Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 24/9 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.
Từ 18h ngày 21/9 đến 18h ngày 22/9, TP.HCM đã lấy 821.999 mẫu xét nghiệm.
Chính thức rút ngắn khoảng cách tiêm 2 mũi vaccine AstraZeneca xuống còn 6 tuần
Sáng 24/9, Văn phòng UBND TP.HCM đã có thông báo khẩn, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức về khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vaccine AstraZeneca.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thống nhất với đề xuất của Sở Y tế tại Công văn 6791 về việc rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần xuống tối thiểu 6 tuần. Ông giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai theo quy định.
Trước đó, Sở Y tế đã có Công văn 6791 gửi UBND TP.HCM. Công văn nêu với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine mũi 2 cho người dân, Sở Y tế đề xuất UBND TP.HCM áp dụng đối với người tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca thì khoảng cách tiêm mũi 2 (bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer) tối thiểu là 6 tuần.
Hiện nay, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vaccine này thì mũi 2 nên được tiêm vào khoảng 4-12 tuần sau mũi 1.
Khi được đồng ý, Sở Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị tiêm vaccine mũi 2 bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer cho người tiêm mũi 1 bằng AstraZeneca phải thông tin đầy đủ, giải thích rõ ràng hiệu lực bảo vệ theo các thời điểm tiêm mũi 2, tính an toàn về khoảng cách tiêm mũi 2 để người dân biết và đồng thuận tham gia.
Liên quan đến việc này, TP.HCM đã có công văn gửi Bộ Y tế về việc rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm AstraZeneca. Ngày 20/9, Bộ Y tế đã có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về việc liên quan đến khoảng cách tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 4-12 tuần sau mũi 1. Còn Tổ chức Y tế thế giới - WHO khuyến cáo khoảng cách giữa 2 mũi vaccine này từ 8-12 tuần.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị sở y tế tỉnh, thành phố căn cứ khuyến cáo của WHO, hướng dẫn của nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng, hiệu lực của việc bảo vệ khi tiêm mũi 2 để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố về thời gian tiêm vaccine mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca.
Thời gian tối thiểu giữa 2 mũi vaccine phải đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng được công tác phòng chống dịch.
Bộ Y tế phân bổ 660.000 liều vaccine Pfizer và AstraZeneca cho TP.HCM
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, đơn vị này vừa tiếp nhận hơn 620.000 liều vaccine Pfizer và 46.000 liều vaccine AstraZeneca do Bộ Y tế phân bổ. Bắt đầu từ ngày 24/9, số vaccine vừa tiếp nhận sẽ được chuyển ngay đến các quận huyện tiêm chủng cho người dân.
Được biết, số lượng vaccine này được sử dụng chủ yếu để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 các loại vaccine tương đồng, phù hợp. Ngoài lô hàng trên hiện Thành phố còn khoảng 700.000 liều vaccine các loại, trong đó có 500.000 liều vaccine Vero Cell đang chờ kiểm định.
Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ chích ngừa để sớm đạt miễn dịch cộng đồng
Thành phố đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng người dân với mục tiêu sớm đạt bao phủ miễn dịch cộng đồng. Đến nay, toàn thành phố đã tiêm được gần 9 triệu mũi vắc xin. Chiến dịch tiêm chủng mũi 1 đã cơ bản hoàn tất, Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng mũi thứ 2 cho người dân.
Thành phố đang từng bước nới lỏng các hoạt động kinh tế theo lộ trình trên cơ sở kiểm soát rủi ro về dịch tễ và mức độ bảo vệ của người dân gồm căn cứ theo hai trụ cột là tiến độ tiêm vắc xin và an toàn của hệ thống y tế theo từng giai đoạn, địa bàn.
Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chiến dịch tiêm vắc xin, đảm bảo tiêm mũi 1 cho tất cả người trên 18 tuổi, nhắc mũi 2 cho toàn bộ người tiêm mũi 1, ưu tiên tuyến đầu, người có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, thành phố sẽ nghiên cứu phương án tiêm vắc xin cho trẻ em, trẻ em có nguy cơ cao như có bệnh nền, béo phì.
TP Thủ Đức đã kiểm soát được dịch
Tối 23/9, phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Thủ Đức, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những nỗ lực trong quá trình tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương này trong thời gian vừa qua.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên ghi nhận TP Thủ Đức đã thực hiện nghiêm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp trên; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực hiện, có nhiều mô hình, cách làm mới mang lại hiệu quả cao.
Từ ngày 16/9 đến 21/9, TP Thủ Đức đã tập trung toàn bộ nguồn lực, huy động tổng lực lượng y tế, tình nguyện viên đẩy nhanh công tác xét nghiệm thần tốc, diện rộng, nhanh hơn, kỹ hơn để đưa các ca F0, F1 gần ra khỏi cộng đồng, tập trung cao độ để làm sạch địa bàn, đánh giá, xác định vùng an toàn, vùng chưa an toàn, kiểm soát chặt chẽ việc lây nhiễm trong cộng đồng.
TP Thủ Đức đã huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết, nhanh chóng phân công lực lượng cán bộ, công chức xuống hỗ trợ tại cơ sở, huy động được sức mạnh của nhân dân, các tổ chức cá nhân, cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp cùng chung tay tham gia chống dịch
“TP đã tận dụng được thời gian vàng trong thực hiện Chỉ thị 16 đem lại hiệu quả trong công tác chống dịch, đã phát động nhiều phong trào thi đua tạo động lực thúc đẩy các hoạt động chống dịch đạt hiệu quả”, ông Nên nhấn mạnh và đồng tình với kế hoạch mở cửa trở lại của TP Thủ Đức.
Theo Phó Giám đốc HCDC Lê Hồng Nga, số ca mắc COVID-19 mới ở TP Thủ Đức liên tục giảm trong 3 tuần gần đây. Tỷ lệ mẫu dương tính trên tổng số người xét nghiệm cũng giảm.
“Nếu đối chiếu với các tiêu chí của Bộ Y tế, TP Thủ Đức đã kiểm soát được dịch bệnh”, bà Nga nhận xét.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho biết từ 28/8 đến 21/9, số ca mắc COVID-19 tại thành phố liên tục giảm. Từ 15/9 đến 21/9, TP Thủ Đức không ghi nhận chuỗi lây nhiễm mới. Tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 cho người trên 18 tuổi đạt gần 99,6%, mũi 2 đạt 36,2%.
TP Thủ Đức đặt ra mục tiêu phấn đấu đến ngày 30/9, 100% người dân được tiêm ngừa, 100% người dân là F0 đã khỏi bệnh được cấp thẻ xanh COVID-19 để thuận lợi tham gia các hoạt động xã hội.
TP Thủ Đức đã thực hiện tiêm vắc xin mũi 1 cho 728.506/731.106 người, tỷ lệ 99,6% (theo số liệu dân cư cập nhật báo cáo tính đến ngày 21/9), mũi 2: 263.263/731.106 người, tỷ lệ 36,2% (phấn đấu đến 30/9 sẽ tiêm mũi 2 đạt 40%, chủ yếu loại Vero Cell).
Người lao động ở TP.HCM đến chỗ làm thế nào sau ngày 30/9?
Chiều 23/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch 24 giờ qua trên địa bàn. Từ 18h ngày 21/9 đến 18h ngày 22/9, TP.HCM đã lấy 821.999 mẫu xét nghiệm.
Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, theo thống kê của Công an TP.HCM, đến nay đơn vị đã tiếp nhận danh sách từ 17 sở, ngành của TP, với tổng số người lao động, cán bộ, nhân viên trên 7.500 người.
Công an TP.HCM đang cập nhật thông tin vào phần mềm VNEID để quản lý, kiểm soát lưu thông. Trong đó, để hạn chế thủ tục cấp đổi giấy đi đường và việc lạm dụng giấy thông hành không đúng mục đích, Công an TP.HCM đề xuất phương án giải quyết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được phép lưu thông đến trụ sở làm việc theo thời gian 6h30-8h và 16h30-18h. Tuyến đường được phép lưu thông từ nơi ở đến trụ sở làm việc.
Với các trường hợp ra đường thực hiện nhiệm vụ (ngoài khung giờ và tuyến đường) vẫn sử dụng giấy đi đường đã cấp (trường hợp đổi ca, bị nhiễm nCoV thì đổi giấy). Trong trường hợp đặc biệt do yêu cầu công việc thì Công an TP.HCM xem xét cấp bổ sung giấy đi đường và xem xét giải quyết từng đơn vị.
TP.HCM bảo đảm tiêm đủ mũi 2 cho người tiêm vắc-xin mũi 1
Tối 23/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho hay HCDC đã bàn giao 63.000 kit test cho Sở Công Thương để phân bổ cho các doanh nghiệp quản lý shipper; đồng thời tập huấn công tác lấy mẫu xét nghiệm để các đơn vị có thể tự thực hiện cho shipper.
Tính đến 12h30 ngày 23/9, 19/33 doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các thao tác sử dụng phần mềm khai báo điện tử của TP.HCM để cập nhật kết quả xét nghiệm của shipper, trước khi triển khai cập nhật dữ liệu chính thức vào hôm nay (24/9).
Trong khi đó, Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản trình UBND TP xem xét cơ chế tài chính đối với các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19.
Theo đó, ngoài chi phí điều trị Covid-19, chi phí vật tư tiêu hao chưa được kết cấu vào giá dịch vụ kỹ thuật và thuốc điều trị Covid-19 được ngân sách nhà nước thanh toán theo quy định phù hợp.
Các chi phí phục vụ khác theo yêu cầu ngoài phạm vi chi trả của ngân sách nhà nước (tiền phòng, tiền ăn, dịch vụ tiện ích tăng thêm), bệnh viện được thu tiền người bệnh theo mức giá thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức mà bệnh viện đã kê khai với Sở Y tế (nếu có).
TP.HCM sẽ nới lỏng dần từng bước các hoạt động kinh tế theo lộ trình trên cơ sở kiểm soát rủi ro về dịch tễ và mức độ bảo vệ của người dân căn cứ theo hai trụ cột - tiến độ tiêm vắc-xin và an toàn của hệ thống y tế theo từng giai đoạn, địa bàn cụ thể. Các lộ trình cũng được xác định, gồm giai đoạn từ ngày 1 đến 31/10/2021, từ 1/11/2021 đến 15/1/2022 và giai đoạn sau 15/1/2022.
TP.HCM tiếp tục chiến dịch tiêm vắc-xin, bảo đảm tiêm mũi 1 cho tất cả người trên 18 tuổi, tiêm nhắc mũi 2 cho toàn bộ người tiêm mũi 1.
Trong thời gian tới, TP.HCM tiếp tục chiến dịch tiêm vắc-xin, bảo đảm tiêm mũi 1 cho tất cả người trên 18 tuổi, tiêm nhắc mũi 2 cho toàn bộ người tiêm mũi 1, ưu tiên tuyến đầu, người có nguy cơ cao. Cùng với đó, nghiên cứu phương án tiêm vắc-xin cho trẻ em, trẻ có nguy cơ cao (có bệnh nền, béo phì...).
5 nhóm đối tượng được hỗ trợ tiền đợt 3
Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động, Tiền lương, Bảo hiểm xã hội của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết Thường trực HĐND TP.HCM vừa ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài (gói hỗ trợ lần 3).
Theo Nghị quyết, có 5 nhóm được hỗ trợ, nhiều hơn một nhóm so với đề xuất trước đó của TP.HCM.
Nhóm 1: Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn.
Nhóm 2: Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội, đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…).
Nhóm 3: Người phụ thuộc của nhóm 2. Cụ thể là cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ, đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...).
Nhóm 4: Cha, mẹ, vợ, chồng, con của những người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, đang tham gia BHXH và được doanh nghiệp trả lương tháng 8/2021 mà có hoàn cảnh khó khăn (ở nhà làm nội trợ, hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…) sống cùng một hộ và đang có mặt ở TP.HCM.
Nhóm 5: Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách và đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Gói hỗ trợ lần 3 không hỗ trợ đối với người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia BHXH và được doanh nghiệp trả lương tháng 8/2021. Tuy nhiên, người phụ thuộc của những người trên mà có hoàn cảnh thực sự khó khăn thì được hỗ trợ (nhóm 4).
Nguyên tắc hỗ trợ là chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú; công khai, minh bạch, thuận lợi về thủ tục cho người thụ hưởng nhưng không lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận