An ninh hình sự

CSGT từ "trưng dụng" sang "huy động" phương tiện của dân

12/10/2016, 06:54
image

CSGT được quyền huy động phương tiện giao thông của người dân trong một số trường hợp cấp bách.

Trưng dụng xe Tạ Tôn
Quá trình chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường, CSGT gặp rất nhiều trường hợp cần phải huy động phương tiện khẩn cấp. Ảnh: Tạ Tôn

Bộ Công an vừa đưa dự thảo Thông tư về chỉ huy, điều khiển GTĐB của CSGT lấy ý kiến nhân dân. Vấn đề huy động (trước đây là trưng dụng) tài sản của dân tiếp tục được dư luận quan tâm, tham góp nhiều ý kiến vì lo ngại xảy ra lạm quyền.

Huy động để cứu người, bắt cướp

Việc huy động được thực hiện dưới hình thức đề nghị hoặc yêu cầu. Việc huy động phương tiện được thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và theo điều kiện, trình tự, thủ tục do Luật Công an nhân dân, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản quy định.

Theo Đại úy Nguyễn Việt Anh, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), quy định trên là rất cần thiết, bởi quá trình chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường, CSGT gặp rất nhiều trường hợp cần phải sử dụng phương tiện khẩn cấp. “Mới đây, khi đang chỉ huy giao thông tại ngã tư Trần Duy Hưng - Phạm Hùng, có một phụ nữ đi xe máy tự ngã, máu chảy rất nhiều nên tôi đã trực tiếp huy động phương tiện của người đi đường đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết, nếu nạn nhân vào viện chậm một lúc nữa có thể nguy hiểm đến tính mạng do mất máu cấp. Trong nhiều vụ đuổi bắt cướp cũng vậy, nếu không huy động kịp thời, đối tượng sẽ tẩu thoát”, Đại úy Nguyễn Việt Anh nói và cho hay, thực tế cho thấy hầu hết người dân khi được CSGT thông báo huy động phương tiện đều sẵn sàng ủng hộ, kể cả khi chưa có quy định.

Trung tá Phạm Anh Tuấn, Đội phó Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cũng cho biết, việc huy động các phương tiện lưu thông trên đường để cứu người bị nạn lâu nay vẫn được lực lượng CSGT thường xuyên tiến hành vì “cứu người hơn cứu hỏa”. Nếu xảy ra tai nạn mà không có ngay phương tiện chở đi cấp cứu có thể sẽ xảy ra hậu quả đáng tiếc. “Mới đây, tại ngã tư Xã Đàn - Tôn Đức Thắng, khi chúng tôi đang phân luồng giao thông thì xảy ra một vụ va chạm, nạn nhân là một phụ nữ mang bầu hơn 5 tháng. Lập tức, CSGT đã huy động xe ô tô 7 chỗ đưa thẳng nạn nhân vào viện cấp cứu kịp thời. Về sau, cả CSGT cũng như người lái xe ô tô 7 chỗ đó đã nhận được thư khen”, Trung tá Tuấn thông tin.

Đã sửa “trưng dụng” thành “huy động”

Theo luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản quy định trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được trong bốn trường hợp, trong đó có trường hợp: “Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước. “Vì vậy, có thể hiểu là CSGT chỉ có quyền trưng dụng nếu đáp ứng một trong bốn điều kiện nói trên. Ngoài ra, chỉ có Bộ trưởng Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quyết định trưng dụng tài sản”, ông Thanh phân tích.

Còn theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách tư pháp (Bộ Công an), đầu năm 2016, Bộ Công an đã có Thông tư 01 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát GTĐB của CSGT, trong đó có quy định việc CSGT được trưng dụng các loại phương tiện theo quy định của pháp luật. Còn Thông tư lần này chỉ áp dụng đối với CSGT chỉ huy, điều khiển giao thông (làm nhiệm vụ tại các nút giao thông).

Phân tích cụ thể hơn, Thiếu tướng Quân dẫn chứng: “Ví dụ trong trường hợp cần đưa người bị nạn đi cấp cứu, CSGT có quyền yêu cầu người tham gia giao thông dùng phương tiện để hỗ trợ CSGT đưa người bị nạn đi cấp cứu. Nếu người tham gia giao thông từ chối yêu cầu này, họ có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự vì vi phạm quy định trong Bộ luật Hình sự về việc cố tình không cứu giúp người bị nạn".

Trước ý kiến cho rằng, dự thảo Thông tư mới chỉ quy định quyền hạn của CSGT trong việc trưng dụng phương tiện của người đi đường vào nhiệm vụ công tác, còn phần trách nhiệm của CSGT khi họ làm sai, lợi dụng công vụ mà gây thiệt hại cho người dân thì phải xử lý và bồi thường thế nào không thấy đề cập cụ thể, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết: “Trong trường hợp nêu trên chắc chắn sẽ có quy định xử lý vi phạm của CSGT, quy định về việc bồi thường nếu gây hư hỏng phương tiện của người dân. Tiếp thu các ý kiến đóng góp này, tới đây Bộ Công an sẽ bổ sung thêm quy định cụ thể về việc này vào dự thảo”.

Theo tướng Quân, trước đây có nhiều tranh cãi về việc này là do quy định CSGT có quyền trưng dụng tài sản, vì người dân cho rằng có sự lạm quyền. Nhưng thực tế, trong những trường hợp cấp bách thì ít xảy ra việc lạm quyền. “Mặc dù vậy, tiếp thu ý kiến của người dân, Thông tư lần này đã sửa các quy định về “trưng dụng” thành “huy động”, mà việc huy động này từ trước đến nay chúng ta vẫn thường xuyên áp dụng nên không có vấn đề vướng mắc gì”, tướng Quân khẳng định.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, trước đây, Thông tư 01 của Bộ Công an đã có quy định về việc này. Sau khi Thông tư 01 ban hành, Cục đã kiểm tra và có ý kiến đề nghị Bộ Công an chỉnh sửa cách thức quy định sao cho vừa đảm bảo nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT, vừa đảm bảo quy định của Hiến pháp và các luật có liên quan. “Đây không phải quyền mới do Bộ trưởng Bộ Công an đặt ra mà đã có trong Luật Công an nhân dân và các quy định của luật liên quan rồi, giờ chỉ cụ thể hóa bằng Thông tư.

Chúng tôi cũng nhấn mạnh, lưu ý rằng, CSGT thực hiện quyền trưng dụng, huy động phương tiện cũng phải theo quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và các luật có liên quan. Đây là dự thảo chưa ban hành và đang lấy ý kiến, còn khi nào Bộ Công an chính thức ban hành thì Cục mới tiếp cận kiểm tra theo thẩm quyền”, ông Ba cho biết.

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.