Biết tin Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ quà Tết, nhiều công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cảm thấy phấn khởi.
Nhưng họ nhanh chóng rơi vào trạng thái mừng hụt vì tổ chức công đoàn không trực tiếp trao hoặc chuyển vào tài khoản nhận lương như mọi năm. Khoản hỗ trợ 300.000 đồng Tết 2024 không phải tiền mặt, mà là giá trị thẻ mua sắm trên các nền tảng giao dịch điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo.
Để nhận khoản hỗ trợ này, người lao động phải đăng ký, kích hoạt tài khoản của Công ty Tài chính HD SAISON - đối tác của Tổng Liên đoàn trong chương trình Chợ Tết Công đoàn.
Tuy nhiên, làm theo hướng dẫn, nhiều người đã giật mình khi được yêu cầu xác nhận hợp đồng mở thẻ tín dụng quốc tế hạn mức 5 triệu đồng.
Nghĩa là khi hoàn tất thủ tục, ngoài 300.000 đồng được hỗ trợ, người lao động có thể mua hàng qua mạng trước, trả tiền sau theo hạn mức được cấp.
Trước những thủ tục đăng ký rườm rà, người lao động ở nhiều nơi đã từ chối nhận hỗ trợ. Lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP Cà Mau cho biết: "TP nhận 345 suất hỗ trợ, trong đó có gần 100 anh em nghiệp đoàn xe ôm nhưng đa số không xài điện thoại thông minh nên không làm được".
Ở Cần Thơ, Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp được phân bổ 800 suất để hỗ trợ công nhân mua sắm qua sàn thương mại điện tử. Nhưng thời gian gấp rút nên một số doanh nghiệp không triển khai được. Còn công nhân, khi phải cung cấp số điện thoại và thông tin căn cước công dân, họ sợ phát sinh phiền phức, lộ lọt thông tin.
Thậm chí, một lãnh đạo doanh nghiệp còn từ chối nhận khoản hỗ trợ này cho gần 500 công nhân vì lo ngại việc cấp thẻ tín dụng hạn mức 5 triệu đồng có thể tạo ra những vấn đề liên quan vay nợ sau này.
"Thời điểm cuối năm nhiều việc phải chi tiêu. Tài khoản dư nợ nhiều thì đương nhiên công nhân sẽ dùng. Nếu tiêu hết khoản đó, công nhân làm gì có tiền trả nợ. Vô hình để lại khoản nợ sau khi được hỗ trợ", vị lãnh đạo doanh nghiệp lo lắng.
Ở góc độ đơn vị tổ chức, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận nhiều đoàn viên chưa có điện thoại thông minh, chưa có thói quen mua sắm online nên muốn nhận tiền mặt. Một số đơn vị có nhiều lao động được hỗ trợ nhưng cán bộ công đoàn mỏng nên chưa thực hiện được kịp thời.
Tổng liên đoàn cũng giải thích HD SAISON là công ty tài chính tiêu dùng hoạt động hợp pháp, được Ngân hàng Nhà nước giới thiệu để hợp tác triển khai các hoạt động hỗ trợ người lao động. Sau khi có ý kiến phản hồi, Tổng Liên đoàn và HD SAISON đã thống nhất không cấp hạn mức cho thẻ tín dụng như chính sách ban đầu.
Chưa có thống kê cụ thể về số lao động có hoàn cảnh khó khăn đã từ chối hoặc chưa thực hiện được các thủ tục để nhận hỗ trợ Tết. Tuy nhiên, việc nhiều người phản ứng với cách làm trên đã cho thấy hình thức hỗ trợ năm nay không phù hợp.
Lý do phòng ngừa tín dụng đen và hưởng ưu đãi khi mua sắm online là chính đáng nhưng tổ chức công đoàn quên rằng nhiều người trong diện hỗ trợ mong muốn nhận tiền mặt để mua sắm thực tế.
Sự thiếu tinh tế cũng bộc lộ qua việc đối tượng nhận trợ cấp hầu hết là người nghèo. Trong số này, không phải ai cũng có điện thoại thông minh, biết cách thao tác trên các nền tảng giao dịch điện tử. Còn lo ngại của chủ doanh nghiệp cũng có cơ sở khi người lao động tiêu trước mà không thể trả nợ sau, liệu có yên tâm làm việc?
Chủ trương thiết thực, nhân văn mỗi dịp Tết đến xuân về bỗng dưng không trọn vẹn, khiến nhiều người nghĩ đến câu nói: "của cho không bằng cách cho". Rõ ràng khi phương thức trao gửi không phù hợp với điều kiện và mong muốn của người nhận, ý nghĩa những phần quà đã không trọn vẹn.
Dư luận thậm chí hoài nghi, đặt câu hỏi về trách nhiệm, mục đích của các đơn vị liên quan khi áp dụng hình thức hỗ trợ này. Tiền ai cũng cần, nhất là người nghèo nhưng cách trao như vậy thật đáng suy nghĩ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận