Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 5/8: Thành phố ghi nhận 3.886 ca nhiễm mới

05/08/2021, 19:42

Covid-19 ngày 5/8 tại TP.HCM: Tối nay, thêm 1.537 ca mắc, nâng số ca mới trong ngày là 3.886. Hiện TP.HCM đã có hơn 109.500 ca mắc được công bố.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 5/8 mới nhất, thông tin các ca dương tính, các ca khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

img

Để cùng thành phố vượt qua đợt dịch lần này, mỗi người dân hãy tuân thủ các quy định của Chỉ thị 16, tăng cường giãn cách và tiêm vaccine khi đến lượt.

Tính từ 6h đến 18h ngày 5/8, Bộ Y tế đã công bố thêm 1.537 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy tính từ 18h30 ngày 4/8 đến 18h ngày 5/8, thành phố ghi nhận 3.886 trường hợp nhiễm mới.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có hơn 109.500 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố. Tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu đến sáng ngày 5/8 là 46.795.

TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Chính phủ đề nghị phân bổ thêm 5,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho người dân trong tháng 8 (gồm 4,5 triệu liều mũi 1 và 1 triệu liều mũi 2).

Bên cạnh đó để đảm bảo an toàn, Thành phố cũng đề nghị người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine nào thì nên tiêm mũi 2 bằng vaccine đó. Riêng trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, nếu người tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca đồng ý thì có thể phối hợp tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer.

Trước thực trạng hoang mang, lo lắng và cần được hỗ trợ y tế của các ca nhiễm mới COVID-19 hoặc có nguy cơ nhiễm, TP.HCM đã thành lập mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” thông qua đường dây nóng 093.95.96.999, để hướng dẫn, tư vấn cũng như hỗ trợ sàng lọc các trường hợp cần được chăm sóc y tế.

Theo đó, các bệnh viện điều trị COVID-19, các khu cách ly F0 của quận, huyện và các bệnh viện chịu trách nhiệm tiếp nhận các trường hợp đã được mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" và tổ COVID-19 cộng đồng khám sàng lọc, đánh giá, xác định thuộc nhóm nguy cơ.

Trong bối cảnh dịch bệnh, TP.HCM không phân biệt bất kỳ người dân nào, ai cũng đều là dân TP.HCM. Bằng tất cả khả năng, điều kiện có được, thành phố sẽ chăm lo và chung sức để ổn định cuộc sống, đảm bảo người dân được tiêm chủng, được chia sẻ và đón nhận tình cảm yêu thương của cả thành phố.

img

TP.HCM yêu cầu tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà làm chậm trễ việc cấp cứu người bệnh.

Không để người bệnh tử vong tại nhà do chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các đơn vị sẵn sàng tiếp nhận người đến khám và cấp cứu 24/7, không để bệnh nhân tử vong tại nhà do chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận.

Ngày 5/8, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh có văn bản hỏa tốc gửi Trung tâm Cấp cứu 115; các bệnh viện trong và ngoài công lập; các bệnh viện điều trị COVID-19 và Trung tâm Y tế các quận, huyện về việc sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám, cấp cứu, không để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.

Sở Y tế yêu cầu các đơn vị luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám và cấp cứu 24/7; khẩn trương đánh giá tình trạng người bệnh, sơ cấp cứu ban đầu.

Các bệnh viện, đơn vị y tế tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà làm chậm trễ việc cấp cứu người bệnh. Tùy tình trạng người bệnh mà quyết định việc tiếp tục điều trị tại đơn vị hay cần chuyển tuyến điều trị. Cơ sở y tế không được yêu cầu người bệnh phải có xét nghiệm test nhanh hoặc PCR dương tính với SARS-CoV-2 mới tiếp nhận.

Ngoài ra, các bệnh viện cần chủ động bố trí thêm giường, băng ca, bình oxy dự trữ tại khu vực tiếp nhận và cấp cứu; đảm bảo không để người bệnh diễn biển nặng hơn do phải chờ đợi lâu.

Sở Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị triển khai nội dung trên đến toàn thể nhân viên nhằm hướng đến mục tiêu giảm thấp tỷ lệ tử vong; không để người bệnh tử vong tại nhà do chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.

img

Liên tục cập nhật thông tin tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: Zing.vn

TP.HCM bắt đầu đợt tiêm chủng vắc-xin Covid-19 thứ 6 kéo dài hết tháng 8

TP.HCM đã bước vào đợt tiêm chủng vắc-xin COVID-19 thứ 6, dự kiến kéo dài đến hết tháng 8 để đạt mục tiêu hơn 70% người trên 18 tuổi được tiêm chủng. Đồng thời điều chỉnh việc phân bổ, điều phối mẫu xét nghiệm đến các phòng xét nghiệm để phát hiện sớm các trường hợp F0 trong cộng đồng cũng như kịp thời trả kết quả cho các khu cách ly, bệnh viện điều trị COVID-19.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM đề xuất hỗ trợ lần 2 cho những ngày thực hiện Chỉ thị 16 đối với 334.000 lao động tự do với số tiền dự kiến là 501 tỷ đồng. Trước đó, trong đợt hỗ trợ lần 1 (tháng 7/2021), những lao động này đã nhận hỗ trợ lần 1 cho 30 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Đợt này, Sở cũng đề xuất hỗ trợ 90.000 hộ nghèo, cận nghèo trên và 170.000 hộ lao động khó khăn ở các nhà trọ, xóm nghèo với mức 1 triệu đồng/hộ.

Thời gian qua khi thành phố thực hiện giãn cách, tình trạng hiến máu tình nguyện gặp nhiều khó khăn dẫn đến nguồn dự trữ tại ngân hàng máu giảm dần, có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ theo nhóm, đặc biệt là nhóm máu O.

Thành phố kêu gọi tất cả người dân có sức khoẻ tốt, hãy phát huy truyền thống nghĩa tình chia sẻ với người bệnh bằng cách hiến máu nhân đạo. Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện tối đa cho người dân đi lại thuận lợi trong thời gian thực hiện giãn cách để hiến máu nhân đạo.

Trong 2 tuần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Thành phố kêu gọi sự cảm thông và chung tay thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, thông điệp 5K và tăng cường hơn nữa giãn cách giữa nhà với nhà, giữa người với người, nhất là tại các khu cách ly, khu phong tỏa để nhanh chóng đưa Thành phố trở về trạng thái bình thường mới.

img

Bệnh viện quận 4 TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Lực lượng tuyến đầu nhận được những mức hỗ trợ khẩn cấp thế nào?

UBND TP.HCM vừa có quyết định hỗ trợ khẩn cấp một lần cho lực lương tuyến đầu tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn với mức từ 1,5 triệu đến 10 triệu đồng.

Theo đó, để hỗ trợ động viên kịp thời cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch, UBND TP HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện khẩn cấp chính sách đặc thù hỗ trợ động viên hưởng một lần cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể:

Lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp, mức chi 10 triệu đồng/người.

Lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp, mức chi 4,5 triệu đồng/người.

Tổ Covid-19 cộng đồng, mức chi 2 triệu đồng/người.

Lực lượng tình nguyện viên được Sở Y tế TP.HCM huy động tham gia phòng, chống dịch: cán bộ giảng viên từ các trường y khoa trên địa bàn TP, y tế tư nhân, nhân viên y tế đã nghỉ hưu, tình nguyện viên tôn giáo, tình nguyện viên lái xe vận chuyển F0, F1 theo yêu cầu cách ly tập trung được hưởng mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người; sinh viên y khoa 1,5 triệu đồng/người.

Lực lượng nhân viên y tế, cán bộ giảng viên, sinh viên y khoa được Bộ Y tế và các tỉnh chi viện cho TP.HCM: nhân viên y tế, cán bộ giảng viên có mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người; sinh viên y khoa 1,5 triệu đồng/ người.

UBND TP.HCM giao Sở Y tế có văn bản hướng dẫn về lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19 được hưởng chính sách đặc thù hỗ trợ động viên hưởng một lần. Các đơn vị thuộc ngành y tế, Bộ Tư lệnh TP HCM, Công an TP.HCM, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện lập, phê duyệt danh sách lực lượng được hưởng chính sách gửi Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị giao dịch.

UBND TP HCM cũng thống nhất việc trình HĐND TP HCM thông qua chính sách đặc thù hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại kỳ họp HĐND TP.HCM gần nhất.

Số ca nhiễm ngày 4/8 giãm gần 1 nửa

Theo bản tin Bộ Y tế, ngày 4/8, tại TP.HCM ghi nhận 3.300 ca nhiễm mới, giảm gần 1/2 so với ngày 3/8.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có hơn 105.500 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố. Tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu đến sáng ngày 4/8 là 43.751.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.