Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam trình bày báo cáo kiến nghị cử tri tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV |
Đó là một trong những nội dung được nhấn mạnh trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành uỷ TP HCM trình bày trước Quốc hội sáng 22/5.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 741 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn ĐBQH và 2.547 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp.
Báo cáo cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao việc Chính phủ, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp trong 5 tháng qua đã tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội; trong đó có nhiều giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân vẫn lo lắng về một số yếu kém nhiều năm chậm được khắc phục.
Một trong những điểm được nhấn mạnh trong báo cáo kiến nghị là việc cử tri và nhân dân nhiều nơi rất bức xúc về tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra ngang nhiên, bất chấp pháp luật, là một nguyên nhân căn bản gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông, ven biển ở nhiều địa phương.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã nhiều lần phản ánh với Quốc hội, Chính phủ về tình trạng khai thác cát trái phép và nạn phá rừng, trong đó đã 2 lần kiến nghị với Chính phủ vào năm 2013, 2014 và 4 lần báo cáo liên tục tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, khóa XIV trong các năm 2013, 2014, 2015, 2016 . Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải chấn chỉnh tình trạng này nhưng đến nay, việc khai thác cát trái phép và chặt phá rừng vẫn diễn ra với mức độ tinh vi, thách thức chính quyền và dư luận.
Vì vậy, cử tri và nhân dân yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu các địa phương đã không có biện pháp xử lý, mặc dù Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều lần, nhân dân và báo chí đã liên tục phản ánh; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với các đối tượng, “nhóm lợi ích” khai thác cát trái phép, phá rừng, thách thức pháp luật
Việc cải cách bộ máy hành chính, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức là một yêu cầu cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn phản ánh về việc sắp xếp cán bộ, công chức ở một số nơi chưa phù hợp, tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn vẫn diễn ra.
Vì thế, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp; chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng thời nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ không chuyên trách ở cấp cơ sở.
Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cử tri và nhân dân cho rằng, việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm, việc làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư một số dự án lớn để thua lỗ, làm thất thoát lớn ngân sách nhà nước chưa được kịp thời.
Do đó, cử tri và nhân dân yêu cầu các cơ quan, tổ chức, trước hết là những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức ở các cấp cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng, phải thể hiện quyết tâm bằng những hành động cụ thể; kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, đảng viên có biểu hiện “suy thoái”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận