Thống kê mới nhất từ Bộ NN-PTNT cho thấy, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 253 xã, 57 huyện của 19 tỉnh, thành phố, trong đó tỉnh mới xuất hiện là Bắc Ninh và một địa phương khác cũng đã xuất hiện là Thừa Thiên - Huế (đang đợi quyết định công bố dịch). Nguy cơ dịch bệnh này tiếp tục lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, gây tâm lý hoang mang đối với nhiều hộ chăn nuôi và cả người tiêu dùng thịt lợn.
Liên quan tới giải pháp đảm bảo cung cấp thực phẩm và duy trì ổn định ngành chăn nuôi, chiều 19/3, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay: Có tới 70% tiêu dùng thực phẩm trong nước là dùng thịt lợn. Do đó, không thể một sớm một chiều chuyển sang sử dụng các sản phẩm khác như gia cầm, thuỷ sản…
“ Hiện nay đã có hơn 34.000 con lợn bị bệnh và cả lợn nằm trong ổ dịch bị tiêu huỷ, nghĩa là hễ nằm trong đàn lợn nhiễm bệnh, dù con lợn đó khoẻ mạnh thì cũng bị tiêu huỷ. Con số này rất nhỏ. Còn lại, thịt lợn đang lưu hành trên thị trường là thịt đảm bảo an toàn. Hàng ngày gia đình tôi vẫn ăn thịt lợn, thậm chí còn sử dụng nhiều hơn bình thường, ngay cả Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng khẳng định như vậy”, ông Dương chia sẻ.
Lấy ví dụ tại Tây Ban Nha, đất nước này phải chiến đấu với dịch tả lợn Châu Phi tới nay đã 35 năm song các sản phẩm từ thịt lợn như đùi lợn muối, đùi lợn xông khói vẫn tiêu thụ rất tốt, ông Dương lý giải: “Câu trả lời là vì họ kiểm soát dịch bệnh rất tốt, mọi sản phẩm lưu hành trên thị trường đều đảm bảo an toàn. Như vậy, lợn đang lưu hành trên thị trường là lợn không có bệnh, không có lí do gì để chúng ta không sử dụng. Một lần nữa, chúng ta kêu gọi người tiêu dùng không quay lưng lại với chăn nuôi, cùng nhau hành động để duy trì ngành chăn nuôi bằng cách sử dụng thịt lợn và chung tay cùng cơ quan nhà nước chống dịch”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận