Định phúc Táo quân có nhiệm vụ khác nhau
Theo sự tích, Trọng Cao có vợ là Thị Nhi. Cặp vợ chồng này chung sống với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau.
Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Mâm lễ cúng ông Công, ông Táo
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người hàn huyên chuyện cũ và Thị Nhi tỏ lòng hối hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì sẽ hiểu lầm nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Theo truyền thuyết, hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc: Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi không gian bao quanh gia đình, một số nơi quan niệm là coi việc bếp núc. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa, đất đai. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần.
Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc trồng trọt, chăn nuôi, chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần. Nếu như vậy thì Ông Táo và ông Công là khác nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, cho dù truyền thuyết, sự tích có như thế nào thì việc cúng ông Công ông Táo cũng là truyền thống tốt đẹp bao đời nay của người Việt và là dấu hiệu cho thấy thực sự Tết đang đến rất gần.
Giờ đẹp cúng ông Công, ông Táo?
Theo truyền thống hàng năm, ngày Tết ông Công ông Táo là ngày 23 tháng chạp hằng năm (tức ngày 23/12 Âm lịch). Theo lịch dương, lễ cúng ông Công ông Táo năm nay rơi vào thứ Ba, ngày 25 tháng 1 dương lịch năm 2022.
Theo Lịch Vạn niên 2022, Ngày 23 tháng Chạp năm 2021 là ngày Mậu Dần, tháng Tân Sửu, tiết Đại hàn. Giờ hoàng đạo ngày 23 tháng Chạp 2021: Tí (23:00-0:59), Sửu (1:00-2:59), Thìn (7:00-8:59), Tỵ (9:00-10:59), Mùi (13:00-14:59), Tuất (19:00-20:59).
Theo quan niệm, táo quân phải có mặt trên Thiên đình trước giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp để báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc tốt xấu của gia chủ. Vì vậy, các gia đình cần hoàn thành nghi lễ tiễn ông Táo về chầu trời trước giờ Ngọ (từ 11 giờ – 13 giờ) ngày 23 tháng Chạp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận