Đời sống

Cúng vàng mã cuối năm sao cho đúng?

25/01/2022, 10:53

Theo chuyên gia văn hóa, cúng, đốt vàng mã chỉ là tượng trưng nên thành tâm được đặt lên hàng đầu.

Những năm gần đây, người dân sắm, đốt vàng mã trong ngày cúng ông Công ông Táo, cúng tất niên, tân niên đã giảm so với trước đây. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn duy trì việc này khá cầu kỳ.

Tại một số chợ chuyên bán hàng mã ở Hà Nội, TP.HCM hay các tỉnh thành như Quảng Ninh, Thái Bình... dịp cuối năm lại tấp nập mua bán. Danh mục vàng mã bây giờ cũng rất đa dạng, phong phú chủng loại đáp ứng nhu cầu của người dân với quan niệm rằng "trần sao, âm vậy", người sống sinh hoạt như thế nào thì người chết dưới âm phủ cũng sinh hoạt như thế.

Ngoài giấy tiền, thị trường vàng mã đủ các loại vật dụng đời thường như quần áo, xe đạp, nhà cửa,… cho tới các phương tiện giao thông hiện đại như ô tô, xe máy, máy bay.

img

Trên thị trường hàng mã có cả bánh chưng, bánh Tét, giò... Ảnh: Tiền Phong

Chị Lê Thị Phúc (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, với quan niệm "người dương sao thì người âm vậy", cuối năm nào gia đình dọn dẹp mộ ông bà, các cụ và sắm đồ mã biếu như: quần áo, giấy tiền, cây cảnh và 1 số đồ dùng khác.

"Vợ chồng tôi cứ nghĩ đến Tết nhà dọn dẹp, mình sắm sửa đón Tết thì cũng phải biếu ông bà đồ mới, tiền vàng để đón Tết", chị Phúc nói.

Chị Nguyễn Thị Liên, một người bán hàng mã lâu năm cho biết, năm nay lượng mua của người dân có giảm hơn những năm trước nhưng nhiều gia đình vẫn sắm đầy đủ quần áo, xe (xe máy, ô tô - tùy theo điều kiện gia đình con cháu) và tiền, vàng để "biếu" các cụ. Nếu sắm đầy đủ, mỗi bộ cũng lên đến cả triệu đồng.

img

Cúng, đốt vàng mã chỉ mang tính tượng trưng

Trao đổi về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, thời cổ xưa, người ta quan niệm thô sơ rằng, thế giới của người chết cũng tương tự như thế giới người sống, có nghĩa là họ cũng lao động, sinh hoạt, hưởng thụ như người sống vậy. Vì vậy, người ta chôn theo người chết thức ăn, công cụ sản xuất, vũ khí và trang sức.

Một thời kỳ sau, con người thông minh dần lên, người ta hiểu không phải như vậy nên người ta chôn theo những đồ minh khí, tức là đồ mô phỏng bằng những vật liệu rẻ tiền để tùy táng để làm "của" cho người chết. Từ khi có kỹ thuật làm giấyngười ta làm vàng giấy, tiền giấy, công cụ giấy...để cho rẻ. Đó là sự phát triển của tinh thần tiết kiệm. Con người đã văn minh lên. Tục cúng vàng mã bắt đầu từ đó. Ai cũng hiểu rằng đó là tượng trưng.

"Đã là tượng trưng thì sự thành tâm được đặt lên hàng đầu. Tấm lòng tri ân là cao hơn tất cả. Khi con sống, tổ tiên thương ta như thế nào thì sau này các cụ vẫn thương ta như vậy thôi, không đòi hỏi. Nếu chúng ta sống chân thành, tử tế thì có bao giờ đưa muộn phiền cho cha mẹ đâu.

Còn mua thật nhiều đồ vàng mã, đốt thật nhiều tiền âm phủ thi cuối cùng cũng là tượng trưng thôi. Tùy hoàn cảnh mà ứng xử. Cái khổ nhất là đua nhau, ganh nhau cho bằng nhau hoặc cho hơn người thì là chính chúng ta đang mẽ hoặc đang sân si. Nên tự do lựa chọn theo chính mình là cách hành xử đúng đắn nhất. Lễ bạc tâm thành là câu các cụ dặn từ xưa", ông Vĩ nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.