Giao thông

Cục Hàng không VN nói không hiểu tại sao hải quan không phối hợp

05/06/2014, 18:44

Kiểm tra an ninh đối với hành lý thất lạc là rất cần thiết nhằm phát hiện kịp thời các vật phẩm nguy hiểm uy hiếp an toàn bay, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết.

KIỂM TRA ĐÚNG LUẬT, ĐÚNG THẨM QUYỀN

Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN
Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN

Vừa qua, Hải quan Nội Bài cho rằng nhân viên an ninh hàng không đã tự ý phá niêm phong 4 kiện hành lý thất lạc của khách hàng, sự việc này xảy ra như thế nào, thưa ông?

Vào lúc 20 giờ ngày 29/5, Cảng vụ Hàng không Miền Bắc đã tổ chức kiểm tra trực quan an ninh đối với 4 kiện hành lý thất lạc của chuyến bay VN662 từ Singapore về Hà Nội lúc 15 giờ 25 để đưa vào lưu kho.

Để thực hiện hiện kiểm tra, Cảng vụ Hàng không Miền Bắc đã mời đại diện các cơ quan, trực Trung tâm điều hành bay, Trung tâm An ninh hàng không, Trung tâm điều hành Xí nghiệp thương mại mặt đt Nội Bài, Vietnam Airlines và Chi cục Hải quan Nội Bài. 

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, Chi cục Hải quan Nội Bài không cử đại diện tham dự. Việc kiểm tra an ninh đối với 4 kiện hàng thất lạc nói trên được thực hiện ngay tại khu vực giám sát của hải quan Nội Bài, được lập biên bản và có camera đặt tại khu vực này ghi hình. Vì là kiểm tra trực quan nên cả 4 kiện hàng đều được mở để giám sát hàng hóa, hành lý để bên trong. Kết quả cho thấy trong hành lý không có hàng hóa, vật dụng nguy hiểm nên được chuyển vào lưu kho theo đúng quy định. 

Tôi khẳng định việc kiểm tra trực quan đối với 4 kiện hành lý đó là đúng luật, đúng quy trình, đúng thẩm quyền của an ninh hàng không.
 

Kiểm tra trực quan 4 kiện hành lý thất lạc hôm 29/5 có rất nhiều lực lượng tham gia, trong đó nhân viên hải quan cũng đứng bên ngoài quan sát
Kiểm tra trực quan 4 kiện hành lý thất lạc hôm 29/5 có rất nhiều lực lượng tham gia, trong đó nhân viên hải quan cũng đứng bên ngoài quan sát

Ông có thể cho biết rõ hơn về quy định kiểm tra trực quan đối với hàng hóa thất lạc?

Theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Điều 46 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, hành lý thất lạc, vô chủ ở sân bay phải được kiểm tra an ninh trước khi đưa vào lưu kho chờ xác định chủ nhân hoặc tiêu hủy sau 180 ngày không có người nhận. Quy định này nhằm loại trừ khả năng vận chuyển vũ khí, chất nổ, hàng hóa nguy hiểm trong vận chuyển hàng không. 

Điều 61 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam còn nêu rõ, trường hợp các bên liên quan chưa có sự thống nhất, giám đốc cảng vụ hàng không có quyền quyết định kiểm tra an ninh hàng không đối với hành lý thất lạc và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Điều 43 Thông tư 30/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định chi tiết về an ninh hàng không dân dụng cũng cho phép kiểm tra trực quan không cần có mặt của hành khách là chủ sở hữu mà chỉ cần đại diện hãng vận chuyển và dịch vụ mặt đất.

TÔI KHÔNG HIỂU TẠI SAO HỌ KHÔNG PHỐI HỢP

Vậy tại sao lại xảy ra sự việc phản đối kiểm tra hành lý thất lạc từ phía Chi cục Hải quan Nội Bài, thưa ông?

Chúng tôi cũng không hiểu tại sao Chi cục Hải quan Nội Bài lại không phối hợp với lực lượng an ninh hàng không để kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, đại diện hải quan Nội Bài không đến tham dự như đề nghị nhưng lại có thái độ ngăn cản không cho lực lượng an ninh hàng không mở các kiện hành lý và cho rằng an ninh hàng không đã làm sai quy trình.

Vấn đề phối hợp kiểm tra an ninh hành lý thất lạc, vô chủ đã liên tục được đặt ra tại các hội nghị thường niên về an ninh hàng không và các cuộc họp của Ủy ban An ninh hàng không quốc gia với sự tham dự của các bên liên quan như hải quan, công an cửa khẩu và hàng không. Đến nay, sân bay Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất đã xây dựng được quy trình phối hợp, an ninh hàng không có thể sử dụng máy soi hải quan để kiểm tra hàng vô chủ ở nhà ga đến. Riêng tại Nội Bài, lực lượng an ninh hàng không chỉ kiểm tra được hành lý thất lạc của các chuyến bay nội địa nhưng hàng hóa của chuyến bay quốc tế đến không thể kiểm tra vì hải quan không hợp tác.

Về vấn đề này,  Bộ GTVT cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan phối hợp tốt công tác kiểm tra liên ngành. Bộ Tài chính đã có văn bản số 15787/2011 nêu rõ "Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế có trách nhiệm phối hợp với cơ quan an ninh hàng không khi cơ quan này có nhu cầu sử dụng máy soi của hải quan tại nhà ga quốc tế đến để soi chiếu hành lý thất lạc nhập khẩu trước hoặc sau khi hải quan kiểm tra soi chiếu độc lập theo chức năng của hải quan". Nhưng trong thực tế, hải quan Nội Bài không hợp tác khiến lực lượng an ninh rất khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. 

Như trường hợp 4 kiện hành lý thất lạc trên, nếu Chi cục Hải quan Nội Bài phối hợp, để lực lượng an ninh hàng không sử dụng máy soi hải quan để kiểm tra thì chưa chắc đã phải mở các kiện hành lý để kiểm tra trực quan. Bởi vì theo quy định, nếu qua kiểm tra bằng máy soi chiếu thấy trong hành lý có chứa những vật dụng khả nghi (chất gây cháy nổ, vũ khí…) thì mới phải làm đến bước kiểm tra trực quan.
 

Kiểm tra an ninh đối với hành lý thất lạc, vô chủ trước khi lưu kho là đúng quy định
Kiểm tra an ninh đối với hành lý thất lạc, vô chủ trước khi lưu kho là đúng quy định

TỪNG PHÁT HIỆN CẢ SÚNG TRONG HÀNH LÝ ĐÃ SOI CHIẾU HẢI QUAN

Nếu lực lượng an ninh hàng không không soi chiếu hành lý thất lạc, vô chủ trước khi lưu kho thì sẽ xảy ra hậu quả gì, thưa ông?

Hành lý thất lạc không biết bên trong chứa gì mà để lưu kho trong khu vực hạn chế (nơi đón tiễn khách) nếu để có sự cố cháy nổ, ô nhiễm môi trường thì hậu quả rất lớn. Ví dụ như trong năm 2013, an ninh hàng không phát hiện trong hành lý chuyển tiếp từ một chuyến bay từ  Franfurt (Đức) đến Nội Bài có chứa súng ngắn còn nguyên cả đạn. Kiện hàng này là hành lý trả chậm của một Việt kiều, được chuyển vào kho hành lý thất lạc nhưng chỉ được soi chiếu hải quan, không soi chiếu an ninh. Chỉ khi  hành lý được chuyển tiếp trên chuyến bay từ Hà Nội đến Vinh, an ninh hàng không soi chiếu mới phát hiện được.

Đặc biệt, nếu để xảy ra cháy nổ tại khu vực hạn chế thì hình ảnh về công tác đảm bảo an ninh hàng không của Việt Nam sẽ rất xấu. Nhà chức trách hàng không của các nước và các hãng hàng không sẽ có ý kiến, thậm chí đánh giá năng lực giám sát đảm bảo an ninh an toàn hàng không dân dụng là không đáp ứng được tiêu chuẩn theo ICAO. Khi đó, ICAO và nhà chức trách hàng không các nước sẽ khuyến cáo các hãng hàng không không bay đến Việt Nam và cũng không cho phép các hãng hàng không của Việt Nam bay đến các nước đó. Như thế thiệt hại kinh tế của đất nước là không thể tính hết.

Vì vậy, việc kiểm tra an ninh đối với hành lý thất lạc, vô chủ là rất cần thiết nhằm phát hiện kịp thời các vật phẩm nguy hiểm có thể uy hiếp đến an ninh, an toàn hàng không.

Cảm ơn ông! 

Thu Phương (Thực hiện)

 

Cũng về sự việc này, trả lời báo chí, lãnh đạo Chi cục Hải quan Nội Bài và Hải quan Hà Nội đều khẳng định việc tự ý mở hành lý thất lạc của khách hàng để kiểm tra đã vi phạm vào điểm 1, điều 11 thuộc Nghị định số 127/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Quy chế phối hợp vẫn đang xây dựng, chưa xong mà họ đã đơn phương tự ý làm, một lãnh đạo hải quan Nội Bài khẳng định.

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.