Điện ảnh

Cục Điện ảnh lên tiếng, “Đất rừng phương Nam” sẽ chỉnh sửa lại phim tránh gây hiểu nhầm

15/10/2023, 15:14

Hội đồng thẩm định, phân loại phim và một số cơ quan, đơn vị chức năng đã tiến hành thẩm định lại bộ phim "Đất rừng phương Nam" theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH,TT&DL.

Chỉnh sửa lại bộ phim tránh gây hiểu nhầm

Trong cuộc họp và đối thoại chiều 14/10, đại diện nhà sản xuất đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa phim, theo đó, sẽ bỏ tên và lời thoại "Thiên địa hội" và "Nghĩa hòa đoàn", thay bằng tên gọi khác không liên quan đến hội nhóm của nước ngoài.

Ý kiến từ phía đoàn phim cho biết, nhằm hoàn thiện và đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người xem về bộ phim "Đất rừng phương Nam", phần thoại trong phim sẽ chuyển từ Nghĩa Hoà Đoàn thành Nam Hoà Đoàn và Thiên Địa Hội thành Chính Nghĩa Hội. Sự thay đổi này nhằm tránh sự liên tưởng đến Thiên Địa Hội và Nghĩa Hoà Đoàn từ thời nhà Thanh Trung Quốc.

img
img
img
img

Hình ảnh trong phim "Đất rừng Phương Nam", phim đang phải chỉnh sửa.

Bên cạnh đó, điều chỉnh dòng chữ "Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi" lên đầu phim. Sự điều chỉnh này nhằm làm rõ hơn ý đoàn phim về sự thay đổi mốc thời gian trong tác phẩm văn học, theo sát hơn bản phim truyền hình vốn đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả.

Nhà sản xuất, đoàn làm phim sẽ khẩn trương chỉnh sửa nội dung này, tránh những liên tưởng không đúng ảnh hưởng đến nội dung phim. Sau khi chỉnh sửa sẽ trình lên Cục Điện ảnh trước khi ra rạp chính thức từ ngày 20/10.

Theo Báo Văn Hoá, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, "Đất rừng phương Nam được đánh giá là tác phẩm điện ảnh được xây dựng công phu, với âm hưởng chủ đạo là tinh thần yêu nước, chống phong kiến, đế quốc ở khu vực Nam Bộ. Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và tác phẩm truyền hình nổi tiếng Đất phương Nam, sản xuất năm 1997 của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Đạo diễn Vinh Sơn cũng là cố vấn cho phim lần này".

Vẫn theo vị Cục trưởng này, phim "Đất rừng phương Nam" có biên tập tương đồng với phim truyền hình "Đất phương Nam", lấy bối cảnh phim từ những năm 1920-1930, trong khi tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi được xác định là năm 1945.

Đây là bộ phim truyện, với nhân vật hư cấu và không xác định chính xác thời điểm diễn ra câu chuyện. Các yếu tố lịch sử, nhân vật trong tiểu thuyết là cảm hứng để xây dựng nên câu chuyện phim. Bộ phim không đề cao, ca ngợi một hội nhóm nào, chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống lại ngoại xâm của người dân Nam Bộ trong thời kỳ đó bao gồm cả người Việt, người Hoa, người Khmer…

Giai đoạn 1920-1930, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh yêu nước còn tổ chức rời rạc. Sau khi Đảng ra đời, các tổ chức được tập hợp lại và đấu tranh có mục tiêu cụ thể. Định hướng câu chuyện là xây dựng nhân vật Hai Thành - Cha của An cùng hội của ông sẽ là những thành viên gia nhập Việt Minh về sau.

Việc tự phát nổi lên chống ngoại xâm và cường hào ác bá với nhiều lực lượng phe phái có tính chất địa phương, tôn giáo, chủng tộc lẫn những cá nhân đơn lẻ như Võ Tòng, thầy Giáo Bảy là tiền đề cho tinh thần kháng chiến chống Pháp sau này. Câu chuyện phim sẽ được phát triển ở những tập tiếp theo để dẫn dắt câu chuyện đến khi các lực lượng yêu nước trong phim tìm được đường lối đấu tranh đúng đắn dẫn đến Cách mạng Tháng Tám.

Trong phim có những hoạt động và lời thoại nhắc đến Nghĩa Hòa đoàn và Thiên Địa hội là hội nhóm tập hợp bởi một số người dân lao động sinh sống chủ yếu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên - hoàn toàn không liên quan đến phong trào cùng tên do Chu Hồng Đăng lãnh đạo ở Trung Quốc. Thiên Địa hội cũng như Nghĩa Hòa đoàn chỉ được những người dân yêu nước ở Nam Kỳ lúc đó mượn tên gọi để hoạt động độc lập ở Việt Nam.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết
Ngày 29/9 Hội đồng thẩm định, phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình đã thẩm định, phân loại phim "Đất rừng phương Nam" do Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân trình.
100% thành viên Hội đồng thống nhất kết luận, phim không vi phạm Luật Điện ảnh và cho phép bộ phim được phổ biến đến người xem, dưới 13 tuổi đi cùng người giám hộ.

Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn có trong bối cảnh năm 1945 không?

Theo nhiều bài viết, lập luận của TS. Thanh Vân thì Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn vốn là hai tổ chức thuần túy của người Hoa. 

Thiên Địa Hội là một tổ chức có tôn chỉ "Phản Thanh phục Minh", ra đời vào thời năm 1734 dưới thời vua Ung Chính nhà Mãn Thanh, tương truyền do năm nhà sư thành lập. 

Năm nhà sư này chạy thoát từ chùa Thiếu Lâm khi chùa bị triều đình đàn áp. Để giữ bí mật, Thiên Địa Hội còn có nhiều tên gọi khác nhau như Tam Hiệp Hội, Nghĩa Hưng Hội… Khi Cách mạng Tân Hợi (10/10/1911) nổ ra thì Thiên Địa Hội đã hoàn tất sứ mạng lịch sử của nó. 

Hình ảnh ông Tiều, người của Nghĩa Hoà Đoàn - Thiên Địa Hội trong "Đất rừng Phương Nam" bị cho là không chính xác.

Hình ảnh ông Tiều, người của Nghĩa Hoà Đoàn - Thiên Địa Hội trong "Đất rừng Phương Nam" bị cho là không chính xác.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình phát triển, Thiên Địa Hội với nhiều bang hội bắt nguồn từ nó đã dần thay đổi. Không còn là phản Thanh phục Minh nữa, mà trở thành những băng nhóm xã hội đen, buôn bán ma túy, tổ chức sòng bạc, tiệm hút thuốc phiện, bảo kê, giết mướn… Dư đảng của Thiên Địa Hội bị triều đình Mãn Thanh tróc nã nên có một số người theo dòng lưu dân người Hoa đi xuống vùng Đông Nam Á, trong đó có miền đất Nam Bộ. Về sau Thiên Địa Hội còn có cái tên là Hội Tam Hoàng. 

Còn về tổ chức Nghĩa Hòa Đoàn thì Học giả Nguyễn Hiến Lê có viết: "Một dư phái của Bạch Liên giáo dấy lên ở Sơn Đông tự xưng là Nghĩa Hòa Đoàn đeo bùa, đọc chú, lập đàn cầu nguyện, luyện tập côn quyền, độn ngực và bụng một lớp giấy dầy: "Hai ngón tay" nói rằng có thần che chở, súng đạn không thể xuyên được; dân chúng rất tin. Mới đầu họ chủ trương: "Phản Thanh, phục Minh". Mùa thu 1898, sông Hoàng Hà vỡ đê, miền Sơn Đông lụt lớn, dân chúng đói khổ, Nghĩa Hòa Đoàn kéo nhau lên phía Bắc Kinh, Sơn Tây. Họ sống như bọn giang hồ, múa kiếm đấu quyền cho dân chúng xem để xin tiền độ nhật.

Bộ phim "Đất rừng phương Nam" do Công ty Cổ phần Sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film), Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân, Công ty Cổ phần Galaxy Play và Công ty TNHH Trấn Thành Town sản xuất năm 2023.

Tiến sĩ Thanh Vân cũng đã chỉ ra, có hoạt động của Thiên Địa Hội trên mảnh đất Nam Bộ. Nhưng những hoạt động ấy diễn ra vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và lắng xuống sau cuộc nổi dậy Phan Xích Long vào năm 1916. Còn trong "Đất rừng phương Nam", bối cảnh là cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ sau 1945. 

GS Trần Văn Giàu không chỉ là nhà sử học, ông chính là nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ trong những ngày sôi sục năm 1945. Ông cũng là người phát Lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến và ông cũng là một nhân vật được nhà văn Đoàn Giỏi nhắc tên trong cuốn sách "Đất rừng phương Nam". 

Quan điểm của ông về các Hội kín ở Nam Kỳ rất đáng để tham khảo. GS Trần Văn Giàu phủ nhận Thiên Địa Hội kiểu phản Thanh phục Minh ở Việt Nam và cho rằng những hội kín kháng Pháp ở Nam Kỳ trước 1945 là một sản phẩm thuần túy Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.