Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, sự gia tăng nhanh chóng trung tâm đăng kiểm đang dẫn đến tình trạng đầu tư kém hiệu quả
Sự gia tăng nhanh chóng của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới sau 2 năm áp dụng cơ chế xã hội hóa làm dấy lên những e ngại về việc đầu tư kém hiệu quả, thậm chí rủi ro.
Cung vượt cầu, hoạt động cầm chừng
Một ngày đầu tháng 12/2020, gần 2 giờ có mặt tại Trung tâm đăng kiểm 89-04D (Văn Giang, Hưng Yên), PV Báo Giao thông ghi nhận chỉ có một xe ô tô vào đăng kiểm, trong khi trung tâm này nằm ven tỉnh lộ nườm nợp xe qua lại, trong khu vực thị trấn và gần Khu đô thị Ecopark.
Ông Đỗ Hải Nam, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 89-04D cho biết, hồi đầu năm, trung bình mỗi ngày khoảng hơn 50 xe đến kiểm định, còn thời điểm này chỉ khoảng 30 xe.
“Sau khi lắp thêm dây chuyền, tuyển thêm đăng kiểm viên (ĐKV), lượng xe đến kiểm định ít hơn dự kiến nên đơn vị hiện chỉ vận hành một dây chuyền, số lượng nhân sự cũng chỉ duy trì ở mức tối thiểu”, ông Nam cho biết.
“Chúng tôi là trung tâm xã hội hóa đầu tiên của Hưng Yên, khi đó toàn tỉnh mới chỉ có 3 trung tâm, nhưng hiện đã có 6 và chuẩn bị tăng lên 8 trung tâm. Các khu vực lân cận ở Hà Nội, Bắc Ninh đều có các trung tâm đăng kiểm nên khó thu hút xe như trước”, ông Nam lý giải.
Tương tự, Trung tâm đăng kiểm 29-17D (Long Biên, Hà Nội) dù thành lập trước đó và khá tích cực quảng bá, tiếp thị song đến nay trung bình cũng chỉ đạt khoảng 40 xe/ngày. Trung tâm đầu tư hai dây chuyền kiểm định nhưng đến nay cũng chỉ vận hành một dây chuyền, số lượng ĐKV, nhân viên nghiệp vụ cũng duy trì ở mức tối thiểu.
“Một trung tâm đăng kiểm cần đạt được đều đặn từ 50 xe/ngày trở lên mới có lãi, còn ở mức trên dưới 40 xe/ngày chỉ đủ cân đối chi phí vận hành, chưa đủ để khấu hao thiết bị, máy móc. Trung tâm mở ở đô thị mà tiền thuê mặt bằng cao, phải thu hút được nhiều xe mới có lãi”, ông Đặng Văn Chung, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm trên nói và cho rằng, số lượng trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội và nhiều địa phương đang tăng nhanh quá mức.
Đại diện một số trung tâm đăng kiểm hoạt động vài chục năm nay ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương... cho hay, sự gia tăng nhanh của các trung tâm đăng kiểm khiến thị phần bị co lại, phải cắt giảm các chi phí ở mức tối đa. Trong khi đó, theo Cục Đăng kiểm VN, một số trung tâm ở các địa phương sau 1 - 2 năm hoạt động vẫn chỉ đạt mức trên dưới 20 xe/ngày.
Vì sao vẫn ồ ạt đầu tư?
Một số nhà đầu tư chia sẻ, lý do đầu tư vào trung tâm đăng kiểm bởi thuận lợi trong việc tận dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (đất sản xuất công nghiệp, bến xe...), quá trình hoạt động không phát sinh chi phí đầu tư, có lợi thế là khách hàng tìm đến thay vì phải đi tìm khách hàng như lĩnh vực thương mại.
Trong khi đó, nguồn thu ngoài phí kiểm định còn được trích tỷ lệ thu hộ ngân sách phí bảo trì đường bộ, đại lý bảo hiểm xe cơ giới, bán đồ phụ trợ liên quan đến ô tô. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, việc đầu tư vào lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới không chỉ có màu hồng.
Bởi trường hợp vắng xe, gặp khó khăn về tài chính hoặc thu nhập người lao động thấp, chủ đầu tư (nếu không trực tiếp điều hành kỹ thuật) dễ gặp rủi ro, để xảy ra sai phạm, tiêu cực và dẫn đến hậu quả nặng nề.
Điển hình, cách đây không lâu, Trung tâm đăng kiểm 29-15D (Hà Nội) bị đình chỉ toàn bộ hoạt động một tháng do thường xuyên chiếm dụng, giữ lại tiền phí sử dụng đường bộ thu hộ ngân sách.
“Có ngày, đơn vị trên thu hàng trăm triệu đồng phí sử dụng đường bộ nhưng giữ lại, không chuyển nộp ngay vào ngân sách nhà nước theo quy định. Trước đó, đơn vị này cũng từng bị dừng hoạt động do ĐKV bị đình chỉ do bỏ qua lỗi kỹ thuật, dẫn đến thiếu số lượng nhân sự tối thiểu”, nguồn tin của PV Báo Giao thông cho biết.
Trước đó, trong năm 2019, Cục Đăng kiểm VN lần đầu tiên phải thu hồi giấy phép hoạt động của một trung tâm đăng kiểm ở Bắc Giang do cấp khống chứng nhận đăng kiểm.
“Hoạt động trong lĩnh vực đăng kiểm khá nhiều áp lực, chỉ cần trong 12 tháng có 2 lượt ĐKV để xảy ra lỗi kỹ thuật, bị đình chỉ là bị đóng dừng dây chuyền; còn 3 lượt ĐKV bị đình chỉ là bị đóng cửa trung tâm 1 - 3 tháng. Chủ đầu tư không biết nghề hoặc thiên về lợi nhuận dễ đối mặt rủi ro”, giám đốc một trung tâm đăng kiểm nói.
Theo Cục Đăng kiểm VN, từ năm 2019, cơ chế đầu tư trung tâm đăng kiểm khá thông thoáng. Người muốn đầu tư chỉ cần thành lập doanh nghiệp, trước khi xây dựng trung tâm đăng kiểm chỉ cần thông báo cho Cục Đăng kiểm VN về địa điểm, thời gian dự kiến hoàn thành và đi hoạt động. Khi xây dựng xong, Cục Đăng kiểm VN đánh giá phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đáp ứng điều kiện nhân sự tối thiểu là cấp phép đi vào hoạt động.
Đến nay, toàn quốc có 232 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động, trong đó có gần 60 trung tâm được mở trong gần 2 năm thực hiện cơ chế thông thoáng. Đó là chưa kể hiện còn 47 trung tâm khác đang trong quá trình xây dựng.
“Đầu tư trung tâm đăng kiểm trong một vài năm đầu dễ bị lỗ, song không ít DN vẫn muốn dùng dòng tiền nhàn rỗi để đầu tư. Với số lượng đăng ký hiện nay, sắp tới nhiều địa phương có 8 - 9 trung tâm đăng kiểm, khiến cầu ngày càng vượt cung.
Nơi thừa, nơi thiếu
Theo đại diện Cục Đăng kiểm VN, lợi ích thấy rõ nhất sau hai năm thực hiện xã hội hóa đăng kiểm là chủ phương tiện, người dân được lựa chọn nơi đăng kiểm gần nhất. Các trung tâm đăng kiểm buộc phải nâng chất lượng dịch vụ qua cung cách, thái độ phục vụ khách hàng lịch sự, đẩy nhanh thời gian giải quyết thủ tục, nhắn tin nhắc hạn đăng kiểm.
Tuy vậy, bất cập là một số khu vực, địa phương có nhiều trung tâm, trong khi một số tỉnh miền núi khó khăn (như: Lai Châu, Hòa Bình, Điện Biên) hoặc miền Tây Nam Bộ vẫn chỉ có một trung tâm đăng kiểm, người dân các huyện vẫn phải đi xa mới có nơi đăng kiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận