Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM |
Hai nội dung chính trong Đề án chỉnh trang và phát triển đô thị TP là di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh, rạch; Xây dựng mới, thay thế chung cư cũ trước năm 1975 đang hư hỏng, xuống cấp. Qua đó cải thiện chất lượng sống của người dân, đồng thời chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường, an ninh trật tự xã hội... Xung quanh vấn đề này, Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Tuấn, giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM.
Đổi nhà cũ lấy nhà mới
Sau hơn 20 năm triển khai đến thời điểm hiện nay, có bao nhiêu nhà dân trên kênh, rạch được giải tỏa đền bù, tái định cư nơi ở mới, thưa ông?
Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện việc giải tỏa di dời những nhà dân ven sông và trên kênh, rạch TP đã di dời khoảng 36.000 căn với các dự án điển hình: Dự án vệ sinh môi trường nước TP lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - kênh Đôi - Kênh Tẻ; Dự án cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm… đã góp phần rất lớn vào việc cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị, giải quyết tình trạng ngập nước, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp.
Hiện nay, trên địa bàn vẫn còn khoảng 20.000 căn nhà ở của người dân sống trên và ven kênh, rạch. Trong số này tập trung nhiều nhất là ở quận 8, khoảng 50% với hơn 10.000 căn. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, TP sẽ phấn đấu di dời toàn bộ nhà ở ven kênh, rạch và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống ở trên và ven kênh, rạch.
Theo đề án Chỉnh trang đô thị của TP mới đây, đối với việc chỉnh trang, cải tạo dọc hai bên bờ kênh, rạch ở khắp các quận, huyện trên địa bàn, TP đã đưa ra giải pháp nào?
Hiện nay, Sở Xây dựng đã nghiên cứu và phân loại phương thức thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch theo 3 nhóm: Thứ nhất, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp với chỉnh trang đô thị; Thứ hai, dự án chỉnh trang đô thị bằng vốn ngân sách; Thứ ba, chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công - tư. Các quận, huyện phải chủ động tiến hành rà soát, phân nhóm, xác định phương thức thực hiện của từng tuyến kênh, rạch… từ đó vừa cân đối nguồn vốn ngân sách, vừa huy động nguồn lực xã hội đầu tư. Sở Xây dựng cũng tham mưu TP và có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho TP được chỉ định nhà đầu tư. Xác định trình tự các bước triển khai, phân công, giao nhiệm vụ cho các sở ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện…
Riêng với việc cải tạo và đầu tư xây dựng mới thay thế các chung cư cũ trước năm 1975, Sở Xây dựng cũng đã tham mưu cho TP ban hành Quyết định 1017 ngày 11/3/2017 về ủy quyền, phân công cho UBND quận thực hiện các nhiệm vụ, cải tạo, sửa chữa chung cư cũ. Sở Xây dựng đề xuất phương thức tái định cư theo hướng “đổi nhà cũ lấy nhà mới” đối với các chung cư do Nhà nước thực hiện…
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè |
Tổ chức lại cuộc sống tái định cư cho 20.000 nhà dân
Sắp tới, TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc cải tạo, giải tỏa đền bù tại các kênh, rạch ở khu vực nào?
Trong 5 năm tới, TP sẽ giải quyết dứt điểm những tuyến kênh rạch đang thực hiện công tác bồi thường, di dời, giải phóng mặt bằng, cụ thể là tuyến Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, cù lao Nguyễn Kiệu, công viên Hồ Khánh Hội giai đoạn 3 và 4, di dời khoảng 304 căn nhà. Ngoài ra, công tác di dời, giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng tiếp tục thực hiện cho toàn tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ thuộc các quận 4, 7, 8 để thực hiện dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM. Giai đoạn 3 sẽ giải tỏa, di dời khoảng 7.031 căn.
Những tuyến kênh, rạch ô nhiễm nặng hoặc có vai trò quan trọng trong giải quyết ngập úng, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước như rạch Hàng Bàng giai đoạn 2 và 3, rạch Văn Thánh, rạch Bùi Hữu Nghĩa, rạch Xuyên Tâm, rạch Bàu Trâu... cũng sẽ được thực hiện với quy mô giải tỏa và di dời khoảng 13.350 căn.
Chủ trương của TP khi thực hiện Chương trình chỉnh trang đô thị là người dân phải có nhà ở. Tuy nhiên, có khoảng 50% số hộ dân khi giải tỏa di dời, tiền bồi thường không đủ để tái định cư nơi ở mới. Vậy, TP đã đưa ra giải pháp nào để hỗ trợ người dân an cư?
Với các trường hợp này thì phương thức tái định cư chủ yếu là nhà ở xã hội. Hiện nay, TP đang triển khai thực hiện 39 dự án nhà ở xã hội, quy mô số lượng căn hộ khoảng 47.000 căn. Đối với những dự án đang thi công, bằng trách nhiệm của mình, các sở - ngành, quận, huyện sẽ kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng nghiệm thu đưa vào sử dụng, phấn đấu năm 2017 là xong.
Đối với nhóm dự án đã công nhận chủ đầu tư và đã chấp thuận đầu tư thì hỗ trợ chủ đầu tư sớm đủ điều kiện khởi công. Nhóm dự án này chúng tôi phấn đấu trong năm 2017 khởi công. Nhóm thứ ba là những dự án đã công nhận chủ đầu tư, thì hỗ trợ hoàn chỉnh hồ sơ để chấp thuận đầu tư, hoàn tất các thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng. Những dự án thuộc nhóm này dự kiến sẽ lần lượt được cấp giấy phép xây dựng để khởi công vào năm 2018. Như vậy, với lộ trình tính toán này thì đến năm 2020 có khoảng 30.000 căn nhà ở xã hội trong tổng số 47.000 căn được hoàn thành và đưa vào sử dụng là khả thi.
Tuy nhiên, trong trường hợp nhiều hộ dân vẫn không đủ tiền mua nhà ở xã hội thì TP sẽ giải quyết thế nào?
Trong trường hợp này, hình thức tái định cư phù hợp nhất là thuê nhà ở xã hội. Theo quy định pháp luật, trong một dự án nhà ở xã hội, có 60% nhà ở xã hội để bán, 20% để kinh doanh - chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư, 20% còn lại bắt buộc dành để cho thuê. Đây là nguồn quỹ nhà rất quan trọng, cần thiết và phù hợp để bố trí tái định cư cho các hộ gia đình sống trên, ven kênh, rạch. Tuy nhiên, ở đây không chỉ giải quyết bài toán căn hộ tái định cư mà thực chất tái định cư là tổ chức lại cuộc sống cho người dân tái định cư. Tái định cư không chỉ là nơi để cư trú, để ở mà đó còn là không gian sống, chất lượng cuộc sống, thể hiện ở chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, liên quan việc học, việc làm, đi lại và cuộc sống của người dân tái định cư.
Giao thông công cộng sẽ gắn liền với khu đông dân cư Hiện, Chính phủ cũng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông TP.HCM đến năm 2020. Theo đó, giao thông công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị, taxi sẽ đảm nhận từ 20-25% thị phần. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị phải gắn liền với việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng. Vì thế, giải pháp trọng tâm là gắn với chỉnh trang, phát triển đô thị theo hướng vận tải công cộng. Xây dựng hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, các công trình giao thông trọng điểm, các trục giao thông công chính, đường vành đai, đường trên cao, đường cao tốc. |
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận