Ông George Blake - ảnh AP.
Thông tấn AP đưa tin, George Blake, một cựu sĩ quan tình báo Anh từng làm điệp viên hai mang cho Liên Xô và chuyển một số bí mật mà phương Tây thèm muốn nhất cho Moscow, đã qua đời tại Nga ở tuổi 98.
Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga, có tên gọi tắt là SVR, đã thông báo về cái chết của ông George Blake vào thứ Bảy trong một tuyên bố, trong đó không đưa ra bất kỳ chi tiết nào.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự chia buồn của mình, đồng thời ca ngợi George Blake là một “chuyên gia xuất sắc” và một người có “lòng dũng cảm đáng nể”.
Với tư cách là một điệp viên hai mang, George Blake đã vạch trần một kế hoạch của phương Tây nhằm nghe trộm thông tin liên lạc của Liên Xô từ một đường hầm ngầm ở khu vực Đông Berlin. Ông George Blake cũng tiết lộ hàng loạt điệp viên Anh ở các nước thuộc khối Liên Xô ở Đông Âu, một số người đã bị hành quyết.
Blake đã sống ở Nga kể từ khi vượt ngục táo bạo khỏi nhà tù ở Anh năm 1966 và được phong quân hàm đại tá tình báo Nga.
Nước Anh coi Blake là kẻ phản bội, nhưng bản thân người đàn ông này không bao giờ đồng ý với đánh giá đó và nói rằng ông chưa bao giờ thực sự “cảm thấy” là người Anh.
“Để phản bội, trước tiên bạn phải thuộc về. Tôi chưa bao giờ thuộc về nước Anh” - George Blake từng tuyên bố
Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển của Anh từ chối bình luận hôm thứ Bảy về cái chết của George Blake.
Sinh ra ở Hà Lan, Blake tham gia lực lượng tình báo Anh trong Thế chiến II. Ông được đưa đến Triều Tiên khi chiến tranh nổ ra ở đó vào năm 1950 và bị chính quyền Bình Nhưỡng giam giữ.
George Blake cho biết ông tình nguyện làm việc cho Liên Xô sau khi chứng kiến việc Mỹ ném bom không ngừng vào Triều Tiên.
Ông George Blake khi còn trẻ.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012 với nhật báo Rossiyskaya Gazeta của chính phủ Nga, George Blake đã chia sẻ một số chi tiết về “cuộc phiêu lưu mặc áo choàng và dao găm của mình”, bao gồm các cuộc gặp với một liên lạc viên Liên Xô ở Đông Berlin.
George Blake nói rằng mỗi tháng một lần ông đều phải đi tàu đến Đông Berlin, đảm bảo rằng mình không bị theo dõi, và đi xe hơi đến một căn hộ bí mật, nơi ông và người liên lạc của mình sẽ nói chuyện kèm theo một ly rượu vang sủi do Liên Xô sản xuất.
Một kẻ đào tẩu người Ba Lan đã tố cáo George Blake là gián điệp của Liên Xô vào năm 1961. George Blake sau đó bị kết tội làm gián điệp ở Anh và lĩnh án 42 năm tù. Vào tháng 10 năm 1966, George Blake đã thực hiện một cuộc vượt ngục táo bạo với sự giúp đỡ của một số người mà ông đã gặp khi bị giam giữ.
Blake đã dành hai tháng để ẩn náu tại nơi ở của người cưu mang và sau đó được đưa đi khắp châu Âu đến Đông Berlin bên trong một chiếc hộp gỗ gắn dưới gầm xe hơi.
Cựu điệp viên hai mang George Blake.
Người vợ người Anh của George Blake, người mà anh ta bỏ lại cùng với ba đứa con của họ, đã ly hôn với ông. Sau khi an toàn, George Blake kết hôn với một phụ nữ Liên Xô và họ có một con trai. Ông được tôn vinh như một anh hùng, được trao tặng những huy chương hàng đầu và được cấp một ngôi nhà kiểu nông thôn ở ngoại ô Moscow.
Ở Liên Xô, Blake duy trì liên lạc với các điệp viên hai mang khác của Anh. George Blake cho biết ông thường xuyên gặp Donald Maclean và Kim Philby, các thành viên của nhóm có tên gọi là “Cambridge Five”. George Blake từng nói rằng ông và Maclean là những người bạn đặc biệt thân thiết.
George Blake khi còn sống từ cho biết ông đã thích nghi tốt với cuộc sống ở Nga và từng nói đùa trong một cuộc họp với các sĩ quan tình báo Nga rằng ông giống như một “chiếc ô tô do nước ngoài sản xuất có thể thích nghi tốt với đường sá của Nga”.
“Ông ấy đã đóng góp thực sự vô giá trong việc đảm bảo tính ngang bằng chiến lược và gìn giữ hòa bình,” – Tổng thống Nga Putin nói trong bức điện chia buồn.
Năm 2017, ông Blake tuyên bố rằng Nga đã trở thành "đất mẹ thứ hai" của ông, và cảm ơn các sĩ quan SVR về tình bạn và sự hiểu biết của họ. George Blake nói rằng các sĩ quan tình báo Nga có sứ mệnh “cứu thế giới trong tình huống nguy cơ chiến tranh hạt nhân và hậu quả của việc nhân loại tự hủy diệt nhau một lần nữa”.
George Blake cho rằng tình huống nguy hiểm đó “đã được các chính trị gia vô trách nhiệm đưa vào chương trình nghị sự.”
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận