Hỏi:
Tôi thấy đã có không ít trường hợp người tham gia giao thông cự cãi với CSGT khi bị lập biên bản xử phạt, trong số này có người đã bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ. Xin hỏi, hành vi thế nào thì được coi là chống người thi hành công vụ, bởi tôi nghĩ việc tranh cãi là hết sức bình thường?
Trần Việt Phương (Quận Đống Đa, Hà Nội)
Trả lời:
Hành vi chống người thi hành công vụ là những hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay bị xử lý vi phạm hành chính còn tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi (vi phạm hành chính có mức độ nguy hiểm thấp hơn tội phạm).
Chống người thi hành công vụ, được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Người có hành vi này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức, tái phạm nguy hiểm, xúi giục, kích động người khác phạm tội hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 50 triệu đồng trở lên bị phạt tù 2 - 7 năm.
Thực tế cho thấy, với những trường hợp bị xử lý hình sự như bạn đề cập, đa phần là những người vi phạm giao thông bị lập biên bản nhưng lại có những hành vi như đốt xe, tấn công CSGT hoặc gọi thêm người đến để gây áp lực nhằm để CSGT bỏ qua lỗi vi phạm…Những trường hợp này khi cơ quan điều tra xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đều bị xử lý hình sự.
Các biểu hiện cụ thể gồm: Tấn công trực tiếp người đang thi hành công vụ; dùng lời nói, cử chỉ có tính răn đe, uy hiếp khiến người thi hành công vụ sợ hãi, phải chấm dứt việc thực thi công vụ; khống chế, ép buộc người thi hành công vụ phải làm những điều trái với chức năng, quyền hạn của họ hoặc không làm những việc thuộc chức năng quyền hạn của họ; bôi nhọ, vu khống, đe dọa sẽ cung cấp những tin tức bất lợi cho người thi hành công vụ…
Tất cả các hành vi nói trên người phạm tội thực hiện đối với người thi hành công vụ là để ngăn cản người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình hoặc buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Còn nếu hành vi chống người thi hành công vụ chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 167/2013, với mức phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận