Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về vừa phản ánh đến Ban Dân nguyện Quốc hội việc Công ty BVEC không chịu bàn giao tài sản để thiết lập sở hữu Nhà nước đối với tài sản dự án BOT QL51. Trong khi đó, tuyến quốc lộ này hiện xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vết nứt, lồi lõm trên mặt đường, nhiều đoạn tuyến ngập nước khi trời mưa, tình trạng ùn ứ và quá tải ngày càng nghiêm trọng.
Về vấn đề này, Cục Đường bộ VN cho biết, dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL51 đoạn Km0+900 - Km73+600, trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT đã dừng thu phí từ ngày 13/1/2023.
Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) đã dừng thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên và bảo trì công trình đối với tất cả các hạng mục thuộc dự án từ ngày 1/2/2023.
Để tài sản công trình dự án được quản lý, bảo quản theo quy định, đảm bảo tuyến đường giao thông thông suốt và an toàn, Cục Đường bộ VN đã tiếp nhận lại tài sản dự án từ BVEC; Chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ IV đã tiếp nhận bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của dự án từ BVEC ngày 19/4/2023 và giao đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo quản công trình dự án từ ngày 17/5/2023.
"Cục Đường bộ VN cũng đã báo cáo Bộ GTVT về việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản của công trình dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL51 đoạn Km0+900-Km73+600, trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT", Cục Đường bộ VN cho biết.
Về khắc phục hư hỏng như phản ánh, Cục Đường bộ VN đã chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ IV xây dựng kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên tuyến, kịp thời phát hiện hư hỏng để có giải pháp phù hợp.
Cơ quan này đã trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch bảo trì dự án. Trong đó, cho phép chuẩn bị đầu tư xử lý hai điểm đen tai nạn giao thông; sửa chữa đột xuất hư hỏng cục bộ nền, mặt đường và vạch sơn trên QL51, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với kinh phí hơn 12 tỷ đồng; Kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận cho phép chuẩn bị đầu tư sửa chữa đột xuất hệ thống thoát nước với kinh phí dự kiến 15 tỷ đồng.
Cục Đường bộ VN sẽ tiếp tục rà soát tình trạng hư hỏng trên tuyến để triển khai sửa đột xuất hoặc xây dựng kế hoạch bảo trì năm 2025 để sửa chữa kịp thời các hư hỏng trên tuyến nhằm đảm bảo ATGT.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL51 đoạn Km0+900 - Km73+600 có thời gian thu phí khoảng 20,66 năm, trong đó thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16,66 năm (từ ngày 3/8/2012 đến 27/3/2029). Thời gian thu phí tạo lợi nhuận 4 năm (từ ngày 28/3/2029 đến 28/3/2033).
Đến cuối tháng 2/2017, thời gian thu phí hoàn vốn dự án được điều chỉnh thành 20 năm 6 tháng 11 ngày, tức là từ ngày 1/7/2009 đến hết 12/1/2030, bao gồm 4 năm 24 ngày thu theo hợp đồng bán quyền thu phí tại trạm T1 (từ ngày 1/7/2009 đến 24/7/2013) và 4 năm thu phí tạo lợi nhuận.
Đến cuối năm 2018, do có một số thay đổi liên quan đến yếu tố đầu vào và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ VN tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận. Phương pháp được lựa chọn để tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận là phương pháp lợi nhuận kỳ vọng. Sau khi tính lại, Cục Đường bộ VN đã giảm thời gian tạo lợi nhuận từ 4 năm xuống còn 9 tháng.
Để tránh việc BVEC thu phí vượt quá thời gian, ngày 9/1/2023, Cục Đường bộ VN đã có văn bản tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí thuộc Dự án BOT QL51 từ 7h00' ngày 13/1/2023.
Tuy nhiên, Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu không đồng ý với cách tính này.
Cục Đường bộ VN đã đàm phán với nhà đầu tư và các cơ quan liên quan tới gần 20 lần, để xử lý một số nội dung tồn tại của dự án như: thời gian thu phí tạo lợi nhuận, phí bảo toàn vốn chủ sở hữu trong giai đoạn thi công và khai thác, khoản doanh thu thu phí giai đoạn 2009 - 2015, lãi vay đối với các khoản bị giảm trừ theo kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán… Tuy nhiên, các bên vânc chưa đạt được sự đồng thuận về những nội dung này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận