Các học sinh cách ly tại trường THCS Sao Đỏ (Hải Dương). Ảnh: Báo Hải Dương.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có xu hướng tấn công các trường học, câu chuyện xúc động về các lớp học của các cháu nhỏ bị cách ly ở các địa phương đặt ra cho ngành Giáo dục bài toán làm thế nào để đào tạo cho các cháu và người trẻ kĩ năng sinh tồn trong thời Covid.
Mới đây, tôi được mời trình bày nghiên cứu của mình tại Hội thảo Quốc tế trực tuyến về chủ đề: “Y tế, Nhập cư và Các vấn đề chuyển đổi ở châu Á” do Đại học Ateneo de Manila, Philippines tổ chức.
Các đồng nghiệp quốc tế muốn biết vì sao một nước nhỏ, nền kinh tế và y tế còn khiêm tốn như Việt Nam lại có thể chống chịu với dịch Covid-19 tốt đến vậy. Trong tham luận, tôi trình bày nghiên cứu của mình về tác động của các định thức văn hóa trong đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Trong đó, nhấn mạnh đến yếu tố “văn hoá tập thể biệt trội” là một trong những bí quyết giúp Việt Nam chiến thắng dịch bệnh này ở những giai đoạn đầu.
Sự dẫn đầu về các “mô hình cách ly” tại trường lớp là một sáng kiến tốt trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp và các nguồn lực cho việc chống dịch bị thiếu thốn.
Đây nên được coi là một biểu hiện biệt trội của tính tập thể của người Việt và xúc động hơn khi đó là những người Việt nhỏ tuổi.
Những công dân nhí, cùng với thầy cô của mình đã tạm chấp nhận hy sinh tự do cá nhân, để thực hiện cách ly tại chỗ, góp phần không làm diễn biến của dịch trở nên xấu thêm.
Dù rằng, hẳn sẽ có vô số khó khăn họ gặp phải, khi lần đầu tiên trong đời phải ở trong trại cách ly là chính lớp học của mình. Hẳn sẽ có những tình huống xung đột giao tiếp trong môi trường đặc biệt đó.
Tuy nhiên, việc cách ly tại trường lớp là một thực tế mới, đòi hỏi cả học trò lẫn thầy cô phải được đào tạo các kỹ năng thích nghi và ứng biến.
Ngành Giáo dục phải bắt tay xây dựng những kịch bản, quy trình và cách thức phản ứng với từng tình huống dịch cho cả các nhà trường, thầy cô và học trò.
Hay nói cách khác, chúng ta có một văn hoá tập thể ưu trội như một bản năng hay tộc tính có sẵn, nhưng để chiến thắng dịch bệnh một cách lâu dài, văn hoá ưu trội đó cần được nuôi dưỡng và phát triển bằng việc đào tạo các kỹ năng và truyền đạt các kinh nghiệm sinh tồn trong đại dịch.
Làm sao để có bộ hướng dẫn mà các trường trong cả nước khi xảy ra tình huống dịch, sẽ ứng biến theo cẩm nang hướng dẫn. Từ đó hạn chế các sai sót không đáng có và tăng cường khả năng sinh tồn của người trẻ trong các đại dịch và khi xảy ra sự cố.
Lúc đó, các cháu nhỏ ở các trường lớp phải cách ly, sẽ không phải là những học sinh “vạn bất đắc dĩ”, mà sẽ là những chiến sĩ nhỏ tuổi có đủ kiến thức và kĩ năng, chủ động chống dịch.
Lê Ngọc Sơn
Chủ tịch Mạng lưới Chuyên gia từ CHLB Đức về Truyền thông và Xử lý Khủng hoảng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận