"Siêu tàu" cập cảng SSIT dài gần 400m, trọng tải hơn 170 nghìn DWT
Tin từ Cục Hàng hải VN, Bộ GTVT vừa cho phép bến cảng SSIT tiếp nhận tàu container có trọng tải đến 199.273 DWT.
Công ty TNHH Liên doanh Dịch vụ container Quốc tế Cảng Sài Gòn – SSA (chủ đầu tư bến cảng SSIT) đang khẩn trương triển khai đầy đủ các bước theo hướng dẫn của Bộ GTVT về cầu, bến cảng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế.
Cảng này cũng cần trình phương án bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu container có trọng tải trên 166.000 DWT đến 197.273 DWT vào, rời bến cảng để Cục Hàng hải xem xét, phê duyệt trước khi chính thức cho tàu container có trọng tải lớn vào, rời bến cảng.
Trước đó, Cục Hàng hải VN đã phê duyệt Phương án bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu container có trọng tải trên 166.000 DWT đến 197.273 DWT vào, rời bến cảng SSIT.
Tuy nhiên, phương án này chỉ có hiệu lực từ ngày 30/11/2022 đến hết ngày 31/10/2023 (thời gian bến cảng được cho phép thử nghiệm đón tàu trọng tải đến 199.273 DWT).
Đáng chú ý, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, lãnh đạo Cục Hàng hải VN cũng chấp thuận để Công ty TNHH Liên doanh Dịch vụ container Quốc tế Cảng Sài Gòn – SSA áp dụng Phương án bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu container có trọng tải trên 166.000 DWT đến 197.273 DWT vào, rời bến cảng SSIT đã được Cục phê duyệt để tiếp nhận 1 chuyến đối với tàu MSC Giusy (chiều dài gần 400m, mớn nước khoảng 16m).
Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức cho tàu MSC Giusy vào, rời bến cảng SSIT bảo đảm tuyệt đối an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Cùng đó, hướng dẫn chủ đầu tư triển khai đầy đủ các bước theo quy định.
Đề xuất tăng giới hạn mớn nước cho phép
Được biết, chủ đầu tư bến cảng SSIT đã có văn bản gửi Cục Hàng hải VN xin điều chỉnh phương án bảo đảm an toàn hàng hải, cũng như đề nghị được cho phép đưa tàu MSC Giusy có trọng tải hơn 170.000 DWT vào, rời bến cảng.
Tàu có chiều dài gần 400m, mớn nước vào dự kiến 15,5m-15,6m và mớn nước ra dự kiến đến 15,9m- 16m (mớn nước là chiều cao thẳng đứng từ đáy tàu lên đến mặt nước).
Lãnh đạo cảng SSIT thông tin, theo văn bản chấp thuận của Bộ GTVT cho phép cảng đón tàu trọng tải tới 199.273 DWT, sẽ phải tuân thủ phương án bảo đảm an toàn hàng hải đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, trong phương án được duyệt vào năm 2022, mớn nước tối đa cho phép là 15,1m và chiều dài tàu tối đa là 395,4m.
Lãnh đạo cảng SSIT cho rằng, việc hạn chế mớn nước 15,1m là do điều kiện luồng vào các cảng khu vực Cái Mép tại thời điểm lập phương án chỉ đạt 14m. Nhưng đến nay, luồng đã được nạo vét đến độ sâu 15,5 m, cộng thêm cảng SSIT vừa hoàn thành nạo vét duy trì độ sâu trước bến đạt 16,5m, thuận lợi cho tàu có mớn nước lớn hơn ra vào cảng khu vực Cái Mép làm hàng.
Hiện nay nhu cầu xuất khẩu đang có chiều hướng tăng, đặc biệt là nhu cầu xuất khẩu hàng gạo. Với sự tăng trưởng này, mớn tàu có thể đạt 15,8m -16m khi tàu rời cầu. Do vậy, mớn giới hạn 15,1m sẽ trở thành điểm hạn chế, dẫn đến khó khăn cho cảng và hãng tàu khi đưa tàu có mớn nước lớn vào cảng làm hàng.
Về chiều dài tàu, đa số các tàu có trọng tải đến 199,273 DWT đều có chiều dài tiệm cận 400m. Vì vậy, giới hạn chiều dài tàu tối đa 395,4m sẽ vô tình hạn chế khả năng tiếp nhận tàu của cảng, dù là tàu có lãi trọng nằm trong ngưỡng được cấp phép (199.273 DVVT).
Do đó, cảng SSIT đề nghị Cục Hàng Hải VN xem xét điều chỉnh phương án bảo đảm an toàn hàng hải, cho phép cảng tiếp nhận tàu có chiều dài đến 400m và mớn nước đến 16,4m.
Đặc biệt, với tàu MSC Giusy được hãng tàu MSC dự kiến đưa vào làm hàng, hãng MSC cho biết, việc đưa chuyến tàu này vào cảng SSIT là cần thiết và cấp bách, nhằm phục vụ xuất khẩu hàng gạo từ Việt Nam đi Châu Phi. Các chủ hàng đã ký hợp đồng và đã chọn dịch vụ vận chuyển của MSC, hàng cũng đã được tập kết một lượng nhất định tại cảng.
Ông Phan Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc Cảng SSIT cho rằng, việc thực hiện cho chuyến tàu MSC Giusy với mớn nước cao vào, ra cảng SSIT an toàn theo phương án an toàn hàng hải được phê duyệt sẽ chứng minh tính hiệu quả của nguồn vốn đầu tư công mà Bộ GTVT dành cho luồng hàng hải Cái Mép khi nâng cấp đến độ sâu -15.5m.
"Điều này cũng tạo tiền đề cho các chuyến tàu tương tự vào cảng SSIT và cả cụm cảng Cái Mép nói chung trong thời gian tới", ông Vũ chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận