Thời sự

Cùng hành động để tai nạn giao thông không còn là đại họa

16/02/2018, 10:34

Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia mong người dân đề cao ý thức tham gia giao thông vì bản thân và cộng đồng.

2

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đội MBH cho các em học sinh tại lễ phát động tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường - Ảnh: Hải Đường

Chia sẻ với Báo Giao thông nhân Xuân mới Mậu Tuất 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình mong muốn người dân đề cao ý thức khi tham gia giao thông, vì bản thân và vì cả cộng đồng.

Năm thứ 6 liên tiếp TNGT giảm sâu

Đâu là kết quả nổi bật nhất trong chiến dịch kiềm chế tai nạn giao thông năm vừa qua, thưa Phó Thủ tướng?

Nhìn lại năm 2017, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và đoàn thể trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, chúng ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT do Quốc hội giao. Đây là năm thứ 6 liên tiếp, TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Đạt được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp; đặc biệt là sự chuyển biến nhận thức của người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ. Cùng đó, các quy định pháp luật về ATGT ngày càng hoàn thiện; quá trình thực thi pháp luật được triển khai gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu; công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm được tăng cường đồng bộ.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ tử vong do TNGT ở trẻ em còn cao so với thế giới, Phó Thủ tướng nhận định gì về thực trạng này?

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt- Đức, tỷ lệ trẻ em tử vong do TNGT/100.000 trẻ em ở nước ta là khoảng 20, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và các nước phát triển (con số này của các nước ASEAN là khoảng 7,4 và ở các nước phát triển là khoảng 4,5). Một số nghiên cứu cũng cho thấy thương vong do TNGT ở trẻ em chủ yếu là trong nhóm học sinh trung học phổ thông, chiếm 75-80%.

Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng nguyên nhân gốc rễ dẫn đến vi phạm quy định về ATGT của trẻ em là do sự thiếu trách nhiệm của người lớn. Đó là việc thiếu sự quan tâm, nhắc nhở con em khi tham gia giao thông. Một số phụ huynh vẫn giao mô tô cho con em điều khiển mặc dù các em chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe đúng quy định. Ý thức chấp hành pháp luật ATGT của người lớn còn kém, chưa làm gương cho giới trẻ noi theo. Hàng ngày, không hiếm hình ảnh cha mẹ chở con đi trên đường vẫn cố ý vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đi sai phần đường, đi ngược chiều… thậm chí uống rượu bia vẫn lái xe. Lực lượng chức năng cũng chưa làm nghiêm việc xử lý vi phạm quy định ATGT của trẻ em và đặc biệt là những vi phạm của người lớn có liên quan.

Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ có giải pháp gì để kéo giảm TNGT đối với trẻ em, thưa Phó Thủ tướng?

Năm An toàn giao thông 2018 được Ủy ban ATGT Quốc gia lựa chọn chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em” với mục tiêu giảm 10% số trẻ em tử vong do TNGT so với năm 2017. Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền giáo dục đến mọi người dân, đặc biệt là cho trẻ em, nâng cao hiểu biết về các nguy cơ, khả năng xảy ra TNGT, biết cách phòng ngừa TNGT, đẩy mạnh thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên xe máy...

Ngành Giáo dục cần tăng cường xây dựng chương trình giáo dục ATGT phù hợp, thực chất, mang tính liên thông ở các bậc học, qua đó hình thành ý thức chấp hành cho các em. Đồng thời, phải mở rộng tuyên truyền đến đối tượng phụ huynh vì bản thân phụ huynh phải làm gương, giám sát các em chặt chẽ hơn.

Vì tính mạng của mình và của người khác, trong dịp năm mới 2018, Ủy ban ATGT Quốc gia mong muốn người dân đề cao ý thức khi tham gia giao thông, vì bản thân và vì cả cộng đồng. Một việc nhỏ nhưng gây tác hại rất lớn, một sơ suất nhỏ nhưng có thể gây ra hậu quả khôn lường, thậm chí là đại họa, nên mỗi người khi tham gia giao thông phải có ý thức tuân thủ pháp luật, đảm bảo ATGT.

Mỗi người cần nêu gương thực hiện văn hóa giao thông

Mục tiêu 2018 được đặt ra như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?

Năm 2018, để thực hiện được mục tiêu giảm TNGT từ 5-10% trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương; giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em 10%  so với năm 2017, Ủy ban ATGT Quốc gia cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 88 của Chính phủ. Trong đó, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:

Năm 2017, TNGT giảm hơn 1.500 vụ (gần 7%), giảm trên 400 người chết (gần 5%), giảm hơn 2.200 người bị thương (hơn 11%) so với năm 2016. Số người chết do TNGT giảm còn 8.279 người, với mức giảm sâu nhất tính từ năm 2012. Đó là tiền đề quan trọng để Việt Nam thực hiện cam kết toàn cầu của Đại hội đồng Liên hợp quốc đến năm 2020, số thương vong do TNGT giảm xuống còn 50% so với năm 2010. 

Trước hết là hoàn thiện thể chế về ATGT; tổng kết và xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi; sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thống kê, Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới; xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật hiện hành liên quan đến đảm bảo an toàn về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, kỹ năng, đạo đức, trách nhiệm của người tham gia giao thông; các chế tài xử lý vi phạm ATGT, chú trọng sửa đổi các quy định nhằm nâng cao khả năng tạo lập môi trường giao thông an toàn cho trẻ em.

Chúng ta cũng cần tiếp tục xây dựng văn hoá giao thông cho toàn xã hội, trọng tâm là bảo vệ ATGT cho trẻ em và người lớn nêu gương về văn hóa giao thông. Đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT phù hợp với chủ đề năm ATGT. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đồng thời phát huy hiệu quả các mô hình tự quản tham gia cảnh giới tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt; quyết liệt xử lý triệt để các lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Đặc biệt là cần đổi mới chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe khách, xe tải, xe container.

Các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự ATGT; Tiếp tục đầu tư, nâng cấp gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và nâng cao chất lượng bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.Tập trung tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành GTVT và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT.

Tới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia cần tập trung kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ATGT. Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT các tỉnh, thành phố ban hành quy định về xác định và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức cá nhân có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT. Vai trò của người đứng đầu đặc biệt quan trọng trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATGT, kéo giảm TNGT và cũng gắn trách nhiệm với kết quả thực hiện.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.