Xã hội

Cục phó CSGT: “Kéo dài thời gian dừng đèn đỏ để kiểm tra tài xế say xỉn"

07/05/2019, 12:48

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó CSGT cho rằng có một cách hay là kéo dài thời gian dừng đèn đỏ để kiểm tra ngẫu nhiên tài xế say xỉn.

img
Từ trái qua: Đại tá Đỗ Thanh Bình, bà Phan Thị Thu Hiền và TS Trần Hữu Minh. Ảnh: Gia Chính

“Cá nhân ông/bà đã bao giờ lái xe khi có hơi men trong người chưa? Cảm giác khi đó thế nào?”

Đó là câu hỏi được một độc giả gửi tới Phó Cục trưởng Cục CSGT, Đại tá Đỗ Thanh Bình, TS Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia và bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN- ba vị khách mời tại cuộc tọa đàm trực tuyến do báo điện tử VnExpress tổ chức sáng 7/5.

Rủi ro cao khi uống rượu bia vẫn lái xe

Trả lời, TS Trần Hữu Minh chia sẻ:Từ lâu, tôi đã không còn lái xe sau khi uống rượu bia vì ý thức được mình phải làm gương cho người dân. Sau lần tôi ngã xe máy khi đi qua bãi cát cách đây 20 năm, cũng là lần cuối cùng tôi uống rượu bia và lái xe”.

Theo TS Minh, tâm lý người say xỉn thường giống nhau, tự tin thái quá trong khi thực tế không như vậy. Khoa học chứng minh chỉ cần một ly rượu nhỏ, nồng độ cồn trong máu đã rất cao, phản xạ bắt đầu giảm đi đáng kể. Nếu tiếp tục uống, rủi ro va chạm sẽ rất lớn.

Đại tá Đỗ Thanh Bình cũng cho biết:Khi còn trẻ, tôi cũng đã có những sai lầm nhưng đã nhận ra sai lầm đó. Với trách nhiệm của cơ quan thực thi công vụ, chúng tôi luôn ý thức được rằng một khi đã xác định uống thì phải đi taxi hoặc xe ôm. Khi còn trẻ, bị ép uống, một người có thể uống với suy nghĩ để thể hiện bản lĩnh đàn ông. Tuy nhiên, càng trưởng thành, chúng ta càng cần có trách nhiệm với bản thân và gia đình”.

Trong khi đó, bà Phan Thị Thu Hiền cho rằng, ở Việt Nam, văn hóa sử dụng rượu bia trong các cuộc vui là rất phổ biến. Là phụ nữ, bà chia sẻ mình có ấn tượng không tốt với người say rượu.

Dù tác hại của rượu bia là quá rõ ràng, song bà Hiền cho biết, đến tận năm 2015 việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn mới ở mức độ cao. Tuy nhiên, sau thời gian dài có tác dụng tốt thì từ đầu năm đến nay đã có 50.000 vụ vi phạm.

Do đó, việc cần phải làm ngay là điều chỉnh pháp luật. “Đặc biệt là việc tuyên truyền, mỗi người chúng ta có bạn bè, người thân, cần truyển tải đến tất cả mọi người. Chúng ta thuyết phục nhau là việc có thể làm ngay”, bà Hiền nói.

"CSGT không lập chốt cạnh quán bia"

Chia sẻ băn khoăn của một độc giả về việc có một thực tế là nhiều CSGT không nghiêm, khi tài xế xin xỏ, hoặc "đút lót" thì lại cho qua, dẫn đến nhiều người có tiền, quyền không sợ, cố tình vi phạm..., Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết: “Việc tuần tra của chúng tôi phải theo kinh nghiệm quốc tế, phương tiện giám sát đầy đủ, nếu ai có bằng chứng việc CSGT xử chưa nghiêm thì hãy gửi để chúng tôi xử lý. Còn thực tế có “cầu cứu” không? Có người sẽ “cầu cứu”, thực tế vẫn bị xử phạt”.

Khuyến cáo người dân nếu nhìn thấy một người say rượu mà cố tính lái xe, bản thân lại không thể ngăn họ, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, người dân có thể gọi đến đường dây nóng của Cục CSGT để ngăn người này lại, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, theo số: 0692342608.

Ông Bình kể, thực tế cho thấy việc xử lý vi phạm hành chính vi phạm giao thông không được công khai danh tính, trong khi nhiều CSGT cho rằng nếu được công khai thì mức mức răn đe sẽ cao hơn. “Nếu người vi phạm có địa vị xã hội, nổi tiếng thì áp lực xã hội lớn. Chứ hiện nay chúng ta không được công khai danh tính mức xử phạt người vi phạm giao thông”, ông Bình thông tin.

Đề cập đến phát biểu của Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng CSGT nói “việc chặn tài xế vi phạm nồng độ cồn trước quán bia là phản cảm”, một độc giả thắc mắc vì sao không ngăn chặn “ma men” để trừ hậu họa mà lại lo “phản cảm”, Đại tá Bình cho hay: “CSGT chúng tôi chưa bao giờ lập chốt ngay trước nhà hàng, mà địa điểm là trên một tuyến đường nhất định. Hàng quán ở Việt Nam quá nhiều, chúng tôi không thể xác định tập trung vào quán nào.

Khi lập chốt, chúng tôi cần tính toán để dừng phương tiện mà không gây ra ùn tắc, đảm bảo an toàn cho lực lượng thực thi và người tham gia giao thông. Chúng tôi không nhắm vào đối tượng vi phạm là chủ nhà hàng”.

Cũng theo Đại tá Bình, có một cách hay là khi dừng đèn đỏ, chúng ta có thể kéo dài thêm thời gian đèn đỏ để cảnh sát kiểm tra ngẫu nhiên một số người tham gia giao thông, như một số nước khác đã thực hiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.