Làm báo cùng Giao thông

Cú “giơ chân” của CSGT và ý thức lái xe người Việt

22/07/2016, 08:03
image

Từ vụ CSGT "giơ chân" cho thấy dư luận và đại đa số người Việt thường suy xét mọi chuyện hết sức cảm tính.

Nhiều người sẵn sàng phi xe lên hè chiếm đường của

Nhiều người sẵn sàng đi xe lên hè, chiếm đường của người đi bộ vào giờ cao điểm (Chụp trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: K.Linh

Cú “giơ chân” của một CSGT Công an TP Hà Nội tuy không trúng mục tiêu nhưng cũng khiến hai thanh niên đi xe máy ngược chiều ngã nhào vào dải phân cách đã trở thành chủ đề nóng nhất trên mạng tuần qua.

Có điều lạ là lần này, thay vì đả kích, phản đối, khó chịu với lực lượng thi hành công vụ vẫn thường thấy trong dư luận, lại có rất nhiều ý kiến bênh vực hành động của Trung úy CSGT Hoàng Anh.

1Trong An

Nhà báo Trọng An

Thậm chí một tờ báo đã làm khảo sát và bất ngờ khi kết quả cho thấy 70% bạn đọc ủng hộ hành động của viên CSGT kể trên.

Điều gì đã khiến người dân không suy xét chuyện CSGT có vi phạm điều lệ hay không và chấp nhận bỏ qua cả dấu hiệu anh này giải trình không trung thực? (Trong clip được người dân ghi lại, Trung úy Hoàng Anh đã chủ động “tung cước” nhằm vào hai đối tượng đang phóng xe vào đường ngược chiều chứ không đơn giản chỉ là phản xạ “giơ chân” “bật nhảy” tránh như giải trình - NV).

Để lý giải điều này, chỉ có thể cho rằng, dư luận và đại đa số người Việt thường suy xét mọi chuyện hết sức cảm tính. Nếu quá căm ghét những kẻ lái xe ngang ngược, “vô thiên vô pháp”, nhiều người sẵn sàng hô to: “Đạp cho nó chết là đáng” nhưng trong một bối cảnh khác, một thời gian khác, không ít người trong số đó sẽ quay ngoắt lại phân tích: “Sao làm thế được, vi phạm điều lệ nọ kia, nếu đạp ngã hai thanh niên vi phạm, liên đới gây tai nạn cho người khác thì sao? Phải kỷ luật viên trung úy”...

Điều đáng tiếc là sự cảm tính, không cần quan tâm tới các quy định pháp luật này không chỉ trong suy nghĩ mà có trong ý thức tham gia giao thông của đại đa số người Việt.

Đang đi thẳng thấy tắc đường, lập tức điều khiển xe máy leo lên vỉa hè vượt qua lòng đường đông nghịt dường như thành chuyện đương nhiên. Nếu phía trước có vụ tai nạn, người dồn ứ lại, tôi dám cược là không ai tự giác dừng lại ở phần đường của mình. Đám đông sẽ tràn sang làn đối diện, lấn cho tới tận hiện trường thì thôi. Mặc cho việc cản trở làn đường ngược chiều có thể khiến ta chôn chân ở đó thêm hàng tiếng.

Nếu gây ra tai nạn, không ít người thấy có thể chạy là bỏ chạy, không quan tâm tới nạn nhân thế nào. Nhưng nếu là người chứng kiến, ắt hẳn chính những người ấy lại lên án cực lực những kẻ táng tận lương tâm kia.

Tôi có người bạn, bình thường vẫn lên facebook chia sẻ chuyện dạy con, chuyện đi xe đến lớp phải đội MBH nhưng có lần cậy mình là nhà báo, anh thản nhiên đi xe vào đường cấm ô tô một đoạn dài. Gặp CSGT, anh hạ giọng xin xỏ bỏ qua, hôm sau lên mạng xã hội kể lại rất hể hả.

Tôi dám chắc, với ý thức ấy, anh còn ngang nhiên vi phạm giao thông nhiều lần và cũng chính anh sẽ lên án mạnh mẽ lắm những hành vi vi phạm của kẻ khác.

Tôi cho rằng, đến bao giờ, mỗi người Việt tự điều chỉnh hành vi của mình, tự nhìn nhận những việc mình làm, nghiêm túc và thượng tôn pháp luật như khi đánh giá hành vi của người khác thì văn hóa giao thông mới thay đổi được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.