Âm nhạc

Cuộc đua bạc tỷ làm video, MV quảng cáo Tết

21/01/2021, 06:34

Sản xuất MV ca nhạc, phim ngắn, TVC, video viral... để chạy quảng cáo Tết cho các nhãn hàng đang được các nghệ sĩ đầu tư bài bản...

img

Suboi trong video quảng cáo “Không cản bước về nhà” của Pepsi

Xu hướng sản xuất MV ca nhạc, phim ngắn, TVC (Television Commercials), video viral (lan truyền, chia sẻ cảm xúc)... dùng để “chạy” quảng cáo Tết cho các sản phẩm tiêu dùng, nhãn hàng đang được các nghệ sỹ đầu tư bài bản không thua kém các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh chiếu trên mạng xã hội.

Cạnh tranh sòng phẳng trên mạng xã hội

Không còn là những nội dung quảng cáo nhàm chán, thậm chí có cái bị phản ứng là vô duyên, những dự án quảng cáo Tết gần đây, nội dung phong phú vừa mang tiếng cười hài hước, hóm hỉnh, lại chứa đựng những thông điệp rõ ràng, nhân văn.

Thậm chí, có sản phẩm còn vượt qua các sản phẩm âm nhạc, phim ngắn… leo lên top thịnh hành trên YouTube với hàng chục triệu lượt xem, bình luận.

Giá cát-xê của nghệ sỹ là vấn đề nhạy cảm nên gần như không đơn vị nào công khai. Tất nhiên, mức giá này phụ thuộc vào độ ảnh hưởng và sức lan tỏa của mỗi người nổi tiếng. Với sản phẩm chất lượng, nhãn hàng không ngại dốc hầu bao để đầu tư quảng cáo trước và trong Tết. Chiến lược này không chỉ dừng lại ở số lượng người xem, doanh thu sản phẩm mà còn là cách để xây dựng, khẳng định thương hiệu.
Chuyên gia truyền thông Hằng Nguyễn


Trong đó có thể kể đến các video: “Không cản bước về nhà” (Pepsi) có hơn 20 triệu lượt xem, “Chuyện cũ bỏ qua 3” (Mirinda) có hơn 30,5 triệu lượt xem, “Câu chuyện cuối năm” (Tiki) có 9,6 triệu lượt xem, “Sống như ý” (Generali Việt Nam) có hơn 30 triệu lượt xem, “Quốc tế dọn nhà” (Trà xanh không độ) hút hơn 20 triệu lượt xem, “Làm sao để Tết mở lòng?” (Lipton) có 3,5 triệu lượt xem, “Tết tới - Đón kiểu mới” (Lifebuoy) hút 1,5 triệu lượt xem…

Sau một năm kinh tế trầm lắng vì dịch Covid-19, điểm chung của các video quảng cáo Tết năm nay không còn nhấn vào những câu chuyện mua nước mắt mà tập trung khai thác tiếng cười vui vẻ, các trào lưu đang thịnh hành.

Đặc biệt, khi nhạc rap nở rộ, các nhãn hàng cũng nhanh tay bắt kịp xu hướng. Sự kết hợp “bình cũ rượu mới” này có thể nói là khá táo bạo khi đưa một câu chuyện truyền thống đã bao đời vào hơi thở hiện đại vô cùng trẻ trung tươi mới.

Nhiều clip như: “Sống như ý”, “Chuyện cũ bỏ qua 3” không chỉ gây xúc động về tình cảm gia đình, sự sum vầy ngày Tết mà còn lồng ghép những câu chuyện vui vẻ, tích cực.

Ngoài ra, các video này còn gợi nhớ những khoảnh khắc hài hước đặc trưng của ngày Tết: Sự lúng túng khi không thể nhớ ra tên của tất cả thành viên trong đại gia đình; bầy em thơ hóng bao lì xì; những câu hỏi “động chạm” đời tư thế hệ trẻ từ những người đi trước…

Nhiều năm hợp tác với các nhãn hàng, Huỳnh Lập liên tục thực hiện video hài Tết quảng cáo cho Omo, Highland thu về hàng chục triệu lượt xem. Đơn cử, video “Tết vậy chưa đủ đẹp sao má?” (2018) đạt 19,4 triệu lượt xem, lọt vào Top 3 quảng cáo Tết hay nhất (Best Tet ads 2018) theo nghiên cứu của Kantar Millward Brown Vietnam; Video “Làm dâu là hết Tết” (2019) thu hút hơn 11 triệu lượt xem sau 14 ngày ra mắt; Video “Tết ngưng cà khịa - Chuyện thêm bùi tai” (2020) đạt gần 5 triệu lượt xem. Năm nay, anh tiếp tục bắt tay với Lifebuoy thực hiện “Tết tới - Đón kiểu mới”, thu hút 1,5 triệu lượt xem sau một tuần công chiếu.

Ở cương vị nhà sản xuất, kiêm biên kịch, Huỳnh Lập thừa nhận, khi trào lưu làm video quảng cáo Tết nở rộ buộc anh và ê-kíp liên tục phải cập nhật, bắt kịp các trào lưu để “cài cắm” trong nội dung sao cho tinh tế, mềm mại nhưng vẫn truyền tải hết thông điệp của nhãn hàng.

Đây cũng là một trong những yếu tố giúp video quảng cáo Tết có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm nghệ thuật khác. “Chẳng hạn, trào lưu “cà khịa” hay lối sống cách ly mùa dịch Covid-19… đều được tôi lên ý tưởng cho các sản phẩm quảng cáo Tết”, nam đạo diễn nói.

Mạnh tay vung bạc tỷ

img

Trúc Nhân - Ricky Star bắt tay trong MV “Chuyện cũ bỏ qua 3”

Theo thống kê của Google năm 2018, lượng tìm kiếm nội dung của người Việt dịp Tết trên YouTube tăng dần theo năm, trung bình 12 - 13%.

Năm nay, các tìm kiếm liên quan đến Tết trên Youtube tăng gấp 8 lần, với việc mọi người tìm kiếm nhiều hơn các video liên quan đến giải trí, ẩm thực và nghi lễ trong những tuần trước khi kỳ nghỉ diễn ra (Số liệu thu thập từ Google Trends giai đoạn từ tháng 8/2019 - 7/2020).

Do đó, tính cạnh tranh giữa chiến dịch quảng cáo Tết của các đơn vị dự kiến sẽ còn tăng cao, tạo điều kiện cho nhiều sản phẩm quảng cáo Tết xuất hiện độc, lạ hơn nữa.

Năm nay giới “nhà giàu” như Pepsi, chi mạnh tiền mời dàn KOL (người có ảnh hưởng) là các nghệ sỹ tham gia quảng cáo như: Karik, Suboi, Wowy, Ricky Star… Dù không tiết lộ cát-xê cụ thể, nhưng theo một số chuyên gia truyền thông, ít nhất nhãn hàng phải chi hàng trăm triệu đồng cho mỗi hợp đồng mời nghệ sỹ nổi tiếng đóng quảng cáo Tết. Đó còn chưa kể chi phí sử dụng hình ảnh người nổi tiếng sau video quảng cáo.

img

Đo lường của Google, “quảng cáo Tết” trở thành xu hướng tìm kiếm tăng đột biến trong 7 ngày gần đây

Nhiều năm làm việc trong ngành quảng cáo, chuyên gia truyền thông Hằng Nguyễn nhận định, trong vài năm trở lại đây, hình thức, nội dung quảng cáo không còn rập khuôn, xa rời thực tế.

Tết là thời điểm các thương hiệu, nhãn hiệu tung ra các mẩu quảng cáo tạo sức cạnh tranh rất lớn. Để nổi bật, cần đầu tư vào kịch bản và tận dụng năng lực, tên tuổi của các nghệ sỹ, đề ra các kế hoạch marketing riêng, phù hợp.

Tuy nhiên, bà Hằng Nguyễn cho rằng, không có một công thức chung, hay mức giá chung cho các video quảng cáo Tết. “Nhìn chung, ngoài cát-xê cho nghệ sỹ, doanh nghiệp còn phải chi tiền cho kịch bản, thuê thiết bị và đội ngũ sản xuất video.

Sau đó, tiếp tục bỏ tiền để quảng bá trên các phương tiện truyền thông. Tổng chi phí sản xuất dao động từ vài chục triệu đồng đến hàng tỷ đồng”, bà Hằng Nguyễn nói.

Đồng quan điểm, đạo diễn Huỳnh Lập thừa nhận, để quay vài phút hoặc vài chục phút cho các TVC, clip viral… quảng cáo chỉ kéo dài trong một ngày. Nhưng, kinh phí và công sức bỏ ra có khi gấp nhiều lần so với một MV ca nhạc.

“Kinh phí cho một sản phẩm quảng cáo phụ thuộc nhiều vào gương mặt đại diện và kịch bản sản xuất. Chẳng hạn, “Tết này chưa đủ đẹp sao má” (2018) với bối cảnh trường quay, ít diễn viên chỉ mất 8 - 10 tiếng để hoàn thành. Nhưng, “Sao lại ăn Tết?” (2019) với hàng chục diễn viên, bối cảnh mở, đạo cụ cầu kỳ… chúng tôi bắt đầu từ tờ mờ sáng hôm trước đến 4h sáng hôm sau mới đóng máy”, đạo diễn, diễn viên Huỳnh Lập nói và cho hay, kinh phí là yếu tố rất quan trọng nhưng không phải là cái quyết định thành công của sản phẩm quảng cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.