Sử dụng phi công nước ngoài là hoàn toàn bình thường
Theo thống kê của Cục Hàng không VN, tổng số người lái nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 1.223 người, trong đó Vietnam Airlines có 309 người lái (chiếm 25,7% trên tổng số 1203 người lái). Jetstar Pacific có 145 người (chiếm 70,3% tổng số 206 người lái). Vietjet có 622 người (chiếm 75,6% trên tổng số 823 người lái). Bamboo Airways có 147 người (chiếm 58,6% trên tổng số 251 người lái).
Liên quan đến việc tạm đình chỉ hoạt động của các phi công Pakistan tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết cơ quan này đang rà soát đội ngũ phi công nước ngoài và sẽ báo cáo Bộ GTVT trước ngày 31/7.
Khẳng định sẽ rà soát toàn bộ tổng thể phi công nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết: Đây là công việc làm thường xuyên để có thể đảm bảo cao nhất an toàn bay.
“Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trong khu vực về công tác đảm bảo an toàn bay khi được công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) của Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA). Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia trong khu vực duy trì được chứng chỉ này và đây là thành công lớn của ngành hàng không,” ông Thắng nhấn mạnh.
Thông tin thêm, ông Thắng cho biết: Trên thế giới, việc sử dụng phi công nước ngoài là rất bình thường.
“Quan trọng không phải là sử dụng phi công nước nào là phải quản lý chặt chẽ đội ngũ phi công này để đảm bảo mục tiêu cao nhất là an toàn tuyệt đối trong hàng không”, ông Thắng nói và cho hay: Các phi công Pakistan thoạt động khai thác bay tại Việt Nam chưa hề gặp bất cứ sự cố nào. Cục Hàng không đánh giá họ là phi công tốt.
Tuy nhiên, với trách nhiệm thận trọng, Cục đã chỉ đạo tạm dừng xếp lịch cho các người lái là người Pakistan làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam và ban hành các công văn yêu cầu các hãng tạm thời không phân lịch bay cho các người lái nêu trên để chờ xác minh chính thức từ nhà chức trách Pakistan.
“Nếu phía Pakistan khẳng định tất cả những phi công này được cấp bằng một cách hợp pháp, hợp tiêu chuẩn quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam sẽ cho phép phi công họ bay lại. Trường hợp phi công không đảm bảo bằng cấp, chứng chỉ, Cục Hàng không sẽ thu hồi ngay,” ông Thắng khẳng định.
Đề cập đến công tác kiểm soát chất lượng phi công nước ngoài, theo ông Thắng, phi công được bay là đã đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn, quy trình chung thống nhất của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) mới cho phép bay khai thác và tất cả các thành viên ICAO đều phải thực hiện theo tiêu chuẩn này.
Pakistan đã rất thẳng thắn, trách nhiệm với cộng đồng
“Tất nhiên là có trường hợp đáng tiếc như việc Pakistan phát hiện một số lượng lớn phi công của nước này sử dụng giấy phép do Nhà chức trách hàng không cấp không đúng chất lượng và cách thức (có thể là giấy phép giả) xảy ra và bản thân phía nước họ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này một cách có trách nhiệm với cộng đồng hàng không quốc tế.
Ông Thắng cũng khẳng định các quy trình cấp phép và năng định cho người lái nước ngoài tuân thủ theo Bộ quy chế An toàn hàng không Việt Nam.
Cụ thể, khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cho người lái nước ngoài, Cục Hàng không VN tiến hành kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm kiểm tra thông tin tại các mẫu đơn đề nghị, kiểm tra các điều kiện về tuổi, sức khỏe, bằng cấp, tổng số giờ bay khai thác, số giờ bay trên loại, kinh nghiệm của người đề nghị cấp phép.
Cục Hàng không cũng liên hệ với nhà chức trách cấp giấy phép gốc của người lái nước ngoài để đảm bảo rằng giấy phép do người lái nước ngoài đề nghị công nhận đã được cấp bởi quốc gia thành viên ICAO và tuân thủ quy định tối thiểu về cấp giấy phép cho nhân viên hàng không theo Annex 1 (tất cả các giấy phép của người lái nước ngoài bay khai thác tại Việt Nam đều được Cục Hàng không VN cấp trên cơ sở chuyển đổi từ giấy phép nước ngoài do quốc gia thành viên khác của ICAO cấp trên cơ sở căn cứ vào kết quả sát hạch lý thuyết tại Cục Hàng không VN và thực hành trên buồng lái mô phỏng được Cục Hàng không VN phê chuẩn).
Sau khi có được thông tin đầy đủ về tình trạng giấy phép đề nghị chuyển đổi từ người lái nước ngoài đảm bảo không vi phạm quy định hiện hành, Cục Hàng không VN thực hiện sát hạch lý thuyết cho người lái. Những người lái đạt kết quả sát hạch lý thuyết sẽ được tham gia sát hạch thực hành trên buồng lái mô phỏng được Cục phê chuẩn do giáo viên kiểm tra bay được Cục trưởng Cục Hàng không VN ủy quyền kiểm tra về kỹ năng bay (người lái sẽ phải xem lại những câu trả lời sai trong kỳ sát hạch lý thuyết cùng với giáo viên hướng dẫn trước khi được tham gia sát hạch thực hành).
Sau khi hoàn thiện các bước nói trên, người lái nước ngoài sẽ được Cục trưởng Cục Hàng không VN ra quyết định cấp giấy phép và năng định để được phép bay khai thác cho các nhà khai thác tại Việt Nam trên các máy bay đăng ký tại Việt Nam.
Báo cáo của Cục Hàng không VN cho thấy tổng số có 27 người lái là người Pakistan được cơ quan này cấp giấy phép và năng định. Trong đó, Vietnam Airlines 6 trường hợp, Vietjet Air 17 trường hợp, Jetstar Pacific 4 trường hợp.
Trong 27 trường hợp này, có 12 trường hợp đang bay khai thác cho các hãng hàng không Việt Nam và 15 trường hợp còn lại đã hết hạn hợp đồng hoặc do dịch bệnh đã về nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận