Hóa trang nhưng đảm bảo minh bạch, không lạm quyền
Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15/9 đặt ra nhiều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT).
Một trong số đó là quy định cho phép CSGT khi làm nhiệm vụ được bố trí một tổ cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với lực lượng công khai để tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
"Vấn đề tuần tra kiểm soát kết hợp giữa lực lượng công khai và hóa trang không mới, đã từng được thực hiện và có quy định trước đây", Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục CSGT nhìn nhận.
Ông Nhật phân tích, trước thực trạng nhiều người tham gia giao thông có hành vi vi phạm pháp luật như đua xe, cổ vũ đua xe trái phép hay những vi phạm khác, bộ phận cảnh sát hóa trang được giao nhiệm vụ tuần tra kiểm soát kết hợp với lực lượng công khai để ngăn chặn, xử lý. Điều này nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, vừa góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông.
Theo quy trình, trước khi tuần tra hóa trang, lực lượng CSGT phải có chương trình, kế hoạch cụ thể đã được cấp có thẩm quyền ban hành, phê duyệt. Trong đó, cán bộ hóa trang sẽ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phát hiện người có hành vi vi phạm.
Nếu phát hiện vi phạm, bộ phận mặc thường phục cần thông báo ngay cho tổ tuần tra công khai để tiến hành dừng phương tiện và xử lý.
Trường hợp cấp bách phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông đường bộ hay an ninh trật tự, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm, thì cán bộ hóa trang sử dụng giấy chứng minh công an nhân dân để thông báo, phối hợp ngăn chặn ngay hành vi đó.
"Cảnh sát hóa trang không được xử phạt người vi phạm, mà chỉ giám sát, phát hiện để phối hợp ngăn chặn hành vi sai phạm", đại tá Nguyễn Quang Nhật nói và nhấn mạnh với quy trình chặt chẽ, cụ thể như trên, bộ phận hóa trang không thể lạm quyền khi làm nhiệm vụ.
Ông Nhật cũng bổ sung trừ tình huống cấp bách, các lực lượng thi hành công vụ vẫn phải tuân thủ bốn điều kiện được dừng kiểm soát phương tiện tham gia giao thông theo các quy định tại Điều 16 Thông tư 32/2023.
Ngoài ra, Thông tư 32/2023 còn quy định rõ về địa bàn được phép tuần tra kiểm soát đối với các lực lượng thuộc Cục CSGT, công an cấp tỉnh và cấp huyện. Đây cũng là một thông tin để người dân theo dõi, nắm bắt và thực hiện giám sát.
Được giám sát CSGT nhưng không gây cản trở
Cũng theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, một điểm mới khác trong Thông tư 32/2023 đó là quy định cho phép lực lượng CSGT sử dụng động tác chào theo điều lệnh công an nhân dân khi làm việc, tiếp xúc, xử lý người vi phạm, không cần phải nói: "Chào ông, bà, anh, chị…" như Thông tư 65/2020 đề cập.
Theo ông Nhật, việc chào theo đúng điều lệnh công an nhân dân đã thể hiện lễ tiết, tác phong và sự tôn trọng của lực lượng thực thi công vụ khi tiếp xúc với người dân hay người vi phạm pháp luật giao thông.
Về quyền kiểm tra, yêu cầu xuất trình kế hoạch đối với lực lượng đang thực thi công vụ, đại tá Nhật nhấn mạnh việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng. Đối với người dân hay người vi phạm, bất kỳ ai cũng có quyền giám sát lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ, có thể giám sát trực tiếp, qua báo chí hoặc thông qua thiết bị (ghi âm, ghi hình).
Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định, người dân chỉ được giám sát CSGT ở khu vực bên ngoài phạm vi làm việc của lực lượng tuần tra kiểm soát.
"Đặc biệt, việc giám sát của người dân không được gây cản trở, làm ảnh hưởng đến quá trình làm việc của người đang thực thi công vụ", đại tá Nhật nhấn mạnh.
Nói thêm về các quy định mới sắp có hiệu lực, ông Nhật nhìn nhận Thông tư 32/2023 khác hẳn những thông tư trước, đó là ưu tiên ứng dụng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ trong xử lý vi phạm giao thông.
Đáng chú ý, Trưởng Phòng tuyên truyền của Cục CSGT viện dẫn quy định khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử (VNeID) có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận