"Ông lớn" trơn tru, doanh nghiệp bán lẻ vẫn kêu khó
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, hầu hết các cây xăng Petrolimex đã thực hiện trơn tru việc xuất hóa đơn sau mỗi lần bán. Khách yêu cầu đều xuất được ngay, thủ tục nhanh chóng. Tuy nhiên, đa số người mua xăng dầu ở các cửa hàng bán lẻ là khách sử dụng xe máy, không mấy ai quan tâm đến việc nhận hóa đơn.
Theo đại diện Petrolimex, Nghị định 123 đã hướng dẫn cách phát hành cho hộ kinh doanh và hộ không kinh doanh. Bản chất là phát hành hóa đơn đầy đủ cho đơn vị kê khai thuế và hóa đơn điện tử không đầy đủ thông tin người mua, mã số thuế, không có mã hóa đơn cho đơn vị không kinh doanh. Nếu khách không lấy hóa đơn, Petrolimex cũng tự động phát hành và tổng hợp đầy đủ gửi về cơ quan thuế.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tiu, Giám đốc Công ty Xăng dầu Tự Lực I (Hà Nội) cũng cho rằng, việc xuất hóa đơn điện tử hiện nay không quá khó.
Theo ông Tiu, có nhiều cách xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng sau mỗi lần bơm xăng, nhưng có hai cách phổ biến.
Thứ nhất, doanh nghiệp thực hiện việc truyền nhận dữ liệu khởi tạo hóa đơn theo từng lần bán từ cột bơm đến hệ thống máy tính của cửa hàng thông qua phần mềm Egas. Trên máy tính của cửa hàng sẽ hiển thị từng mã bơm của từng khách hàng, ai có nhu cầu xuất hóa đơn sẽ thực hiện được ngay.
Thứ hai, doanh nghiệp có thể sử dụng phần mềm kết nối trực tiếp với điện thoại thông minh kết hợp với hệ thống máy in, bộ đo đếm. Cách này không tốn kém nguồn lực của doanh nghiệp vừa dễ thực hiện.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, những điều trên chỉ đúng với doanh nghiệp có nguồn lực lớn như Petrolimex hoặc doanh nghiệp có ít cửa hàng xăng dầu khi việc lắp đặt thiết bị dễ dàng. Còn phần lớn đang gặp vướng mắc liên quan tới các vấn đề kỹ thuật như lựa chọn công nghệ, kiểm định cột bơm.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát - chủ của 4 cửa hàng xăng dầu cho rằng, việc không có các quy trình tiêu chuẩn trong xuất hóa đơn điện tử từng lần dẫn đến việc mỗi giải pháp lại có quy trình thực hiện khác nhau, không đồng bộ, không tiêu chuẩn.
Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc lựa chọn công nghệ. Phải thay đổi thiết bị liên tục không chỉ mất nhiều thời gian, mà còn là vấn đề tài chính vì chi phí trang thiết bị để xuất được hóa đơn điện tử sau từng lần bán lên tới 60 triệu đồng.
"Giá trị đầu tư đồng bộ là rất lớn, khó phù hợp với đại đa số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tư nhân hiện nay", ông Thắng nói.
Ngoài ra, ông Thắng cho rằng, việc các đơn vị cung cấp hóa đơn điện tử quy định các gói hóa đơn từ 40 - 1.500 đồng/hóa đơn là không phù hợp với xu thế hóa đơn điện tử hiện tại.
Cần ngành thuế hỗ trợ
Từ những khó khăn trên, ông Thắng kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh và công bố các quy trình tiêu chuẩn về xuất hóa đơn điện tử từng lần trong xăng dầu.
Đặc biệt, ngành thuế cần hỗ trợ tài chính các đơn vị kinh doanh xăng dầu bằng cách cung cấp phần mềm kết nối với thuế và gói hóa đơn điện tử. Từ đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng thực hiện, lại không sợ sai.
Tổng cục Thuế cho biết, cả nước hiện có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Trong đó, mới có 8.285 cửa hàng xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng. Một số địa phương có lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu lớn, nhưng tiến độ triển khai hóa đơn điện tử từng lần bán còn chậm như: Tiền Giang, TP.HCM, Nghệ An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Định...
"Lúc đó, cơ quan thuế chỉ cần công khai các thủ tục một cửa về xin đăng ký và cấp số hóa đơn điện tử, cung cấp cổng kết nối kèm tài khoản. Giá hóa đơn điện tử đồng bộ về một giá", ông Thắng lý giải.
Đây cũng là ý kiến của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI. Ông Đức cho rằng, ngành thuế cần "xắn tay" hỗ trợ doanh nghiệp. "Việc xuất hóa đơn nhằm mục đích tạo thuận tiện cho ngành thuế, nên đây là trách nhiệm của cả ngành thuế và doanh nghiệp", ông Đức nói.
Với những kiến nghị trên, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, đơn vị đã yêu cầu cục thuế địa phương kiểm tra thực tế doanh nghiệp trên địa bàn và báo cáo về tổng cục chậm nhất ngày 23/3. Qua đó, có đánh giá, đề xuất các giải pháp gỡ vướng.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng bày tỏ, một trong những nguyên nhân chính khiến tiến độ triển khai hóa đơn điện tử từng lần còn chậm là do các đơn vị chưa đánh giá đúng tầm quan trọng, chưa trực tiếp vào cuộc chỉ đạo quyết liệt cơ quan thuế tại địa phương.
Ngoài ra, còn do cục thuế chưa tham mưu hiệu quả cho UBND các tỉnh thành, chỉ đạo các cơ quan ban ngành trên địa bàn cùng phối hợp, lập các đoàn liên ngành để kiểm tra, xử lý các trường hợp cố tình không thực hiện theo quy định. Từ đó, dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có tâm lý, tư tưởng trì hoãn, chậm trễ thực hiện.
Có lo nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng?
Tìm hiểu của PV, mới đây, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế địa phương cần tăng cường công tác phối hợp với UBND các tỉnh, nhất là đối với các địa phương có kết quả chưa đạt cao.
Hạn chót đang đến gần, nhưng nhiều đơn vị, nhất là các cửa hàng bán lẻ vẫn dửng dưng khiến dư luận có phần lo ngại đứt gãy nguồn cung xăng dầu.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, đã có văn bản gửi đến các địa phương và sở công thương các tỉnh để thúc việc thực hiện xuất hóa đơn bán lẻ sau từng lần bán xăng dầu theo yêu cầu của Thủ tướng.
Với tốc độ hiện nay, vị này cũng bày tỏ sự lo lắng nguồn cung xăng dầu sẽ chịu ảnh hưởng nếu nhiều doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh. "Chúng tôi đã yêu cầu sở công thương các địa phương có thống kê và báo cáo kịp thời những vướng mắc về các cơ quan có thẩm để kịp thời tháo gỡ", vị lãnh đạo chia sẻ.
Lãnh đạo Vụ Thị trường cũng khuyến cáo, sở công thương các tỉnh cần phối hợp với cục thuế địa phương để có đánh giá và báo cáo kịp thời tình hình, nhằm chuẩn bị phương án nguồn cung cho địa bàn.
Bộ Công thương gửi văn bản hỏa tốc
Bộ trưởng Bộ Công thương vừa có văn bản hỏa tốc đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện quy định về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu, đề nghị các thương nhân kinh doanh xăng dầu nghiêm túc chấp hành, lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.
Trong công văn, Bộ Công thương cũng nhấn mạnh quá trình triển khai, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị có báo cáo và xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận