Cùng sốt xuất huyết, lo ngại bùng phát dịch tay chân miệng |
Nguy cơ cao bùng phát dịch tay chân miệng
Theo cảnh báo của Bộ Y tế, cùng với sốt xuất huyết (SXH), lo ngại bùng phát dịch bệnh tay chân miệng trong thời điểm hiện nay.
Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2017 đến nay, tại 63 tỉnh, thành đã ghi nhận 43.162 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 20.063 trường hợp nhập viện, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số bệnh nhân nhập viện giảm 1,9%.
Tuy nhiên, số mắc bệnh tay chân miệng trong các tuần gần đây có chiều hướng tăng. Và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới, do đang là mùa dịch và là thời điểm học sinh bước vào năm học mới.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, TP chỉ đạo UBND các cấp, huy động các ngành, các tổ chức phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, ngăn chặn bùng phát dịch tay chân miệng tại địa phương; chỉ đạo sở y tế tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lan rộng, kéo dài.
Ở cuộc họp giao ban về tình hình bệnh dịch do Bộ Y tế tổ chức, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo: "Hiện vẫn đang cao điểm dịch SXH, tuy nhiên nếu đổ toàn lực vào SXH mà lãng quên việc phát hiện, khoanh vùng và xử lý các ổ dịch bệnh khác như tay chân miệng, cúm A thì nguy cơ bùng phát các dịch bệnh này là hiện hữu. Và lúc đó đồng loạt bùng phát các dịch bệnh lây nhiễm thì vô cùng nguy hiểm".
Nếu lơ là, bệnh tay chân miệng có thể thành ổ dịch lớn
Theo BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ, bệnh tay chân miệng là bệnh có thể gây thành dịch lớn, có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Do vậy, nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh là yếu tố rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ mắc, giảm tử vong.
Theo đó để nhận biết bệnh Tay-chân-miêng, các bậc phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu như: Sốt nhẹ hoặc sốt cao; Tổn thương ở da: dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối… Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Trẻ có thể được chỉ định điều trị tại nhà nếu bệnh nhẹ, tuy nhiên khi có các dấu hiệu sốt trên 38,5 0C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; Trẻ giật mình, khó thở hay có biểu hiện rối loạn ý thức như ngủ gà gật, chậm chạp; Tiểu ít... cần ngay lập tức cho trẻ nhập viện.
Hiện, bệnh tay chân miệng có thể do nhiều loại virus gây nên và không có thuốc điều trị đặc hiệu, không có vaccine, do vậy để phòng bệnh việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân là rất quan trọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận