Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu cố vấn chiến lược Steve Bannon |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích cựu cố vấn chiến lược của Nhà Trắng Steve Bannon bằng ngôn từ mạnh, đồng thời chối bỏ vai trò của thuộc cấp từng được ví như “cánh tay phải” này trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 sau khi người này tố cáo rằng “cuộc gặp với luật sư Nga là tội phản quốc”.
Cơn giận dữ của ông Trump càng thêm khẳng định lời ông Bannon đã nói nhiều lần: “Đối với Trump, không có gì lớn hơn bản thân ông ấy”.
Trump chỉ trích Steve Bannon “mất trí”
Khi một số trích đoạn trong cuốn sách mới nhất của Michael Wolff về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và năm đầu nhậm chức của ông Donald Trump được tiết lộ trên tờ The Guardian và một số cơ quan truyền thông ở New York, nhiều chuyên gia dự báo một “cơn bão dữ dội” sắp xảy ra và mục tiêu của cơn thịnh nộ từ Nhà Trắng lần này là cựu chiến lược gia trưởng Steve Bannon.
Theo AFP, ngày 3/1, Thư ký báo chí của Nhà Trắng, bà Sarah Huckabee Sanders tiết lộ rằng, một vài thông tin trong cuốn sách sắp xuất bản khiến ông Donald Trump vô cùng tức giận. Theo bà Sarah Huckabee Sanders, lãnh đạo Nhà Trắng đã chỉ trích ông Bannon “mất trí” sau khi rời Nhà Trắng.
Cuốn sách có tựa Lửa và cuồng nộ: Bên trong Nhà Trắng của Tổng thống Trump dự kiến xuất bản vào ngày 9/1, trích lời ông Bannon, trong đó vị cựu chiến lược gia của ông Trump đã cáo buộc rằng “cuộc gặp vào tháng 6/2016 giữa con trai và con rể ông Trump với một luật sư Nga tại Tháp Trump trong chiến dịch tranh cử 2016 là phản quốc và không yêu nước”. Cuộc gặp này cũng đã trở thành trọng tâm của các nhà điều tra liên bang và Quốc hội Mỹ.
Thông qua cuốn sách, ông Bannon cho rằng, các cuộc điều tra về việc có thể cấu kết giữa Nga và các quan chức Hoa Kỳ trong chiến dịch tranh cử của ông Trump liên quan đến các hoạt động rửa tiền. Bên cạnh đó, cuốn sách còn miêu tả Tổng thống Trump như một người thiếu kỷ luật và thực sự không muốn giành chiến thắng ghế Tổng thống Mỹ như ông đã thể hiện ra bên ngoài.
Thay vì những lời chỉ trích trên Twitter theo phong cách của ông Trump trước đây, Nhà Trắng đưa ra tuyên bố của Tổng thống Mỹ. Ngay sau tuyến bố này, các luật sư của ông Trump cảnh báo rằng, ông Steve Bannon đã vi phạm một thỏa thuận không tiết lộ và phá vỡ hợp đồng lao động của mình bằng việc cung cấp thông tin cho ông Wolff về ông Trump và gia đình Tổng thống Mỹ.
Tạp chí New York cho rằng, những ý kiến của ông Bannon trong cuốn sách không gây bất ngờ cho bất cứ ai thường tiếp xúc với ông ấy. Nhưng theo một người thân cận của Tổng thống Donald Trump thì những tiết lộ của ông Bannon trong cuốn sách “gây sốc” và họ đã không chuẩn bị trước cho điều này. Việc ông Trump chỉ trích cựu cố vấn của mình “mất trí” khiến các chuyên gia suy diễn rằng, đây sẽ là dấu chấm hết thực sự cho mối quan hệ “khăng khít” cùng chí hướng lâu nay.
Liệu có thể làm khó ông Trump?
Theo các chuyên gia, đây là lần chỉ trích mạnh mẽ nhất của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump đối với cựu chiến lược gia của ông. Kể từ khi rời khỏi Nhà Trắng, Steve Bannon vẫn duy trì vị trí có ảnh hưởng như một cố vấn không chính thức cho ông Trump và như một nhà lãnh đạo thực tế cho phong trào cực hữu mà ông Trump là một đại diện.
Không thể phủ nhận được rằng cựu nhà điều hành ngân hàng Goldman Sachs đồng thời là Chủ biên trang tin cực hữu Breitbart News là nhân vật trung tâm đứng sau chính sách “Nước Mỹ trên hết” (America First) từng giúp ông Trump thu hút cử tri và giành chiến thắng trong cuộc đua với bà Hillary Clinton năm 2016.
Không những thế, trong khoảng thời gian đầu mới nhậm chức, các quyết định lớn của ông Trump đều có bóng dáng của Bannon như Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), lệnh hạn chế nhập cảnh, quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu...
Sự ảnh hưởng “đã từng” của Bannon lớn đến mức các chính trị gia gọi ông là “kiến trúc sư trưởng” - người định hình hệ tư tưởng thống nhất để định danh lên cụm từ “Thế giới Trump” (Trumpworld). Không những thế, ông Bannon đã kết nối hiện tượng Trump không chỉ với các xu hướng chính trị Mỹ mà còn với sự nổi lên toàn cầu của “chủ nghĩa dân túy dân tộc”. Vì vậy, khi “xua đuổi” Bannon từ một nơi mà ông ấy giúp xây dựng, Tổng thống Donald Trump đang phải xác định những thiệt hại không thể dự đoán sẽ tới với sự nghiệp chính trị của mình.
Cho đến nay, chưa có dấu hiệu cho thấy Bannon đang được điều tra bởi Chưởng lý đặc biệt Robert Mueller - người được cấp quyền giám sát cuộc điều tra hình sự về “nghi án” quan hệ giữa Nga và chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ đã mời Steve Bannon cùng với cựu nhân viên vận động tranh cử của ông Trump, Corey Lewandowski tham gia cuộc phỏng vấn kín trong khuôn khổ cuộc điều tra của ủy ban về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.
Một quan điểm lạc quan hơn, bà Sanders cho biết, Tổng thống Trump và Bannon mới có cuộc nói chuyện vào đầu tháng trước. Bà cũng cho rằng, ông Bannon đang muốn thiết lập lại sự hiện diện của Đảng Cộng hòa trong Nhà Trắng và Tổng thống Trump vẫn muốn duy trì liên lạc với các cố vấn cũ ngay cả khi có lúc “cáu giận” và đã “miệt thị” họ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận