Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 29/8: Tối nay, TP.HCM ghi nhận thêm 4.957 ca nhiễm mới

29/08/2021, 19:43

Covid-19 TP.HCM ngày 29/8 mới nhất: Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.957 trường hợp nhiễm mới và 256 ca tử vong tại TP.HCM.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 29/8 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

img

Liên tục cập nhật tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Tính từ 18h ngày 28/8 đến 18h ngày 29/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.957 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 209.921 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Trong ngày 28-29/8, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 256 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh. Như vậy, số ca mắc mới và tử vong đã giảm, TP.HCM tiếp tục duy trì các giải pháp có hiệu quả giảm hiệu quả số ca tử vong; mặc dù số ca phát hiện vẫn khá lớn, cao hơn trung bình những ngày trước khi triển khai xét nghiệm diện rộng.

Trong ngày 29/8, dự án 'ATM oxy' đã đưa vào hoạt động chính thức Trạm bơm oxy thứ tư, từ việc chuyển đổi công năng hoạt động của nhà máy tại Công ty cổ phần thép Tân Thuận (Quận 7, TP.HCM).

Dự kiến mỗi ngày, trạm bơm oxy này sẽ nạp oxy với công suất khoảng 500 bình 40 lít hoặc 2.000 bình 10 lít để góp phần hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân COVID-19 đang cần thở oxy tại TP.HCM. Người dân có nhu cầu hãy gọi đến số hotline 0796.55.55.64 để được hỗ trợ.

Thành phố đang nỗ lực thực hiện xét nghiệm để phát hiện sớm F0 và đưa vào quản lý, chăm sóc, điều trị phù hợp, nên số lượng F0 sẽ tăng trong khoảng thời gian này. Nhiều quận huyện đã triển khai cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm. Để góp phần vào công tác phòng chống dịch, mỗi người dân hãy thực hiện đúng hướng dẫn của nhân viên y tế để đạt kết quả xét nghiệm chính xác nhất.

img

Các giải pháp đã có hiệu quả giảm số ca tử vong; mặc dù số ca phát hiện vẫn khá lớn.

Số ca tử vong ở TP.HCM có xu hướng giảm

Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sáng 29/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết từ 19/7 đến nay, tại 23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ghi nhận 343.686 ca mắc.

Trong giai đoạn tăng cường thực hiện giãn cách xã hội từ 22/8 đến 28/8 tại 23 địa phương đã ghi nhận 78.147 ca mắc. Số mắc mới trong cộng đồng theo ngày có xu hướng gia tăng do các địa phương hiện nay đang tăng cường xét nghiệm diện rộng .

So với tuần trước đó, có 13/23 địa phương có số mắc mới tăng, trong đó Bình Dương tăng 1,5 lần với 14.689 ca và gấp 2 lần số mắc tăng của 12 tỉnh còn lại cộng lại. 10 địa phương ghi nhận số mắc giảm so với tuần trước đó là Long An, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Tây Ninh, Cần Thơ, Phú Yên, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Nhận định chung về tình dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. TP HCM, Bình Dương có số ca mắc mới vẫn ở mức cao (với khoảng 50% ghi nhận tại cộng đồng) và có xu hướng gia tăng do đang tăng cường thực hiện xét nghiệm trên diện rộng.

Tại Long An, Tiền Giang, số ca mắc tại cộng đồng đã có xu hướng giảm nhưng vẫn đang ở mức cao (chiếm khoảng 30-50%). Các tỉnh còn lại tại khu vực miền Nam, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số ca mắc được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng (khoảng 7-15%) có xu hướng giảm dần.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế đã huy động tổng lực ngành y tế cho TP HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam. Nhân lực y tế đã huy động trên 16.000 y, bác sĩ và cán bộ y tế hỗ trợ cho khu vực phía Nam.

Bộ Y tế đã điều động số lượng lớn các trang thiết bị, máy thở, vật tư thuốc men cho các địa phương này; thiết lập và vận hành hiệu quả 11 trung tâm hồi sức bệnh nhân nặng tại khu vực phía Nam, riêng TP HCM đã có 6 trung tâm với lượng lớn số giường cấp cứu và đã có những kết quả tích cực trong việc giảm tử vong.

Các tỉnh như Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Phước, Sóc Trăng, Bến Tre có số ca mắc tại cộng đồng thấp, trung bình dưới 20 ca/ngày, đa số rõ nguồn lây. Tại Hà Nội và các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, dịch bệnh cơ bản vẫn đang trong tầm kiểm soát do thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội sớm, kịp thời. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn nên vẫn có thể ghi nhận thêm các ổ dịch mới.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết tại TP HCM, xu hướng tử vong tăng nhanh trong tuần từ giữa tháng 7 và cao nhất vào tuần thứ 2 và thứ 3 tháng 8/2021.

Xu hướng này giống nhau giữa các tầng điều trị và hiện đang có xu hướng giảm do hiệu quả bước đầu triển khai tích cực các biện pháp như: Triển khai gói điều trị F0 tại nhà, trạm y tế lưu động (411 trạm y tế tại TP HCM); hỗ trợ, hội chẩn, chỉ đạo chuyên môn từ Trung tâm hồi sức tầng 3 xuống các bệnh viện quận/huyện và bệnh viện dã chiến; vận hành các trung tâm hồi sức (tầng 3).

img

Thông tin Covid-19 ở TP.HCM liên tục được cập nhật nhanh nhất trên Báo Giao thông ngày 29/8/2021.

TP.HCM cho shipper hoạt động ở 8 quận, huyện "vùng đỏ"

TP.HCM sẽ cho shipper được phép hoạt động tại 8 quận, huyện "vùng đỏ". Đó là thành phố Thủ Đức, các quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh và Hóc Môn.

Trước đó, chiều 28/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gợi ý nội dung trên và UBND TP.HCM sau đó tiến hành.

TP.HCM thống nhất đội ngũ shipper sẽ được tăng cường trên cơ sở đảm bảo thật an toàn vì nếu không, đây sẽ là nguồn lây nhiễm dịch bệnh rất nhanh.

Theo đó, hàng ngày từ 5h - 6h sáng, các shipper hoạt động tại 8 quận, huyện "vùng đỏ" sẽ được lấy mẫu xét nghiệm nhanh, nếu âm tính sẽ được hoạt động.

Riêng lực lượng shipper tại 14 quận, huyện thuộc "vùng xanh" vẫn tổ chức từ trước đến nay nhưng phải xét nghiệm 2 lần/tuần.

Tổ công tác giao Công an TP.HCM chỉ đạo Công an quận, huyện ứng dụng công nghệ để kiểm soát chặt chẽ lực lượng shipper, đồng thời giao Sở Y tế quản lý việc thực hiện xét nghiệm cho các shipper theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các shipper sẽ hoạt động cơ bản là trên địa bàn xã, phường. Trường hợp hoạt động ra khỏi địa bàn phường thì giao cho chỉ huy trưởng chống dịch của quận kiểm soát, điều hành giữa các phường liên quan trên cơ sở tuyệt đối an toàn.

Ngoài ra, các chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ được tăng cường lực lượng lao động trên tinh thần số lượng người được hoạt động phải trong ngưỡng an toàn. Thành phố sẽ chỉ đạo cơ quan y tế tiến hành xét nghiệm hàng ngày với các nhân viên này.

TP.HCM sẽ kêu gọi tối đa các công ty có ứng dụng đặt hàng để tăng số lượng đơn hàng. Người dân không đặt hàng được thì các tổ công tác dưới cơ sở sẽ hỗ trợ.

Theo tính toán của Sở Công Thương TP.HCM, nếu huy động được 25.000 shipper có khả phục vụ nhu cầu khoảng 500.000 - 650.000 hộ gia đình, mỗi shipper có thể giao nhận 20 - 25 đơn hàng/ngày.

Được biết, tại phường Linh Trung, TP Thủ Đức, mỗi người lái xe ôm truyền thống đã được nhận 3 triệu đồng, người lao động thất nghiệp được nhận 1,2 triệu đồng từ gói hỗ trợ của TP.HCM.

Trước đó, từ ngày 23/8, TP.HCM tạm ngưng hoạt động shipper tại Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn.

Đối với các quận, huyện còn lại thì shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận diện riêng theo quy định.

5 ngày xét nghiệm nhanh phát hiện 42.400 ca F0

Ngày 28/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết từ ngày 23/8 đến sáng 28/8, qua xét nghiệm nhanh TP phát hiện gần 42.400 ca dương tính, chiếm tỉ lệ 3,5% trên tổng số mẫu xét nghiệm được lấy. Hiện các bệnh viện đang điều trị 38.559 bệnh nhân COVID-19.

Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn đến bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 và bệnh viện điều trị COVID-19, đề nghị bệnh viện đặc biệt lưu ý tăng cường chuyển bệnh 2 chiều, tiếp nhận trường hợp có bệnh lý nền hoặc cần thở oxy, rà soát tất cả người bệnh không triệu chứng đã được điều trị ổn định để chuyển về các cơ sở cách ly. Bệnh viện dã chiến sẵn sàng giường trống tiếp nhận các trường hợp mới.

Các bệnh viện tăng cường cho người bệnh xuất viện khi đủ tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời tăng cường sử dụng thuốc Remdesivir cho người bệnh COVID-19 có triệu chứng mức độ trung bình và nặng theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế nhằm giảm tỉ lệ người bệnh chuyển nặng.

Sở Y tế TP.HCM ngày 28/8 đã gửi tờ trình khẩn đến UBND TP về tăng cường triển khai chăm sóc F0 tại nhà. Sau một tháng thí điểm, đã có nhiều quận, huyện thực hiện tốt mô hình này, góp phần giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, đồng thời tạo sự an tâm và thoải mái cho F0, giúp nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Tuy nhiên có thể vì nhiều lý do khác nhau vẫn còn một số quận, huyện có số F0 cách ly tại nhà chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng số F0 đang được cách ly tập trung như TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi. Sở Y tế đề nghị tăng cường cách ly tại nhà đối với các trường hợp F0 đủ điều kiện, tránh nguy cơ quá tải tại các cơ sở cách ly tập trung.

Các bệnh viện đang điều trị 38.559 bệnh nhân COVID-19

Trưa 28/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, hiện các bệnh viện đang điều trị 38.559 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 2.310 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.739 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 27/8, có 287 trường hợp tử vong; 2.236 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số xuất viện từ đầu năm đến nay là 99.955 bệnh nhân.

Về chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19, TP đang triển khai dựa trên sự tự nguyện của người dân. Đến ngày 26/8, TP đã tiêm 5.741.654 liều vắc xin (tăng 113.926 liều so với ngày 25-8), trong đó tổng số mũi 1 là 5.485.507, mũi 2 là 256.147.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 (thuộc Trung tâm Phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia), hiện số dân từ 18 tuổi trở lên tại TP.HCM là gần 7 triệu người. Như vậy, tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 tại TP đạt trên 81%, mũi 2 là 3,6%.

Tính đến 6h ngày 28/8, TP.HCM có 199.980 ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 199.542 ca nhiễm trong cộng đồng, 438 ca nhập cảnh.

TP tiếp tục triển khai lấy mẫu xét nghiệm toàn thành phố trong thời gian thực hiện biện pháp tăng cường giãn cách xã hội từ 0h ngày 23/8.

Theo đó, TP lấy mẫu toàn dân tại vùng đỏ và cam bằng xét nghiệm nhanh. Khi hoàn tất xét nghiệm nhanh vùng đỏ và cam thì chuyển sang vùng vàng và xanh để rà soát, đánh giá tình hình dịch bệnh tại các khu vực. Qua xét nghiệm nhanh đã phát hiện gần 42.400 trường hợp dương tính, với tỉ lệ là 3,5% trên tổng số mẫu.

Hiện ca F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 74.452 người, trong đó có 47.920 ca F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 26.505 ca F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 16.962 người.

"Số lượng F0 dự báo sẽ tăng trong thời gian tới, người dân cần hết sức bình tĩnh vì điều này nằm trong kịch bản ứng phó của ngành y tế", HCDC khuyến cáo.

Về xét nghiệm RT-PCR, 4 tháng qua (từ ngày 27-4 đến 27-8) đã lấy 1.465.335 mẫu (trong đó có 906.400 mẫu đơn, 558.935 mẫu gộp), với 5.199.391 người được lấy mẫu tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất... Tổng số mẫu chưa có kết quả là 10.236 mẫu, trong đó có 7.080 mẫu đơn và 3.156 mẫu gộp.

HCDC cho biết thêm, TP đã tổ chức hơn 400 trạm y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khỏe F0 khi điều trị, chăm sóc tại nhà. Khi test nhanh và phát hiện F0, các trạm y tế lưu động sẽ nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện. Đồng thời triển khai chương trình điều trị thuốc Molnupiravir có kiểm soát dành cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ.

TP.HCM đề xuất huy động 25.000 shipper hoạt động

Những shipper đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa Covid-19 được tham gia hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

Sở Công thương TP.HCM vừa có văn bản đề xuất UBND TP.HCM cho phép những shipper đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa Covid-19 được tham gia hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo Sở Công thương, tính đến nay, ở TP ước tính có 17.449 shipper đã tiêm mũi một vắc xin. Thời gian tới số lượng được tiêm tăng lên và có thể huy động được 25.000 shipper.

img

Sở Công thương TP.HCM đề xuất 25.000 shipper chạy liên quận

Để đảm bảo an toàn chống dịch, Sở đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ shipper chịu trách nhiệm lập danh sách shipper đủ điều kiện gửi về sở. Thông tin này được đưa vào dữ liệu "tra cứu shipper", phục vụ cơ quan chức năng tra cứu trực tuyến khi cần thiết.

Cũng theo Sở Công thương, cần tăng cường phương thức “mua hàng trực tuyến - giao hàng không chạm” để hạn chế tiếp xúc. Bởi hiện nay, hệ thống phân phối hàng hóa không còn phân bổ tương xứng với mật độ dân cư, cần có sự luân chuyển hàng hóa để phục vụ người dân tốt hơn.

Các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các website, sàn giao dịch thương mại điện tử có nguồn hàng cũng là đối tác của các doanh nghiệp shipper nên việc phối hợp sẽ thuận lợi.

Trong điều kiện hiện nay, nếu huy động được 25.000 shipper, có khả năng phục vụ nhu cầu khoảng 500.000 - 650.000 hộ gia đình mỗi ngày.

“Đội ngũ shipper vốn thông thạo mạng lưới giao thông sẽ giúp vận chuyển hàng hóa đến từng hộ dân tốt hơn khi được hoạt động. Trong điều kiện giãn cách, mỗi shipper có thể giao nhận 20-25 đơn hàng/ngày”, đại diện Sở Công thương cho hay.

Theo các doanh nghiệp thương mại điện tử, giải pháp cho phép shipper giao hàng liên quận sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề lưu thông hàng hóa hiện nay.

Cùng ngày, UBND TP.Thủ Đức cũng thông báo việc triển khai phối hợp với Grab để mua hàng hóa thiết yếu phục vụ dân trong những ngày giãn cách xã hội.

img

Chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh kiểm tra mã QR cá nhân của người đi đường vào trưa 28/8.

Công an TP.HCM thay đổi quy định kiểm soát việc đi đường

Một tuần qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội phản ánh số lượng giấy đi đường được cấp không đủ đáp ứng điều kiện công việc. Công an TP.HCM cho biết vừa có kế hoạch mới, triển khai từ ngày 29/8 để tháo gỡ khó khăn này.

Theo quy định mới, đối với xe chở nhân viên, công việc đòi hỏi làm việc theo ê-kip mà không có QRcode, chỉ cần một người trên xe có giấy đi đường sẽ được tạo điều kiện lưu hành.

"Lưu ý người có giấy đi đường phải cùng đơn vị với những người trên xe. Số người ngồi trên phương tiện cũng đảm bảo giãn cách, không quá 1/2 xe", thượng tá Hà nói thêm.

Thành phố ghi nhận 199.483 ca nhiễm trong đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay)

Theo Trung tâm kiểu soát bệnh tật TP.HCM: Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 199.483 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Tổng đài phòng, chống COVID-19, đầu số 1900 638 090 đã được Trung tâm Công tác xã hội Thanh thiếu niên (thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) ra mắt với nhiều chức năng: Cấp cứu cộng đồng, bệnh viện tại nhà, túi thuốc điều trị F0, ATM oxy, thực phẩm cứu trợ và mai táng miễn phí. Các bệnh nhân mắc hoặc nghi mắc COVID-19 sau khi gọi điện đến sẽ được các tổng đài viên ghi nhận thông tin và chuyển cho đội ngũ y, bác sỹ để họ trao đổi và hướng dẫn bệnh nhân trong quá trình điều trị.

Trung tâm an sinh Thành phố đã cho ra mắt Đội hình tình nguyện viên hỗ trợ tiếp nhận và phân phối hàng hóa đến người dân khó khăn (gọi tắt là đội shipper tình nguyện), với số lượng 700 thành viên gồm: sinh viên, thanh niên tình nguyện, tài xế các hãng xe công nghệ. Tại mỗi tổ an sinh phường, xã sẽ có 2 - 3 shipper tình nguyện. Các thành viên của đội shipper tình nguyện sẽ được tiêm vắc xin, cấp đồng phục nhận diện, đồ bảo hộ, giấy đi đường; hỗ trợ công tác phí, …

Thành phố cũng đã tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ phản ứng nhanh và hỗ trợ túi an sinh xã hội để chăm lo cho người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.