Hạ tầng

Cục QLXD nói gì về chất lượng vật liệu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận?

20/04/2020, 18:11

Lãnh đạo Cục QLXD&CLCTGT cho rằng, dư luận có thể chưa hiểu hết các chỉ số kỹ thuật giữa vật liệu thi công cấp phối và vật liệu dùng gia tải...

img
Bộ GTVT đánh giá tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã chuyển biến rõ rệt kể từ khi Tập đoàn Đèo Cả tham gia điều hành trong liên danh nhà đầu tư từ tháng 3/2019

Tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chuyển biến rõ rệt

Được khởi công từ đầu năm 2015, tuy nhiên, do năng lực nhà đầu tư yếu kém, không vay được vốn tín dụng nên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận gần như đắp chiếu khi khối lượng thi công suốt 4 năm chỉ đạt khoảng 10%. Công trình trọng điểm quốc gia này chỉ thực sự khởi sắc kể từ thời điểm Tập đoàn Đèo Cả được liên danh nhà đầu tư cũ mời tham gia điều hành dự án ngày 22/3/2019.

Sau khi Tập đoàn Đèo Cả góp mặt, nút thắt lớn nhất về nguồn vốn tín dụng cho dự án được gỡ bỏ vào cuối năm 2019 khi 4 ngân hàng: Vietinbank, BIDV, AgriBank và VPBank đã ký hợp đồng cho nhà đầu tư vay 6.686 tỷ đồng. Đồng thời, UBND tỉnh Tiền Giang với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh công tác giải ngân nguồn vốn hỗ trợ cho dự án từ ngân sách và bàn giao mặt bằng sạch để nhà đầu tư chỉ đạo các nhà thầu tăng tốc thi công.

“Tính đến tháng 12/2019, UBND tỉnh Tiền Giang đã bàn giao 100% mặt bằng sạch tuyến chính của dự án. Với tinh thần quyết tâm vượt khó, đến nay, dự án đã triển khai đạt 40% sản lượng, tăng 30% so với thời điểm tháng 3/2019”, ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đinh Mạnh Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT) đánh giá, tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chuyển biến rõ rệt kể từ khi Tập đoàn Đèo Cả tham gia điều hành dự án trong liên danh nhà đầu tư.

“Đến nay, dự án đã đạt 40% giá trị sản lượng, con số này thể hiện nỗ lực, quyết tâm rất lớn của nhà đầu tư trong việc đảm bảo tiến độ công trình theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thông tuyến vào cuối năm 2020, hoàn thành dự án trong năm 2021”, ông Đức đánh giá.

Cũng theo ông Đức, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ, chất lượng công trình của dự án trọng điểm quốc gia này cũng được chủ đầu tư và các cơ quan liên quan phối hợp kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ đúng các quy định hiện hành. Dự án triển khai theo hình thức PPP do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cấp quyết định đầu tư dự án. UBND tỉnh Tiền Giang cũng là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý dự án đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng.

“Tuy nhiên, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng công trình giao thông và thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao hỗ trợ địa phương trong quá trình thực hiện, thời gian qua, Bộ GTVT đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh Tiền Giang và doanh nghiệp dự án giải quyết kịp thời vướng mắc về thiết kế, quản lý chất lượng,... không để ảnh hưởng đến tiến độ công trình”, ông Đức chia sẻ.

Chưa hiểu hết các chỉ số kỹ thuật giữa các vật liệu dùng để thi công cấp phối

Đề cập đến việc vừa qua, trên một số phương tiện truyền thông đăng tải thông tin về chất lượng nguồn vật liệu tại gói thầu XL10 của cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Đức cho biết, sau khi kiểm tra và phát hiện nguồn vật liệu đầu vào phục vụ thi công cấp phối chưa đảm bảo, nhà đầu tư đã yêu cầu nhà thầu từ chối tiếp nhận và xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan.

“Việc chủ đầu tư phát hiện, khoanh vùng, sau đó loại bỏ khối lượng nguồn vật liệu chưa đảm bảo tiêu chuẩn để làm cấp phối ra khỏi dự án và đình chỉ nhà cung cấp, xử lý, kiểm điểm trách nhiệm của tư vấn giám sát thể hiện tinh thần rất quyết liệt của nhà đầu tư trong công tác bảo đảm chất lượng công trình”, ông Đức nói.

Ông Đức cũng thông tin, đối với khối lượng nguồn vật liệu đầu vào chưa đủ tiêu chuẩn làm cấp phối, để tránh lãng phí, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu chuyển thành vật liệu để phục vụ công tác gia tải và sẽ đưa nguồn vật liệu này ra khỏi công trường ngay khi kết thúc công tác gia tải là phù hợp với yêu cầu của dự án.

“Tuy nhiên, trong dư luận vừa qua, một số người dân có thể chưa hiểu hết về các chỉ số kỹ thuật giữa vật liệu dùng để thi công cấp phối và vật liệu dùng gia tải nên dẫn tới hiểu lầm về chất lượng thi công tại gói thầu XL10 của dự án”, ông Đức cho hay.

Được biết, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài 51,1km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang).

img

Đường sắt sắp khởi công cải tạo 6 cầu yếu đầu tiên sử dụng vốn 7.000 tỷ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.