Flycam có phải là thiết bị nghiệp vụ?
Những ngày qua, thông tin về việc cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Lạng Sơn dùng thiết bị flycam hỗ trợ các tổ công tác "bắt quả tang", xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn được dư luận quan tâm.
Việc làm trên đạt được hiệu quả khi CSGT phát hiện, xử lý hơn 50 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ngoài ra, 5 thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng trên đường bị flycam phát hiện, chỉ điểm cho CSGT xử lý, góp phần bảo đảm ATGT trên địa bàn.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục CSGT cho biết, theo Nghị định số 135/2021/NĐ-CP của Chính phủ về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính, thì flycam có gắn camera được phép trang bị cho lực lượng CSGT sử dụng.
Theo đó, Điều 22 của Nghị định 135/2021 nêu rõ, người có thẩm quyền (CSGT) được sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, cảng hàng không, sân bay, điều hành bay, kinh doanh vận tải cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT.
Trước đây, Cục CSGT từng phối hợp với CSGT Hà Nội sử dụng thiết bị flycam để quét toàn bộ tình hình giao thông ở các cửa ngõ, quốc lộ, vành đai. Điều này nhằm đảm bảo ATGT, chống ùn tắc trong các kỳ nghỉ lễ.
"Qua màn hình flycam, các đơn vị phối hợp sẽ kịp thời điều hướng được các luồng phương tiện từ xa, tránh xảy ra ùn tắc cục bộ, đồng thời cũng giám sát chặt chẽ hoạt động của lực lượng làm nhiệm vụ ngoài đường", đại diện CSGT cho hay.
Tại Lạng Sơn, từ tháng 6 đến nay, CSGT nơi đây huy động nguồn xã hội hóa, thí điểm sử dụng flycam hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát. Cụ thể, lực lượng chức năng dùng thiết bị bay qua các tuyến phố trung tâm, kịp thời quan sát, xác định đối tượng vi phạm từ trên cao để thông báo cho tổ công tác dưới mặt đất đến kiểm tra, xử lý kịp thời.
Đáng chú ý, flycam còn được dùng để tìm kiếm, "bắt quả tang" những tài xế vừa rời các quán nhậu mà vẫn trực tiếp lái xe. Công an Lạng Sơn đánh giá, sử dụng flycam mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với việc lập chốt trên đường hoặc hóa trang, xử lý như trước.
"Soi" từ trên cao, tài xế không còn né tránh
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Thị Khuyên (Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023 của Bộ Công an quy định CSGT tuần tra được dừng xe kiểm soát trong 4 trường hợp.
Cụ thể, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Như vậy, quy định nêu trên cho phép lực lượng CSGT hoàn toàn có quyền trực tiếp phát hiện hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ..
"Điều này đồng nghĩa với việc CSGT được sử dụng thiết bị bay flycam, camera phạt nguội… trong quá trình làm nhiệm vụ", luật sư nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ cách làm này, luật sư Khuyên nhìn nhận, phương pháp xử lý vi phạm như trên, trong đó có CSGT ở Lạng Sơn là rất tốt, rất đáng khích lệ. Đặc biệt đối với những tài xế vi phạm nồng độ cồn thường có tâm lý tìm cách né tránh CSGT.
Theo chuyên gia, các địa phương cần nhân rộng mô hình xử lý vi phạm áp dụng khoa học công nghệ, như ở Lạng Sơn.
Bởi lẽ, thiết bị này giúp phát hiện từ sớm, từ xa người vi phạm khi vừa sử dụng rượu bia, chất kích thích nhưng vẫn điều khiển phương tiện. Qua đó góp phần ngăn chặn hậu quả các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Đáng chú ý, flycam còn cung cấp và lưu giữ được hình ảnh, clip làm chứng cứ để tài xế không thể chối cãi được.
"Chưa kể hình thức này giúp tiết kiệm nhân sự, thời gian và công sức của lực lượng chức năng, khi mà tổ chức lực lượng chốt chặn rất dễ bị người vi phạm nhận biết vị trí cảnh sát giao thông thường hay kiểm tra thì sẽ né tránh, thay đổi lộ trình để đối phó", luật sư Khuyên nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận