An ninh hình sự

CSGT Hà Nội cải trang, ghi hình xe “rùa bò”

27/01/2016, 07:23

Chỉ trong một tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng đã xử lý 55 trường hợp.

 

tài xế ký cam kết không lái xe rùa bò
Tài xế ký cam kết không lái xe "rùa bò".

Ngày 26/1, Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Công an Hà Nội phối hợp với Công ty CP Bến xe Hà Nội - Xí nghiệp Quản lý bến xe phía Nam (Bến xe Giáp Bát) tổ chức Hội nghị Tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho hàng trăm tài xế. Hội nghị này được tổ chức ngay sau khi Báo Giao thông có bài phản ánh về tình trạng hàng loạt nhà xe cố tình chạy “rùa bò” để bắt khách dọc đường, gây ùn tắc, cản trở giao thông trên tuyến đường Kim Đồng - Giải Phóng, Hà Nội.

Báo Giao thông số ra ngày 13/1 có bài “Gia tăng xe khách “chạy rùa” ùn tắc phố Thủ đô”, phản ánh việc tuyến đường Kim Đồng - Giải Phóng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Dù chỉ dài chưa đầy 1km, song để lưu thông qua tuyến đường này có khi phải mất tới 45 phút.

Nguyên nhân là do nhiều xe ô tô khách lưu thông từ Bến xe Giáp Bát qua đây ngang nhiên đỗ ngay giữa đường hoặc di chuyển với tốc độ rất chậm để chờ bắt khách. Càng cận Tết, áp lực giao thông trên tuyến phố này càng trở nên rất phức tạp, là nỗi ám ảnh đối với những người thường xuyên lưu thông qua đây. Sau khi báo ra, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Sở GTVT Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, năm 2014, lực lượng chức năng đã xử lý đối với hơn 500 trường hợp xe vi phạm, đến năm 2015 số trường hợp bị xử phạt đã giảm xuống còn hơn 300.

Tuy nhiên, chỉ trong một tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng đã xử lý 55 trường hợp. “Trong một tháng mà xử lý hơn 50 trường hợp cũng là con số khiến chúng ta phải suy nghĩ”, ông Thành nói và cho biết, từ đầu năm 2016, Bến xe Giáp Bát đã đình tài đối với hơn 40 trường hợp vi phạm lỗi dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định. Trường hợp vi phạm nhiều nhất bị đình tài 7 ngày. Dịp Tết tới đây, xe nhồi nhét hành khách, chở quá số người quy định, tự ý tăng giá vé và chở pháo lậu, bến xe sẽ có những biện pháp xử lý rất nghiêm.

Theo Trung tá Phạm Văn Tuyến, Đội phó Đội CSGT số 14, trước thông tin báo chí phản ánh và thực tế chỉ trong một tháng đầu năm mà lượng xe vi phạm tăng nhiều, Đội CSGT 14 đã kiến nghị tổ chức buổi Hội nghị tuyên truyền pháp luật cho các lái xe. Từ ngày 24/12/2015 - 20/1/2016, tổng số lái xe vi phạm là 177 trường hợp.

Trước thực tế này, CSGT phải mặc thường phục, dùng camera hoặc máy ảnh để chụp ảnh, ghi hình các xe vi phạm. “Có những lần tôi mặc thường phục đi sau các xe để ghi hình, thấy có những xe chạy “rùa bò” với mức 5km/h rồi liên tục dừng đón, trả khách, thậm chí mở cửa bắt khách khi xe đang chạy. Rồi có những khi tôi thấy các anh phóng thật nhanh để giành khách mà không quan sát các phương tiện trên đường.

Các anh đi như thế thì còn gì đường sá cho dân đi lại?”, ông Tuyến nói với hàng trăm tài xế ngồi bên dưới và thông tin, có những trường hợp xe bị phạt có nhờ người gọi điện cho CSGT để “xin” nhưng CSGT dứt khoát thực hiện đúng, bởi trong 177 lái xe vi phạm có những người cố tình vi phạm đến lần thứ 3, 4. Ngay sau đó, Trung tá Tuyến thông báo danh sách các lái xe của các nhà xe vi phạm và yêu cầu những người này ký cam kết không tái phạm, nếu tái phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Kiến nghị cắm biển tốc độ tối thiểu trên đường Giải Phóng

Thượng tá Nguyễn Đức Thịnh, Đội phó Đội CSGT số 14 nhận định Bến xe Giáp Bát và Bến xe Mỹ Đình là hai bến xe nhức nhối nhất của Hà Nội. Tới đây, sẽ kiến nghị  cắm biển tốc độ tối thiểu trên đường Giải Phóng, sau đó chỉ đạo lực lượng chức năng bắn tốc độ, xử phạt những xe vi phạm. Ông Thịnh cho rằng, lúc đó chắc chắn không có xe nào dám “bò” nữa, vì giả sử bắt được một khách mà bị phạt 3 triệu và tước GPLX thì chắc chắn không nhà xe nào mong muốn.

Cũng theo Thượng tá Thịnh, chính vì xe chạy “rùa bò” nên khách mới không vào bến. Bản chất là khách cần xe hơn, nếu mỗi lái, phụ xe nêu cao tinh thần trách nhiệm thì hành khách cũng sẽ có ý thức vào bến mua vé, đón xe. Làm như hiện nay là xe đang “làm hư” hành khách.

Theo thống kê, toàn thành phố hiện có gần 7.000 phương tiện hoạt động với loại 29 chỗ trở lên. Nếu mỗi người không tự nâng cao ý thức thì tình hình giao thông rất phức tạp. “Xử phạt hay tước GPLX là biện pháp cuối cùng phải thực hiện mà chúng tôi không mong muốn. Bởi tôi cho rằng, nếu chỉ có xử phạt thì sẽ tạo tư tưởng chống đối trong đội ngũ lái xe, khi ấy họ chỉ nghĩ làm sao tránh được CSGT. Chúng tôi cũng quán triệt cán bộ của mình hạn chế thấp nhất lập biên bản và tước GPLX. Đây được coi là giải pháp cuối cùng khi các lái xe cố tình tái phạm”, Thượng tá Thịnh nhấn mạnh.

Thay mặt hàng trăm lái xe có mặt tại hội nghị, ông Vũ Văn Tú, đại diện Công ty CP Ô tô Ninh Bình đã cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với bến xe để có biện pháp giáo dục, xử lý những trường hợp lái xe cố tình vi phạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.