Chăm sóc trẻ sơ sinh thiếu tháng cần tuân thủ liệu trình theo dõi chặt chẽ của các y, bác sỹ chuyên khoa(Chụp tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) - Ảnh: Tạ Tôn |
Những giọt nước mắt hạnh phúc
Chiếc quạt đại hoạt động hết công suất dường như không xua tan nổi cái nóng hầm hập của buổi chiều hè. Những tấm lưng ướt đẫm mồ hồi của bà, của bố và của các bà mẹ từ hành lang ngóng vào Trung tâm Chăm sóc trẻ sinh non. Tất cả họ đều chung tâm lý mong ngóng, hi vọng bởi trong đó, những sinh linh bé bỏng đang từng giờ, từng giây nhờ sự tận tâm của các y, bác sĩ giành lại sự sống. Tại Trung tâm luôn có khoảng 200 trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân nằm điều trị và chăm sóc, đợt cao điểm con số này tăng lên 250 trẻ.
Nâng niu trên tay con gái bé bỏng mới sinh được ba tháng, chị Nguyễn Thu Hường (Gia Lâm, Hà Nội) nở nụ cười mãn nguyện cho biết: “Lần này em cho con đến khám tai và mắt. Bác sĩ bảo con đang phát triển tốt. Mừng quá chị ạ”. Theo lời Hường, bé Gấu (tên gọi ở nhà) ra đời khi mới bước qua tuần thai thứ 26 được vài ngày và mới chỉ đạt trọng lượng 800gr. Sau sinh, bé Gấu được chuyển ngay sang Trung tâm Chăm sóc sơ sinh vì đây được coi là trường hợp sinh cực kỳ non tháng và nhẹ cân. Suốt 2 tháng, 10 ngày được các bác sĩ chăm sóc trong lồng kính, bé Gấu được các bác sĩ cho xuất viện khi cân nặng đạt 1.500gr, có thể tự ăn, tự thở được. Chị Hường cho biết: “Khi đón con trên tay về mà cả gia đình mừng rơi nước mắt. Trộm vía chỉ sau một tháng chăm ở nhà, con ăn được nên đã lên được thêm 1.300gr. Kết quả này là nhờ sự điều trị, chăm sóc kỳ công của bao nhiêu người đấy ạ”.
Y học Việt Nam hoàn toàn có thể cứu sống những trẻ sinh từ tuần thứ 24 trở đi. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể gặp những biến chứng thường thấy ở những trẻ non tháng như: Bệnh phổi mãn tính, bệnh võng mạc ở mắt, thính lực... Do vậy, trẻ cần được theo dõi sát sao để điều trị kịp thời. PGS. Nguyễn Tiến Dũng |
Với các bác sĩ tại trung tâm, kỷ lục được ghi dấu đầu tiên là vào năm 2010 đã nuôi sống thành công cháu bé Bùi Hiền Thục sinh non 25 tuần tuổi và chỉ nặng 500gr. Ngày đó, bé Thục được các bác sĩ tiếp nhận từ phòng đẻ về trong tình trạng toàn thân tím đen do xuất huyết dưới da, nhịp tim và mạch chỉ 120 lần/phút trong khi trẻ sơ sinh để sống được phải đạt 150 lần/phút. Trương lực cơ và phản xạ thì hầu như không có... Nguy hiểm nhất là cơ quan hô hấp của trẻ hoạt động rất yếu ớt. Lúc đó, các bác sĩ đều tiên lượng thấp và không ít lần gia đình đã sẵn sàng tinh thần đón nhận tin xấu nhất. Suốt ba tháng điều trị trong khoa là ba tháng chiến đấu với tử thần. Với nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ trung tâm, điều kỳ diệu đã đến, bé Hiền Thục được xuất viện khỏe mạnh. Sau chừng đó năm, giờ Hiền Thục đã trở thành một cô bé bụ bẫm, xinh xắn, thích múa hát. Chị Ngọc (mẹ của Hiền Thục) cho biết, so với các bạn cùng lớp, Hiền Thục cao và bụ bẫm gần như nhất lớp.
Theo Thày thuốc Nhân dân, BS. Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sinh non, những năm gần đây, những trường hợp thai nhi 25-26 tuần tuổi và cân nặng khoảng 700-800 gram đã được nuôi sống không còn là hy hữu. “Hiện tại trung tâm đang chăm 3 trẻ sơ sinh chỉ nặng 600gr. Với những trẻ non tháng, thiếu cân thì 1 ngày hay 1gr đều rất quý”, Bs. Lợi cho biết.
“Niềm vui của bác sĩ là được trao trẻ về với gia đình”
BS. Lợi đã cho biết điều đó khi chia sẻ về những trăn trở trong công việc vốn đòi hỏi sự tận tâm, kỳ công trong từng bước của quy trình cứu sống những trẻ sơ sinh non tháng, thiếu cân. Thông thường, chăm sóc, nuôi trẻ non tháng, nhẹ cân phải đảm bảo phòng chống, điều trị 7 yếu tố cụ thể: Hồi sức cấp cứu, giữ ấm thân nhiệt, hô hấp, hạ đường máu, dinh dưỡng, vàng da và chống nhiễm khuẩn. Nghe thì rất đơn giản nhưng đặc thù của trẻ non tháng, thiếu cân thì quá trình vô cùng gian nan. Vây quanh mỗi lồng ấp của trẻ đi kèm nhiều loại máy hỗ trợ: máy thở, máy lọc máu, máy điện tim, dây chuyền ăn xông...; Chưa kể mỗi trẻ có một diễn tiến bệnh hoàn toàn khác nhau.
Đơn cử việc cho trẻ non cân thích nghi phản xạ bú mớm cũng là cả sự kỳ công luyện tập. Để tập cho trẻ ăn bằng miệng, sau khi rút xông, các cô y tá nhỏ từng giọt sữa hoặc bón thìa cho trẻ với 1ml/bữa, 4 bữa/ngày. Tuy nhiên, có nhiều trẻ do không tiếp nhận được thức ăn nên trào ngược theo đờm dãi hoặc bụng trướng to, trẻ quay lại chu trình ăn qua xông. Cứ như thế, phải làm đi làm lại nhiều lần đến khi trẻ tiếp nhận được thức ăn. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng quyết định trẻ có thể khả năng sinh tồn.
Với các y, bác sĩ nơi đây, để cứu sống được những đứa trẻ sinh non vốn đã rất khó khăn nhưng giữ được đôi mắt cho các cháu cũng là thử thách không nhỏ. Trẻ đẻ non từ 32 tuần trở xuống và dưới 1,5 kg có nguy cơ rất cao bị mắc bệnh võng mạc. Nếu không khám và mổ điều trị kịp thời, trẻ sẽ vĩnh viễn hỏng mắt. Vì vậy, trẻ sau khi xuất viện vẫn được dặn dò tái khám định kỳ nhằm phát hiện kịp thời các triệu chứng để điều trị.
“Với tất cả trẻ sinh không đủ tháng trong quá trình điều trị đều phải đảm bảo đủ quy trình phòng chống và điều trị 7 yếu tố trên. Tùy từng thể trạng, bệnh cảnh của trẻ, thông thường phải điều trị từ 2,5-3 tháng. Khi đạt cân nặng 1,6-1,7 kg và có thể tự ăn đường miệng, không cần hỗ trợ đường thở, trẻ sẽ được xuất viện”, BS Lê Minh Trác, Trung tâm Chăm sóc sinh non cho biết.
>>>Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận