Y tế phân bổ. Ngày mai (24-9), số vắc xin này sẽ được chuyển ngay cho các quận huyện chủ yếu để tiêm mũi 2 cho người dân.

Tính đến sáng 23-9, TP.HCM còn hơn 700.000 liều vắc xin các loại trong đó có 500.000 liều Vero cell đang chờ thẩm định.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), thành phố sẽ nới lỏng dần từng bước các hoạt động kinh tế theo lộ trình trên cơ sở kiểm soát rủi ro về dịch tễ và mức độ bảo vệ của người dân gồm căn cứ theo hai trụ cột là tiến độ tiêm vắc-xin và an toàn của hệ thống y tế theo từng giai đoạn, địa bàn cụ thể.

Các lộ trình cũng được xác định gồm giai đoạn từ 1-10-2021 đến 31-10-2021, giai đoạn 1-11-2021 đến 15-1-2022 và giai đoạn sau 15-1- 2022.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chiến dịch tiêm vắc-xin, đảm bảo tiêm mũi 1 cho tất cả người trên 18 tuổi, nhắc mũi 2 cho toàn bộ người tiêm mũi 1, ưu tiên tuyến đầu, người có nguy cơ cao.

Ngoài ra, thành phố sẽ nghiên cứu phương án tiêm vắc-xin cho trẻ em, trẻ em có nguy cơ cao như có bệnh nền, béo phì.

Với người dân trên 18 tuổi nếu chưa được tiêm vắc-xin mũi 1 có thể gửi tin nhắn đến tổng đài 8066 theo cú pháp MUI1 HoTen NamSinh QuanHuyen để đăng ký.

Danh sách đăng ký sẽ được chuyển qua thư điện tử với tần suất 1 giờ/lần đến UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức để tổ chức tiêm theo kế hoạch tiêm chủng của Thành phố.

Hệ số lây nhiễm xuống thấp sau 5 tháng

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết hệ số lây truyền giảm là một trong những dữ liệu quan trọng trong việc đánh giá mức độ lây nhiễm của dịch bệnh. Nó được định nghĩa là số người trung bình bị lây nhiễm từ một F0, ký hiệu bằng R.

Thời điểm bùng phát dịch, chưa thực hiện bất cứ sự can thiệp nào để ngăn chặn sự lây lan, hệ số lây nhiễm được ký hiệu là R hoặc R0.

Còn hệ số lây truyền Rt là chỉ số trong thực tế theo thời gian, khi cộng đồng đã nhận ra sự có mặt của dịch bệnh và có những biện pháp nhất định để hạn chế sự lây lan. Ví dụ, Rt bằng 2 nghĩa một F0 lây cho 2 người.

"Nếu số ca mắc giảm dần, hệ số lây truyền Rt sẽ nhỏ hơn 1. Còn nếu tăng dần thì Rt lớn hơn một. Hiện nay, chỉ số Rt ở TP.HCM ở mức trên - dưới 1", PGS Dũng nói.

Chuyên gia Đại học Y Dược TP.HCM lý giải phép tính này có thể thay đổi theo nhiều thuật toán, giả định khác nhau nên sẽ có sự chênh lệch. "Hiện nay, chỉ số này ở thành phố ở mức tương đối ổn định nên dịch có thể kiểm soát được", ông nói.

Về hệ số lây truyền Rt, GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết qua ước tính bằng modelling, các biện pháp can thiệp phòng chống Covid-19 áp dụng tại TP.HCM từ tháng 5 đến tháng 9 đã giúp giảm hệ số lây truyền Rt từ hơn 5 (một F0 lây cho 5 người) xuống 1,03.

Điều này có thể đã phòng ngừa được 7,4 triệu ca nhiễm, 740.000 ca nhập viện và 55.000 ca tử vong so với tình huống không áp dụng Chỉ thị 16, tỷ lệ xét nghiệm thấp và tỷ lệ tiêm mũi 1 chỉ đạt 50% người trên 18 tuổi.

img

Tin tức Covid-19 ở TP.HCM được cập nhật trên Báo Giao thông nhanh nhất ngày 23/9/2021.

TP.HCM triển khai ngay gói hỗ trợ đợt 3

Thường trực HĐND TP HCM vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 đợt 3 tại phiên họp ngày 22/9.

Nghị quyết này quy định hỗ trợ cho 5 nhóm đối tượng:

1. Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng đang gặp khó khăn;

2. Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn;

3. Người phụ thuộc của đối tượng 2, gồm cha, mẹ, vợ/chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn;

4. Cha, mẹ, vợ/chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ của người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8-2021 có hoàn cảnh thật sự khó khăn, đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn;

5. Người lưu trú trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu dân cư nghèo có hoàn cảnh thật sự khó khăn, trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách và có mặt trên địa bàn.

Theo Nghị quyết, TP.HCM sẽ không hỗ trợ cho người đang hưởng lương hưu; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội; người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8-2021.

Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người từ ngân sách TP.HCM, thực hiện chi trả 1 lần.

Việc chi hỗ trợ phải đảm bảo nguyên tắc chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú. Công khai, minh bạch, thuận lợi về thủ tục cho người thụ hưởng nhưng không lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.

HĐND TP.HCM giao UBND TP.HCM chỉ đạo triển khai ngay công tác chi hỗ trợ cho các đối tượng.

Trước đó, theo thống kê của các quận, huyện và TP Thủ Đức, trong thời gian tới, trên địa bàn TP.HCM sẽ có gần 2.000.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn với hơn 6.400.000 nhân khẩu; người đang lưu trú tại TP.HCM thật sự khó khăn.

UBND TP HCM cho biết số lượng người hỗ trợ (dự kiến) là 7.347.116 người. UBND TP.HCM đang chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát, đối chiếu, xét duyệt danh sách trình UBND quận, huyện và TP Thủ Đức thẩm định, phê duyệt; cập nhật số liệu cuối cùng, đưa vào kế hoạch của UBND TP.HCM để triển khai thực hiện.

TP.HCM đã có tổng cộng 353.655 trường hợp nhiễm COVID-19

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 353.655 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Trong tuần này, Liên đoàn Lao động TP.HCM sẽ họp bàn và phân bổ ngay hỗ trợ nhu yếu phẩm lần 2 tới công nhân lao động ở khu nhà trọ, khu cách ly, ... gặp khó khăn do dịch COVID-19 để họ ổn định cuộc sống. Túi nhu yếu phẩm lần này đặc biệt ý nghĩa với công nhân có "thẻ xanh COVID-19" sẽ đi làm lại tại các địa bàn kiểm soát tốt dịch như Quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi - những người phải nửa tháng sau mới có lương.

Công an TP.HCM vừa ban hành văn bản về việc thực hiện phương án giải quyết lưu thông theo công văn số 3086 của UBND TP ngày 16/9.

Theo đó, Công an TP đề xuất giải quyết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể được phép lưu thông trên tuyến đường từ nơi ở đến trụ sở làm việc với thời gian sáng từ 6h30 đến 8h; chiều từ 16h30 đến 18h. Trường hợp lưu thông thực hiện nhiệm vụ ngoài khung giờ và tuyến đường vẫn sử dụng giấy đi đường đã cấp.

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi TP Thủ Đức và các quận huyện về việc khẩn trương xây dựng kế hoạch thành lập Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng. Tổ chăm sóc sẽ quản lý, theo dõi, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, thực hiện xét nghiệm tại cộng đồng; hỗ trợ tiêm chủng; tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ cấp phát thuốc cho người dân.

Mỗi tổ chăm sóc dự kiến sẽ quản lý và chăm sóc từ 10 đến 20 F0. Các địa phương căn cứ số F0 tại mỗi phường, xã, thị trấn để lập đủ Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 theo quy định.

img

TP.HCM đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine để tăng tỷ lệ bao phủ trong cộng đồng.

Thành phố ghi nhận 348.220 ca nhiễm trong đợt dịch thứ 4

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 348.220 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Trước yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc khẩn trương hoàn thiện hệ thống dữ liệu về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết TP.HCM đã huy động nguồn lực của quận, huyện và thanh niên tình nguyện để triển khai cập nhật dữ liệu. Hiện còn khoảng 700.000 phản ánh về cập nhật thông tin tiêm chủng, nếu tổ chức một ngày 3 tổ làm việc, với gần 200 người tham gia, trong tuần này sẽ cập nhật, chỉnh sửa xong thông tin.

Bên cạnh đó, TP.HCM vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine để tăng tỷ lệ bao phủ trong cộng đồng, tạo điều kiện để nới lỏng giãn cách và phục hồi kinh tế. Người dân từ 18 tuổi trở lên chưa được tiêm mũi 1, có thể đăng ký tiêm vắc-xin bằng cách gửi tin nhắn đến tổng đài 8066 theo cú pháp MUI1 HoTen NamSinh QuanHuyen. Danh sách đăng ký tiêm vắc-xin của người dân sẽ được chuyển qua thư điện tử đến UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức để tổ chức tiêm chủng theo kế hoạch của Thành phố.

img

Người dân "vùng xanh" tự test nhanh Covid-19 tại chốt kiểm soát

Sở Y tế TP.HCM chấn chỉnh địa phương gom F0 vào khu cách ly

Tại buổi họp báo về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn chiều 21/9, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, trước tình trạng một số quận huyện gom toàn bộ F0 vào khu cách ly tập trung do hiểu nhầm, Sở Y tế đã có văn bản chấn chỉnh.

Theo bác sĩ Châu, hiện có một số địa phương gom toàn bộ ca mắc Covid-19 vào khu cách ly. Sở Y tế thành phố đã ghi nhận tình trạng này, liên tục gọi điện cũng như gửi văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở các quận, huyện. "Có thể một số địa phương hiểu nhầm việc tách F0 ra khỏi cộng đồng tránh lây lan phải đưa vào khu cách ly tập trung", ông Châu nói và cho biết chủ trương của thành phố là các F0 đủ điều kiện, nên cách ly tại nhà.

Ngoài ra, trong chiến lược điều trị của TP.HCM sắp tới cũng đẩy mạnh chăm sóc các F0 tại cộng đồng, đi kèm với hệ thống điều trị để sống chung với dịch. Các quận, huyện chỉ cách ly tập trung các bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền, không thể theo dõi sát và nơi ở không đáp ứng điều kiện điều trị tại nhà.

Thời gian tới, thành phố có kế hoạch giảm dần các khu cách ly tập trung với mục tiêu tăng cường điều trị, cách ly F0 tại nhà. Một số khu cách ly tập trung trước đây tại trường học, ký túc xá sẽ giảm dần khi tình hình dịch được cải thiện.

Đối với hệ thống điều trị, sau ngày 30/9, thành phố dần chuyển đổi các bệnh viện điều trị Covid-19 về đúng công năng ban đầu. Trước tiên, đến ngày 30/9, Bệnh viện đa khoa tại quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ sẽ được chuyển đổi công năng trở lại, phục vụ các bệnh nhân không mắc Covid-19.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến ngày 19/9, số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà hơn 41.800 người; khoảng 22.700 F0 đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.