Giao thừa là lễ cúng quan trọng nhất để chuyển giao năm cũ và năm mới, nên mâm cỗ cúng Giao thừa cần được chuẩn bị chu đáo, trang trọng. (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia phong thủy, cúng giao thừa, cúng tổ tiên, chào tân niên gọi chung là lễ trừ tịch hay lễ giao thừa. Đây là phong tục và tín ngưỡng quan trọng từ xa xưa của ông bà ta được lưu truyền qua các thế hệ và đến ngày nay vẫn còn lưu giữ.
Trong quan niệm của dân gian, mỗi một năm sẽ có một vị đương niên Thái Tuế để cai quản và điều hành toàn bộ năm đó. Chính vì vậy, vào 12h đêm là lúc thời khắc chuyển giao giữa hai vị quan cũ và mới.
Ngoài ra, trong quá trình chuyển giao công việc các vị thần có mang theo quân lính của mình nên đây cũng chính là lúc trừ tà đuổi quỷ hiệu quả nhất. Vì vậy, cúng giao thừa còn được coi là lễ đuổi ma quỷ. Cúng giao thừa cũng là để rước ông bà tổ tiên về sum vầy vui vẻ bên gia đình đón Tết.
Cúng giao thừa giờ nào, ở đâu?
Theo các chuyên gia phong thủy, nghi lễ cúng giao thừa năm Quý Mão 2023 nên được tiến hành vào giờ Tý (tức 11 giờ đêm) hoặc thời điểm tốt nhất là giờ chính Tý (0 giờ đêm) và kết thúc trước 1 giờ sáng, ngày mùng 1 Tết.
Lễ giao thừa thường được cúng ở ngoài trời, bởi các cụ xưa hình dung trong phút cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương luôn có quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn cấp nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
Bên cạnh đó, cúng giao thừa còn là để rước ông bà tổ tiên nên cũng được thực hiện cả trong nhà. Lễ cúng ngoài trời được thực hiện trước, sau đó đến lễ cúng giao thừa trong nhà.
Mâm cúng giao thừa đặt theo hướng nào?
Mâm lễ cúng giao thừa được đặt theo hướng Bắc hoặc hướng Đông tùy vào vị trí của từng gia đình. Theo quan niệm dân gian, hướng Bắc là hướng của Thượng Đế, hướng đông là cúng Thiên Tử.
Vì thế, các gia chủ có thể đặt theo hướng nào phù hợp nhất vào vị trí của gia đình mình.
Bày mâm cúng giao thừa như thế nào?Việc bày mâm cúng giao thừa ngoài trời, gia chủ cần chuẩn bị một chiếc bàn lớn đủ rộng để bài mâm lễ, có thể trải khăn hoặc vải sạch sẽ, sang trọng để nơi cúng lễ đẹp đẽ và bày tỏ được sự tinh tế, trân trọng đối với các vị thần.
Cúng ngoài trời không cần bát hương mà chỉ cần bát gạo để cắm hương và hai ngọn nến cùng với mâm cỗ cúng.
Gia chủ nên chuẩn bị trước văn khấn giao thừa cho buổi lễ được chỉnh chu. Bài khấn có nội dung tạ ơn phước lành của chư vị thần linh che chở cho toàn gia trong năm đã qua, cầu xin điềm lành trong năm mới đến.
Mâm cúng giao thừa ngoài trời thường có mâm ngũ quả, hương, hoa tươi, 2 cây đèn hoặc nến, trầu cau, gạo muối, trà, nước (hoặc rượu), quần áo, mũ nón thần linh, một con gà trống luộc, xôi, bánh chưng, mứt, bánh kẹo.
Lễ vật cúng giao thừa gồm những gì?
Theo văn hóa dân gian, lễ vật cúng giao thừa thường gồm: Thủ lợn hoặc gà trống; Bánh chưng; Mứt kẹo; Trầu cau; Hoa quả; Rượu nước; Vàng mã, đôi khi có thêm chiếc mũ của Ðại Vương Hành khiển.
Lưu ý, trong văn hóa truyền thống của người Việt thường dùng gà trống để cúng bởi quan niệm gà trống là biểu tượng của ngũ đức: Văn, võ, dũng, nhân, tín. Bông hoa hồng đỏ trên miệng gà là hình ảnh tượng trưng cho ông mặt Trời.
Mâm cỗ cúng giao thừa trong nhà tương tự như lễ cúng giao thừa ngoài trời, tuy nhiên sẽ bỏ mũ chuồn. Thường thì ở một số gia đình sẽ có thêm cả các món chè như chè hoa cau, chè kho,… để cúng giao thừa.
Tùy theo mỗi vùng miền mà mâm cỗ cúng giao thừa cũng có những sự khác biệt riêng. Nếu như miền Bắc mâm cỗ rất đầy đủ các món mặn, đặc biệt không thể thiếu gà luộc thì miền Nam thì mâm cỗ cúng có thể đơn giản hơn với mâm ngũ quả, hoa cúc vạn thọ, lư hương, hai cây nến, giấy tiền vàng và một quả dừa tươi đã chặt sẵn.
Những lưu ý khi cúng giao thừa
Cúng giao thừa là một nghi thức quan trọng và nên lưu ý nên có đầy đủ 2 mâm cỗ cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời. Có thể làm cỗ ngọt hoặc chay, mặn và để ở một bàn nhỏ phía bên dưới bàn thờ chính. Còn trên bàn thờ chính sẽ đặt hoa, tiền vàng, xôi chè và bánh chưng. Không nên cắm cành vàng lá ngọc trên bàn thờ, bởi sẽ mang nhiều âm khí không tốt. Ngoài ra, không đốt tiền vàng vào lễ cúng giao thừa vì sẽ thu hút nhiều vong âm.
(Bài viết mang tính tham khảo)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận