Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 5/9: Hôm nay, TP.HCM ghi nhận thêm 6.226 ca nhiễm mới

05/09/2021, 20:00

Tin tức dịch Covid-19 ngày 5/9 tại TP.HCM: Thành phố vừa ghi nhận thêm 6.226 ca nhiễm mới và 222 ca tử vong trong ngày.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 5/9 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

img

Tính từ 17h ngày 4/9 đến 17h ngày 5/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 6.226 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM.

Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 251.414 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Như vậy, hiện TP HCM nằm trong số 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao, lần lượt như sau TP.HCM (251.414), Bình Dương (132.433), Đồng Nai (28.549), Long An (25.085), Tiền Giang (10.571).

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 281 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (222), Bình Dương (38), Tiền Giang (5), Cần Thơ (4), Long An (3), Bình Thuận (2), Đồng Tháp (2), Khánh Hòa (2), Hà Nội (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Đồng Nai (1).

UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch vận động, tuyên truyền và tiếp nhận tình nguyện viên là người F0 đã khỏi bệnh tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố từ ngày 10/9 đến 31/12/2021.

Theo đó, tình nguyện viên đăng ký tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại phòng Tổ chức cán bộ - Sở Y tế qua số điện thoại 0907.574.269, (028) 3930 9967; được tập huấn về phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2, quy trình chăm sóc người bệnh, các quy định và nội quy chung.

Ngày 5/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã có thư ngỏ gửi bà con, cô bác và anh, chị, em đang sinh sống tại TP.HCM, khuyến khích người dân tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên để chủ động phòng bệnh cho chính bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng dân cư.

Sở Y tế đã xây dựng video clip hướng dẫn trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, đồng thời các cơ sở y tế địa phương cũng hướng dẫn và giúp cho người dân tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên.

Cũng trong ngày 5/9, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM đã khởi động chương trình “Vaccine tinh thần” nhằm hỗ trợ, tư vấn sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân Thành phố trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Chương trình dự kiến được triển khai đến cuối năm 2022 hoặc kéo dài tùy vào tình hình diễn tiến của đại dịch với 3 nhóm nội dung chính gồm phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần; tham vấn và trị liệu tâm lý; hỗ trợ tái hòa nhập hậu COVID-19.

img

Buổi lễ khai giảng năm học mới có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Sáng 5/9, trong không khí thiêng liêng, nhiều cảm xúc của khởi đầu năm học mới 2021-2022, giữa bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, TP.HCM đã tổ chức lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Lễ khai giảng được truyền hình trực tiếp đến toàn thể giáo viên, học sinh, phụ huynh TP.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT dự lễ khai giảng. Lễ khai giảng đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ những người mất vì Covid-19

Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gửi lời chúc mừng năm học mới và lời chúc sức khoẻ, bình an đến hơn 80 nghìn thầy cô giáo, cùng gần 1,7 triệu học sinh TP. “Sự có mặt ở đây cũng như sự theo dõi trực tuyến của các thầy cô giáo, cùng gần 1,7 triệu học sinh TP chứng tỏ TP đang quyết tâm, vững bước tiến vào năm học mới”.

Ông Mãi khẳng định trong hoàn cảnh thành phố còn ngổn ngang nỗi lo nhưng Đảng bộ và nhân dân đồng hành với ngành giáo dục và luôn xem tiến bộ của giáo dục là tiêu chí của sự phát triển.

Trong kế hoạch sắp tới, thành phố sẽ tổ chức tiêm đủ hai mũi vaccine cho tất cả cán bộ quản lý, nhà giáo nhân viên trường học trước ngày 20/11 năm nay. Đồng thời, thành phố sẽ đề xuất Bộ Y tế tiêm vaccine cho các em ở độ tuổi 12 đến 18.

Khi khống chế cơ bản được dịch bệnh, học sinh từ tiểu học đến trung học trở lại trường theo lộ trình thích hợp, trước mắt là ở các quận, huyện đã kiểm soát được dịch bệnh với điều kiện sắp xếp phòng học và lịch học hợp lý, cũng như tuân thủ nguyên tắc 5K.

Thành phố chủ trương hỗ trợ 100% học phí học kỳ một cho khối mầm non và phổ thông công lập và ngoài công lập, đồng thời kêu gọi các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không tăng học phí và miễn, giảm học phí cho học sinh khó khăn.

Trước thềm năm học lịch sử dù còn nhiều khó khăn song với tinh thần nỗ lực vượt khó, và truyền thống yêu nước sâu sắc, hội nhập quốc tế của thành phố mang tên Bác, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng vào ngành giáo dục thành phố, tin tưởng vào sức mạnh, ý chí nghị lực của nhân dân TP, thầy và trò ngành giáo dục...

img

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân test nhanh Covid-19 tại nhà.

Bộ Y tế kêu gọi người dân tại TP.HCM tự test nhanh Covid-19 tại nhà

Việc làm này sẽ giúp người dân chủ động phòng bệnh, đồng thời góp sức cho thành phố sớm kiểm soát tình hình.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM, đã gửi thư ngỏ tới toàn bộ người dân sống tại TP.HCM.

Trong thư, lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ cả thành phố đã cùng nhau trải qua 100 ngày khó khăn trong việc ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta.

"Công tác phòng, chống dịch Covid-19 do biến chủng Delta gây ra đã đạt được một số kết quả bước đầu và đang có những sự thay đổi tích cực theo hướng kiểm soát bệnh dịch", thứ trưởng nhận định.

Theo ông Sơn, với khả năng lây lan nhanh và mạnh của biến chủng Delta, công tác xét nghiệm là chìa khóa để xác định nguồn lây, từ đó bóc tách, cách ly, điều trị kịp thời cho người bệnh.

Thời gian qua, TP.HCM đã áp dụng chiến lược xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, do dân số đông cùng nguồn nhân lực hạn chế, khả năng xét nghiệm để loại bỏ triệt để nguồn lây còn thấp. Ngoài ra, một số điểm lấy mẫu xét nghiệm còn chưa đảm bảo an toàn sinh học, gây nguy cơ lây nhiễm cho cả người lấy mẫu và người dân.

Do đó, để chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng dân cư, đồng thời góp sức vào công tác phòng, chống dịch của thành phố, Bộ Y tế khuyến khích người dân tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho bản thân và gia đình.

Để hỗ trợ người dân, Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng các hướng dẫn bằng hình ảnh và video.

"Tôi cũng đề nghị các cơ sở y tế địa phương và nhân viên lấy mẫu chủ động đề xuất, giúp người dân tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên", ông Sơn viết.

Thứ trưởng Sơn bày tỏ sự tin tưởng người dân TP.HCM sẽ sẵn lòng tự thực hiện xét nghiệm thường xuyên và kết quả luôn được cập nhật tới cơ quan y tế địa phương.

Theo ông, đây là những thông tin có giá trị để đánh giá tình hình dịch bệnh cũng như "những viên gạch góp phần xây dựng 'pháo đài' chống dịch" của phường, xã.

Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định tất cả biện pháp chống dịch đang được thực hiện quyết liệt, khẩn trương. Việc người dân tự xét nghiệm bằng test nhanh cùng các phương thức phòng, chống dịch của thành phố sẽ là trận tấn công tổng lực để sớm ổn định cuộc sống trở lại.

img

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại điểm nóng lây nhiễm.

Truy tặng Bằng khen của Thủ tướng cho 18 cá nhân tích cực phòng, chống dịch

Ngày 4/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1458/QĐ-TTg truy tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 18 cá nhân thuộc TP.HCM đã có nhiều thành tích và đóng góp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Cụ thể 18 cá nhân được truy tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ gồm:

1. Ông Vũ Quốc Cường, địa chỉ thường trú: số 151A, đường Tôn Thất Đạm, Khu phố 6, phường Bến Nghé, Quận 1;

2. Ông Phan Văn Quang, địa chỉ thường trú: số 170/33, đường Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4;

3. Ông Nguyễn Minh Hải, địa chỉ thường trú: số 671/10, đường Đoàn Văn Bơ, Phường 18, Quận 4;

4. Ông Trịnh Huỳnh, địa chỉ thường trú: số 884/21, đường Đoàn Văn Bơ, Phường 18, Quận 4;

5. Ông Bùi Văn Lanh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phường 6, Quận 11;

6. Ông Lê Văn Út, nguyên cán bộ Hội Chữ thập đỏ Quận 12;

7. Ông Nguyễn Phú Hiếu, địa chỉ thường trú: số 57/3A Tổ79, Khu phố 7, phường Tân Thới Nhất, Quận 12;

8. Ông Nguyễn Văn Thức, địa chỉ thường trú: số 145/63, đường Lê Đức Thọ, phường 17, quận Gò Vấp;

9. Ông Nguyễn Vũ Huy Hoàng, nguyên Chiến sĩ Dân quân thường trực phường Tân Thành, quận Tân Phú;

10. Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Tổ trưởng Tổ dân phố 56, thành viên Tổ COVID cộng đồng phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú;

11. Ông Võ Văn Huệ, nguyên Tổ trưởng Tổ dân phố 44, thành viên Tổ COVID cộng đồng phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú;

12. Ông Phan Hồng Phong, nguyên Trưởng Khu phố 8, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân;

13. Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, nguyên Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khu phố 8, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân;

14. Ông Dương Đình Hải, nguyên Bảo vệ dân phố Khu phố 5, phường An Lạc A, quận Bình Tân;

15. Ông Lâm Văn Hiệp, nguyên Tổ trưởng Tổ dân phố 130, Khu phố 21, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân;

16. Bà Ngô Thị Thu Tâm, nguyên Tổ phó Tổ dân phố 6, Khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh;

17. Ông Đinh Chánh Định, nguyên Bảo vệ dân phố Khu phố 5, Phường 22, quận Bình Thạnh;

18. Ông Nguyễn Anh Pháp, nguyên Cộng tác viên trật tự đô thị, Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có Tờ trình 1115/TTr-TTg đề nghị Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Lao động Hạng ba cho 2 cá nhân là ông Trịnh Hữu Nhẫn, Bác sĩ (hạng III), nguyên Trưởng trạm Trạm Y tế xã Phước Lộc, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, Sở Y tế TP.HCM và bà Trần Thị Phương Hằng, nguyên Điều dưỡng (hạng IV), Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện nhân dân Gia Định, Sở Y tế TP.HCM đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch.

img

Đoàn viên, thanh niên thực hiện các gian hàng 0 đồng cho người dân tại các khu phong tỏa Ảnh: Nữ Vương

TP.HCM đã có 245.188 ca nhiễm được công bố

Tính từ 17h ngày 3/9 đến 17h ngày 4/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.104 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 245.188 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Sau khi rà soát danh sách người được phép ra đường (cả diện được cấp giấy đi đường và được miễn giấy đi đường), cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công an TP.HCM sẽ có phương án kiểm soát người đi đường bằng mã QR thay cho giấy đi đường.

Lực lượng tại chốt, trạm sẽ quét mã QR mà người đi đường khai báo y tế qua phần mềm "di chuyển nội địa", trong hệ thống sẽ có thông tin người đi đường nằm trong diện được phép ra đường hay không (có giấy đi đường). Nếu có tên thì được qua chốt, còn chưa cập nhật thì quay đầu xe.

Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 đến ngày 15/9. Theo kế hoạch, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức sẽ tiếp tục rà soát, vận động và lập danh sách người dân từ 18 tuổi chưa được tiêm mũi 1 để tổ chức tiêm bằng các loại vaccine phù hợp.

Đồng thời tổ chức tiêm mũi 2 cho những người đã được tiêm mũi 1 đủ thời gian theo khuyến cáo của từng loại vắc-xin. Triển khai các hình thức tiêm lưu động để tăng khả năng tiếp cận vaccine cho người dân không thể đến được các điểm tiêm cố định (xe tiêm lưu động, điểm tiêm riêng cho khu chung cư hoặc nhà trọ đông người, các tổ tiêm tại nhà, …).

Với tinh thần vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất, người dân hãy theo dõi thông tin tổ chức tiêm chủng trên địa bàn quận, huyện, phường, xã và đồng ý tiêm ngay khi đến lượt. Bên cạnh đó, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K, “ai ở đâu thì ở đó”, tuân thủ nghiêm quy định cách ly tại nhà, dùng túi thuốc đúng cách khi có kết quả xét nghiệm dương tính.

img

Nhân viên y tế mang vaccine Pfizer đến tận nhà để tiêm cho người cao tuổi ở TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.

Hơn 2 triệu người ở TP.HCM sắp được tiêm vaccine Covid-19 mũi 2

Trong vòng 15 ngày, TP.HCM sẽ triển khai tiêm mũi 1 và mũi 2 cho người dân bằng vaccine AstraZeneca, Moderna, Pfizer và Sinopharm.

Theo văn bản số 6312 do Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam ký ngày 4/9, TP.HCM sẽ tổ chức tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trong thời gian từ 1/9 đến ngày 15/9.

Nguyên tắc triển khai của thành phố trong đợt này là tiếp tục tiêm mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi sinh sống trên địa bàn thành phố chưa được tiêm để đảm bảo độ bao phủ vaccine.

Mũi 2 được tiêm cho những người đã được tiêm mũi 1 khi đủ thời gian theo từng loại vaccine.

Sở Y tế TP.HCM đề nghị các địa phương nhanh chóng tổng hợp số lượng người cần tiêm mũi 1, mũi 2 để Sở phân bổ vaccine phù hợp.

Đặc biệt, các địa phương cần thông tin phổ biến cho người dân về việc tiêm mũi 1, mũi 2 theo các loại vaccine, vận động người dân tham gia tiêm chủng để được bảo vệ trước đại dịch.

Các địa phương nhập danh sách này vào Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 (tiemchungcovid19.moh.gov.vn). Dữ liệu này được thiết lập để làm cơ sở quản lý đối tượng tiêm, sắp xếp lịch tiêm phù hợp theo từng ngày và thông báo mời người tiêm theo lịch hẹn.

Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cũng cần chủ động rà soát người lao động thuộc thẩm quyền quản lý chưa được tiêm đầy đủ mũi 1, mũi 2, phối hợp lãnh đạo địa phương để tổ chức tiêm chủng cho người lao động.

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, tính đến hết ngày 3/9, toàn thành phố đã có 6.321.049 người được tiêm vaccine ngừa Covid-19, tăng 52.722 mũi so với ngày 2/9.

img

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công nhân trong khu công nghiệp. Ảnh: T.Phương.

TP.HCM lập Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 và phục hồi kinh tế

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM theo các giai đoạn, do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi làm trưởng ban.

Ngày 4/9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban Chỉ đạo).

Theo đó, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM theo hai giai đoạn (từ ngày 15/9 đến 31/12/2021 và từ năm 2022 đến những năm tiếp theo).

Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi làm Trưởng ban. Các phó trưởng ban gồm: Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình (Phó trưởng ban thường trực); các Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng, Võ Văn Hoan, Dương Anh Đức, Ngô Minh Châu.

Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà, giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Tư Pháp Huỳnh Văn Hạnh, giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Hà Phước Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Trần Hoàng Ngân, nguyên giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh; TS Vũ Thành Tự Anh (Trường chính sách công và quản lý Fulbight).

UBND TPHCM thành lập 4 tổ tham mưu cho Ban chỉ đạo trong xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế gồm:

Tổ công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức làm tổ trưởng có nhiệm vụ chuẩn bị nội dung, các kịch bản và giải pháp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP trong các giai đoạn từ ngày 15/9 đến 31/12/2021 và từ năm 2022 đến những năm tiếp theo.

Tổ công tác an sinh xã hội do Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan làm tổ trưởng chuẩn bị nội dung, các giải pháp về công tác an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong các giai đoạn.

Tổ công tác phục hồi kinh tế do Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng làm tổ trưởng có trách nhiệm chuẩn bị nội dung, các giải pháp cho công tác phục hồi kinh tế tại TPHCM theo các giai đoạn.

Tổ công tác thúc đẩy các dự án đầu tư do Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình làm tổ trưởng, có nhiệm vụ lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, dự án có vốn đầu tư lớn.

Tổ có trách nhiệm phối hợp liên ngành giải quyết những công việc quan trọng có liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TPHCM.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.