Đời sống

Cua biển nuôi chết hàng loạt, nông dân lao đao: Chưa xác định nguyên nhân

25/03/2022, 10:48

Thời gian gần đây, nông dân nuôi cua biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau "lao đao" về việc cua nuôi bất ngờ bị chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.

Cua chết bất thường, chết nhiều

Có diện tích nuôi cua bị chết gần 2 tháng nay, anh Dương Văn Thum (ngụ ấp 5, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) chia sẻ, vụ mùa này, anh thả 10.000 con cua giống trong diện tích 2,5 ha đất nuôi tôm - cua kết hợp. Ban đầu cua chết rải rác, sau đó, lượng cua chết ngày càng tăng, thương lái không dám thu mua cua bị bệnh khiến gia đình rất lo lắng.

"Cua nổi ở mé ao, rồi từ từ chết. Tình hình này chắc khoảng 1 tháng nữa cua chết 100%. Giờ mình đặt cua lên bán cũng không được luôn", anh Thum ngán ngẩm.

img

Cua chết hàng loạt, bất thường. Ảnh: T.H

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Yến (ở xã Lâm Hải, huyện Năm Căn) chia sẻ: "Năm nay, gia đình tôi thả 7.000 - 8.000 con cua giống, có dấu hiệu chết nhiều, cua bắt lên bờ trói lại để một chút là bị chết hết".

Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Tùng cho biết, cua chết có hiện tượng vỏ mỏng hoặc bị đóng rong, khi tách con cua ra không có thịt, chỉ có nước. Những con có ít thịt, nhiều người luộc lên và nếm thử có vị mặn.

Được biết, toàn huyện Năm Căn có gần 8.900 hộ nuôi cua, với diện tích khoảng 24.400 ha. Thống kê bước đầu của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay đã có hơn 4.300 hộ nuôi có cua bị bệnh, với diện tích trên 13.100 ha, mức độ thiệt hại bình quân trên 50%.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Huỳnh Quốc Việt đã có chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân, có giải pháp khắc phục để người dân yên tâm sản xuất.

Xác định nguyên nhân

Theo Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, vi khuẩn V. Parahaemolyticus là tác nhân cơ hội thứ hai hiện diện trong nước nuôi, cơ, gan cua với mật độ khá cao 1.000 CFU/ml/(gram) là tác nhân có nguy cơ gây bệnh cho cua nuôi và nguy cơ gây bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi cùng môi trường.

Qua phân tích mô học, không phát hiện tác nhân gây bệnh khác qua mẫu được phân tích.

Trong thời gian tới, nắng nóng tiếp tục kéo dài làm nhiệt độ và độ mặn tăng cao, có những vùng thiếu nguồn nước cấp như: huyện Thới Bình, U Minh sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường nuôi tôm, cua và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Điều này có thể gây thiệt hại nhiều hơn cho người nuôi tôm, cua. Đặc biệt, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị loại bệnh này.

Trước tình trạng này, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau khuyến cáo người dân nuôi tôm, cua cần theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết, dịch bệnh để phối hợp với các cơ quan chuyên môn nhằm kịp thời xử lý khắc phục giảm thiệt hại trong thời gian tới. Vì hiện nay chưa có biện pháp điều trị bệnh hiệu quả đối với ký sinh trùng giáp xác chân tơ ký sinh trên cua.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, tác nhân gây bệnh ký sinh trùng giáp xác chân tơ trên cua hiện tại Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ.

Cùng kỳ năm 2021, tình hình cua chết hàng loạt cũng xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Những tháng đầu năm nay, thực trạng này cũng đã diễn ra và không chỉ xảy ra ở huyện Năm Căn mà còn được ghi nhận tại các huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển... khiến người nông dân không khỏi lo lắng về năng suất của vụ mùa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.