Giám đốc Ban quản lý tòa Home City trực tiếp kiểm tra hệ thống PCCC. Ảnh: Hồng Hạnh |
Báo cháy trong đêm: nhà nghe được, nhà không
Hai đêm 11 và 12/4, một số cư dân Home City trải qua phen thót tim khi nghe chuông báo cháy của tòa nhà. Trong khi đó, những người còn lại lo lắng không kém vì họ không hay biết gì khi có tín hiệu báo cháy.
Cụ thể, chị H.V, cư dân sống tại tầng 5 lại cho biết, khoảng 5h sáng 11/4, chị đang ngủ bỗng giật bắn mình nghe tín hiệu báo cháy của toà nhà. Lao ra khỏi phòng, chạy về phía cửa chính, chị V. chỉ thấy vài người ngó cửa ra nhìn, đại bộ phận gia đình khác cửa vẫn đóng, lặng như tờ. Chị V. định đập cửa thông báo cho một số gia đình nhưng ngay lúc đó nghe ban quản lý (BQL) tòa thông báo "mọi người bình tĩnh, có gì thông báo sau" nên lại quay về phòng chờ đến sáng.
2h sáng 12/4, tình trạng có chuông báo cháy và cũng chỉ vài người hay biết lại tiếp diễn. Mặc dù BQL toà nhà thông báo các cư dân bình tĩnh chờ... thông báo song từ đó đến sáng chị V. không thể ngủ nổi vì chỉ sợ có báo cháy... thật mà không hay biết!
Chị Trần Thu Hương, sống tại tầng 24 xác nhận: “Khoảng 2h sáng 12.4, tầng 24 V3 có báo cháy, tuy nhiên nhà mình ở căn hộ 2410 V3 lại không biết gì”. Chị Hương cho biết đã gọi và gửi email cho bộ phận dịch vụ của Home City để phản ánh về việc không nghe được tín hiệu báo cháy. Đồng thời cũng bày tỏ sự lo lắng, mong các cư dân khác trong tòa nhà khi có tình huống tương tự nên đập cửa và thông báo giúp các căn hộ hàng xóm chưa rõ thông tin, nhất là vào khung thời gian ngủ rất sâu về đêm.
Tương tự, chị Nguyễn Hằng, sống tại tầng 19 V3, chị Phương Dung, sống tại tầng 6 cũng chia sẻ mối lo tương tự: "Nay cả khi có loa thông báo bình thường, cả nhà còn phải mở toang cửa, nín thở, căng tai mới nghe được tiếng loa bập bõm. Chứ mấy nữa mùa nóng, bật điều hòa, đóng cửa kín trong phòng mà báo cháy thật thì không biết thế nào".
Trước sự việc trên, một số cư dân Home City cho biết đã kiến nghị lên Ban quản lý tòa nhà, đề nghị xem lại hệ thống chuông báo cháy, đồng thời có những ý kiến đề xuất nên lắp chuông cho từng nhà hoặc bổ sung thêm vị trí chuông, loa thông báo tới từng căn hộ.
Ban quản lý nói gì?
Mang những thắc mắc của cư dân trao đổi với ông Trần Vũ Chính, Giám đốc BQL tòa nhà, ông Chính cho biết: Việc tòa nhà kích hoạt hệ thống báo cháy, nhưng không có vụ cháy nào xảy ra trong 2 ngày 11,12/4, là do đầu cảm biến khói, khi thấy có bụi chắn ngang qua hai mắt quang nhìn sang nhau, thì sẽ tự động hiểu là khói, đến một mật độ nhất định sẽ báo động.
Dự án Khu nhà ở hỗn hợp Home City tổ 51 phố Trung Kính (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) do Cty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính là Chủ đầu tư. |
Cũng theo ông Chính, hệ thống chuông báo và loa của toà nhà bảo đảm bảo tất cả các căn hộ có thể nghe được, tuy nhiên còn liên quan đến quy trình phản ứng khi có chuông báo cháy kích hoạt. Cụ thể, khi có chuông báo, việc đầu tiên bộ phận kỹ thuật tắt chuông báo cháy tránh hoảng loạn cho người dân, sau đó không quá 2 phút khi có báo cháy, nhân viên sẽ có mặt xác định đó là đám cháy thật hay không phải. Tiếp đó, lập tức thông báo về cho phòng camera, phát loa truyền âm công cộng của tòa nhà để thông báo.
Lý giải việc có những nhà không nghe thấy tiếng chuông, loa thông báo, ông Chính nhận định: Có thể do tiếng chuông rất ngắn, bởi bộ phận xác minh không phải cháy thì tắt chuông, thay bằng thông báo của BQL. Mặt khác, có thể trong thời điểm xảy ra báo cháy, có những người ở trong phòng ngủ đóng kín, và bản thân người ngủ có thể rơi vào trạng thái quá sâu.
Ông Chính xác nhận đã có 3 trường hợp gọi điện phản ánh tới BQL không nghe thấy chuông trên 1218 căn hộ trong toàn tòa nhà. Ông Chính cho rằng tỉ lệ này rất thấp, và có thể nằm trong các trường hợp, nguyên do vừa liệt kê như trên.
Về chất lượng loa phát thanh, ông Chính cho biết, loa truyền âm luôn được chỉnh ở mức tiêu chuẩn để phát âm, nếu tăng âm lượng, giọng âm phát tới tai người nghe có thể không rõ nét, hơi ồn.
Trước một số ý kiến người dân, cho rằng loa thông báo phải được đặt ở từng nhà, BQL tòa nhà cho biết: Với Home City, thiết kế đặt loa phát ở ngoài hành lang, chứ không đặt trong từng căn hộ để tạo sự chủ động thông báo của BQL, để các hộ đều nghe thấy mỗi khi có thông báo. Tránh trường hợp không mong muốn xảy ra, như ở một số tòa nhà khác, người ta thiết kế đưa loa vào từng căn hộ và có một công tắc để cho người dân tùy chọn có nghe hay không. Nếu cho người dân sự chủ động như vậy, có thể người dân thấy phiền hà bởi một số thông báo sẽ tắt đi, có thể sẽ quên không bật lại. Như vậy khi có hiệu lệnh di tản hoặc có báo động các căn hộ này có thể không biết được.
Với những yêu cầu, đề nghị của cư dân về việc cải thiện hệ thống thông báo, lắp đặt thêm các chuông, loa báo nhất định, BQL cho biết sẽ có trách nhiệm tiếp nhận và phản hồi cư dân. Theo tinh thần cầu thị, những kiến nghị hợp lý sẽ được BQL tập hợp lại, đề xuất với chủ đầu tư, và sau đó sẽ đề xuất lên Ban quản trị. Tuy nhiên, vấn đề này còn liên quan đến chi phí. Nếu sau này, những đề xuất của cư dân được tập hợp một cách chính thống, và có quyết định đầu tư thêm của chủ đầu tư và ban quản trị, khi ấy sẽ dùng nguồn kinh phí bảo trì của tòa nhà để làm.
Ngoài ra, BQL cũng cho biết hướng giải quyết với những căn hộ có yêu cầu cao hơn, có nhu cầu lắp đặt riêng có thể đề nghị riêng với BQL về hoạt động đó và tự chịu chi phí. Khi đó BQL sẽ tập hợp các yêu cầu và lên phương án, báo giá và tiến hành khi cư dân chấp nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận