Tính từ 17g ngày 3/10 đến 17g ngày 4/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 2.490 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM.
Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 396.586 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 tại TP.HCM trong ngày 4/10.
Mạng lưới tình nguyện viên tiếp nhận thông tin hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn TP.HCM qua Tổng đài 1022 - phím 4 đã chính thức ngừng hoạt động từ 0h ngày 4/10.
Sau 2 tháng hoạt động (từ ngày 6/8), Mạng lưới tình nguyện viên đã tiếp nhận được gần 10.000 cuộc gọi về hỗ trợ Y tế khẩn cấp và Tư vấn phòng chống COVID-19, hơn 13.000 cuộc gọi về hỗ trợ Nhu yếu phẩm và khoảng 55.000 cuộc gọi về hỗ trợ Tài chính, hỗ trợ người lang thang và các vấn đề khác.
Sau khi Mạng lưới tình nguyện viên dừng hoạt động, Tổng đài 1022 - phím 4 sẽ thực hiện tiếp nhận phản ánh, hỏi đáp thông tin về các tuyến xe buýt của Thành phố.
Tại buổi họp báo chiều ngày 4/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết đã có 17 địa phương đề nghị công nhận kiểm soát được dịch COVID-19 gồm TP Thủ Đức, quận 1, 3, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình, huyện Nhà Bè, Cần Giờ và Củ Chi.
Các địa phương còn lại gồm 3 đơn vị chưa có báo cáo thẩm tra, thẩm định của đoàn kiểm tra là quận 4, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn. 2 đơn vị chưa được công nhận kiểm soát dịch là quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Những ngày đầu TP.HCM thực hiện Chỉ thị 18, nới lỏng giãn cách, đại bộ phận người dân rất phấn khởi, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trở lại hoạt động tạo ra không khí rất vui tươi, nhộn nhịp và chấp hành tốt quy định phòng chống dịch.
Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân thực hiện chưa nghiêm theo quy định của Chỉ thị 18 như thực hiện không đúng quy định 5K, còn tụ tập đông người, lưu thông khi chưa đủ điều kiện, …
Trước nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tồn tại, để có thể đưa TP.HCM trở lại trạng thái bình thường mới, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, thông điệp 5K, giữ khoảng cách giữa người với người tại nơi công cộng và cả trong không gian làm việc, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết.
Quận Phú Nhuận hoàn thành tiêm vaccine
Sáng 4/10, đại diện Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 quận Phú Nhuận cho biết, sau hơn một tháng thực hiện tăng tốc tiêm bao phủ vắc-xin mũi 2 phòng COVID-19, đến chiều 3/10, quận đã hoàn thành cơ bản việc tiêm phủ vắc-xin cho người dân trên 18 tuổi tại địa bàn. Theo đó, quận Phú Nhuận đã tiêm vắc-xin mũi 2 cho tổng cộng 130.309 người, đạt tỷ lệ 99,02%.
Quận Phú Nhuận đã tiêm vắc-xin mũi 2 cho tổng cộng 130.309 người, đạt tỷ lệ 99,02%. Ảnh: VNE
Để đạt được kết quả này, địa phương đã huy động gần 100 bác sĩ, 90 điều dưỡng, 80 tình nguyện viên y khoa và hơn 300 cán bộ công chức của quận từ hệ thống y tế công lập, dân lập và các lực lượng được tăng cường để lập ra gần 50 đội tiêm. Các điểm tiêm đã vận hành nhịp nhàng, phát huy tối đa những kinh nghiệm từ đợt tiêm mũi 1 để sớm hoàn thành kế hoạch đề ra.
Đối với các trường hợp đã tiêm mũi 1 ở nơi khác, quận Phú Nhuận đã giải quyết linh động và nhanh chóng khi người dân về đăng ký ở phường để cập nhật, bổ sung.
Quận Phú Nhuận là một trong những nơi đầu tiên của TPHCM thực hiện việc tiêm lưu động cho người già không thể đi lại... Đến nay, đội tiêm lưu động của quận đã đến tận nhà tiêm đủ 2 mũi cho 241 người lớn tuổi di chuyển khó khăn, không có điều kiện đi đến các điểm tiêm tập trung.
Quận Phú Nhuận cũng đã cơ bản hoàn thành việc tiêm vắc-xin mũi 2 cho người trên 50 tuổi với tỷ lệ đạt 94%.
Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến cuối ngày 2/10, TP.HCM đã triển khai tiêm được 11.030.843 mũi vắc-xin phòng COVID-19; trong đó có 6.917.965 mũi 1 và 4.112.878 mũi 2. TP.HCM đã có 1.164.757 người trên 65 tuổi, người có bệnh nền được tiêm vắc-xin.
Người dân dùng một mã QR thống nhất
Ngày 4/10, bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM - đã ký văn bản gửi các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức về việc hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại TP.HCM.
Theo đó, TP.HCM sẽ triển khai ứng dụng PC-Covid để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Dữ liệu ứng dụng Y tế HCM sẽ được đồng bộ vào ứng dụng PC-Covid để người dùng không cần khai báo lại từ đầu theo hướng dẫn của BộThông tin và truyền thông. Đồng thời, ứng dụng Y tế HCM sẽ được tích hợp thành một tiện ích trong ứng dụng PC-Covid.
Như vậy, người dân TP.HCM sẽ sử dụng một mã QR thống nhất trên toàn quốc. Mã QR này sẽ được sử dụng quét tại các điểm đến như chợ, nơi mua sắm hàng hóa, khám chữa bệnh, vận chuyển hàng hóa, lưu thông.
Trong trường hợp không có điện thoại di động, người dân mang theo mã QR cá nhân được in bằng giấy hoặc bằng nhựa tùy theo điều kiện để thực hiện quét mã. Người dân không cần thêm bất kỳ giấy tờ nào khác cho việc quét mã QR.
Trường hợp người dân là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc đã tiêm chủng ít nhất một mũi sau 14 ngày, mã QR cá nhân sẽ có màu xanh.
Trường hợp người dân chưa tiêm vắc xin, hoặc đã tiêm một mũi nhưng chưa đủ 14 ngày, hoặc hệ thống chưa có dữ liệu tiêm vắc xin, mã QR cá nhân sẽ hiển thị màu đen.
Đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mã QR của đơn vị sẽ được áp dụng để tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong tình hình dịch bệnh. Mỗi đơn vị có thể cấp mã QR địa điểm cho nhiều khu vực khác nhau để dễ dàng khoanh vùng khi cần điều tra dịch tễ.
Các đơn vị tổ chức quản lý, giám sát nhân viên, khách đến liên hệ công tác, giao dịch, sử dụng dịch vụ thông qua quét mã QR tại từng điểm kiểm soát.
Bộ Y tế hướng dẫn xét nghiệm, cách ly phòng dịch COVID-19 với người đi lại giữa các vùng nguy cơ
Bộ Y tế có văn bản gửi UBND TP.HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xét nghiệm, cách ly phòng chống dịch COVID-19 với người di chuyển giữa các vùng nguy cơ.
Cụ thể, đối với người đi từ khu vực nguy cơ rất cao, khu vực nguy cơ cao đến vùng nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn, Bộ Y tế hướng dẫn:
Với người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (có chứng nhận tiêm chủng đủ liều) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương): trước khi di chuyển thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu.
Khi đến nơi thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, thực hiện Thông điệp 5K và xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7.
Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử trí theo quy định.
Với người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19: trước khi di chuyển thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu.
Sở Y tế nơi tiếp nhận dựa trên đánh giá dịch tễ và tình hình dịch trên địa bàn xem xét việc cho người dân từ nơi khác về tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú; hướng dẫn người dân thực hiện Thông điệp 5K và làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn định kỳ 2-3 ngày/lần hoặc tổ chức xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) mẫu đơn hoặc mẫu gộp 5-7 ngày/lần cho người dân đến khi đủ 14 ngày.
Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử trí theo quy định.
Đối với người đi từ khu vực nguy cơ đến khu vực nguy cơ tương đương hoặc khu vực bình thường mới, tại văn bản này, Bộ Y tế hướng dẫn: Với người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (có chứng nhận tiêm chủng đủ liều) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương), thực hiện Thông điệp 5K và hạn chế tiếp xúc, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 14 ngày kể từ ngày đến/về địa phương;
Đồng thời, thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác.
Với người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, thực hiện Thông điệp 5K, cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương và tiếp tục hạn chế tiếp xúc, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày tiếp theo.
Thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7 trong thời gian cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú.
Thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử trí theo quy định.
Bộ Y tế cũng nêu rõ: Người đi từ khu vực nguy cơ thấp đến khu vực nguy cơ cao hơn, Sở Y tế trên địa bàn tiếp nhận người đến dựa trên đánh giá dịch tễ và tình hình dịch trên địa bàn để hướng dẫn theo dõi, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp cần thiết.
Bốn tuyến xe buýt đầu tiên tại TP.HCM hoạt động từ 5/10
Hôm nay (4/10), lãnh đạo Trung tâm quản lý giao thông công cộng (Trung tâm xe buýt) cho biết, 4 tuyến xe buýt sẽ hoạt động từ ngày 5/10 tại khu vực bình thường mới của huyện Cần Giờ, từ 5h đến 18h.
Cụ thể: Tuyến 77: Đồng Hòa - Cần Thạnh: số chuyến 60 chuyến/ngày; Tuyến 90: Phà Bình Khánh - Cần Thạnh: số chuyến 90 chuyến/ngày; Tuyến 127: An Thới Đông - Ngã ba Bà Xán: số chuyến 70 chuyến/ngày; Tuyến 128: Tân Điền - An Nghĩa: số chuyến 70 chuyến/ngày.
Bốn tuyến xe buýt đầu tiên sẽ hoạt động từ sáng mai (5/10) tại địa bàn huyện Cần Giờ.
"Trung tâm đã làm việc và lấy ý kiến của UBND huyện Cần Giờ và được sự đồng thuận trong việc tổ chức 4 tuyến xe buýt tại khu vực vùng bình thường mới này" - vị này thông tin.
Phía Trung tâm cũng thông tin thêm, thời điểm hoạt động của các tuyến xe buýt khác trên địa bàn thành phố được quyết định dựa trên nhu cầu đi lại của người dân và tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
"Trung tâm sẽ rà soát tình hình thực tế và báo cáo Sở GTVT. Qua tuần, lãnh đạo Sở cũng sẽ đi khảo sát để có nhận định chính xác và đưa ra quyết định sớm" - lãnh đạo Trung tâm thông tin.
Đường phố TPHCM bắt đầu nhộn nhịp trở lạiTrong phương án đi lại trên địa bàn TP.HCM từ sau 1/10, Sở GTVT cho biết từ ngày 5/10 sẽ tổ chức một số tuyến xe buýt với tần suất và thời gian phù hợp thực tế, nhu cầu mỗi khu vực.
Ngoài ra, taxi, xe du lịch cũng được chạy trở lại, nhưng số lượng mỗi loại hình tương ứng không vượt quá 20% và 30% số xe quản lý ở từng đơn vị.
Ô tô dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ cũng không quá 10% số xe doanh nghiệp quản lý khi hoạt động lại; xe không ứng dụng công nghệ được phục vụ chương trình du lịch trong một số trường hợp.
TP cũng cho phép các phương tiện không sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách hoạt động phục vụ các chương trình du lịch được Sở Du lịch, UBND các quận huyện, TP Thủ Đức tổ chức; theo kế hoạch vận chuyển của ngành y tế; xe vận chuyển công nhân, chuyên gia.
Các phương tiện đăng ký hoạt động (theo đề xuất của các đơn vị) sẽ được Sở GTVT cấp phép thông qua giấy nhận diện (có mã QR). Trong quá trình hoạt động và căn cứ vào nhu cầu đi lại và tình hình kiểm soát dịch Covid-19, Sở GTVT tiếp tục điều chỉnh số lượng phương tiện hoạt động phù hợp.
Hơn 60% người trên 18 tuổi ở TP.HCM đã tiêm 2 mũi vaccine Covid-19
Sáng 4/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin 283.458 người dân trên địa bàn thành phố đã được tiêm vaccine Covid-19 trong ngày 3/10. Các điểm tiêm đều diễn ra trật tự, ổn định.
Người dân tại TP.HCM được nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19.
Như vậy, từ khi TP.HCM bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt một đến hết ngày 3/10, 11.314.301 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19 đã được tiêm cho người dân. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 4.366.864.
Với số lượng này, tỷ lệ tiêm mũi một cho người trên 18 tuổi của TP.HCM đã đạt 96,4% và người tiêm đủ 2 mũi là 60,6%. Ngoài ra, 69,1% người trên 65 tuổi tại TP.HCM đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19.
Riêng vaccine Vero Cell, thành phố đã tổ chức tiêm chủng cho 2.550.271 người dân trên địa bàn.
Theo đồ thị số mũi tiêm vaccine trên Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, từ ngày 20/9 đến nay, số lượng mũi tiêm vaccine Covid-19 trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng dần. Trong ngày 29/9, thành phố đạt số lượng mũi tiêm trong 24 giờ lên tới 325.969.
Đa số quận, huyện đã đạt tỷ lệ 100% người dân trên 18 tuổi được tiêm mũi một vaccine Covid-19. Một số địa phương chưa đạt gồm: huyện Cần Giờ (97%), quận 10 (94%), quận 12 (97%), quận Gò Vấp (95%) và quận Tân Bình (98%).
Hai địa phương đã hoàn thành 100% người dân trên 18 tuổi được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 là quận 5 và quận 11. Trong khi đó, một số nơi có tỷ lệ mũi 2 còn thấp là quận Bình Thạnh (47%), huyện Bình Chánh (48%), quận Bình Tân (51%), quận Tân Phú (56%), quận 3 (57%), quận 12 (58%) hay quận 8 (59%).
Ngày 1/10, TP.HCM bước vào giai đoạn triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Các hoạt động kinh tế - xã hội dần bình thường trở lại.
Tuy nhiên, HCDC vẫn khuyến cáo người dân không chủ quan, ngay cả khi đã được tiêm vaccine. Người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, thông điệp 5K, giữ khoảng cách tại nơi công cộng và trong không gian làm việc.
Từ 4/10, Công an TP.HCM cấp trở lại căn cước công dân gắn chip
Bắt đầu từ ngày hôm nay 4.10, Công an TP.HCM tiếp nhận hồ sơ cấp phát căn cước công dân (CCCD) trở lại sau thời gian tạm ngưng do dịch bệnh.
Theo đó, công an các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD trở lại sau thời gian tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo lãnh đạo Phòng PC06, đợt này, công an các địa phương sẽ tổ chức cấp mới, cấp đổi, cấp lại CCCD cho 6 đối tượng. Địa điểm cấp phát được Công an quận, huyện, TP.Thủ Đức chủ động bố trí tùy theo tình hình của từng địa phương. Còn thời gian cấp phát từ khoảng 7h đến 22h hàng ngày.
6 đối tượng được cấp CCCD có gắn chíp sau khi Thành phố nới lỏng giãn cách như sau: Công dân đủ 14 tuổi chưa được cấp CCCD; Đã có CMND nhưng chưa được cấp CCCD có gắn chip điện tử; Đã được cấp CCCD mã vạch nhưng chưa được cấp đổi CCCD có gắn chip điện tử; Đã được cấp CCCD gắn chip điện tử nhưng CCCD bị hư hỏng, mờ nhòe, rách nát không sử dụng được và các trường hợp CCCD hết hạn sử dụng; Được cấp CCCD gắn chip điện tử nhưng bị mất; Được cấp CCCD gắn chip điện tử nhưng có sự thay đổi thông tin trong CCCD.
Thủ tục hồ sơ, công dân mang theo hộ khẩu (hoặc sổ tạm trú), giấy khai sinh, CMND, CCCD mã vạch và các giấy tờ có liên quan khác khi thông tin công dân có thay đổi.
Người dân khi đến các địa điểm làm CCCD phải thực hiện 5K, đồng thời khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa trên ứng dụng VNEID và xuất trình mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).
Trường hợp không có mã QR, cần xuất trình: giấy chứng nhận F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc đã tiêm vaccine COVID-19 (ít nhất 1 mũi đối với vaccine tiêm 2 mũi và sau 14 ngày).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận