Đua nhau lỗ, “đốt” hàng chục ngàn tỷ đồng
Chị Nguyễn L.C (trú tại Hà Nội) là người có kinh nghiệm bán hàng mỹ phẩm online mấy năm nay. Sau khi bán hàng trên Facebook, chị C. đăng ký với đại diện Shopee để bán hàng thêm trên website này. Chị C. cho biết, doanh số bán hàng tăng lên rõ rệt, lợi nhuận cũng rất khá vì Shopee có rất nhiều ưu đãi cho đối tác bán hàng.
“Một số sàn khác yêu cầu phải là pháp nhân mới được đăng ký nhưng Shopee thì không cần. Giao diện đẹp và lượt tương tác trên Shopee cũng rất tốt, tiền về tài khoản nhanh, không thu phí thuê gian hàng. Mình chỉ cần đăng các sản phẩm, khách đặt hàng sẽ có mã đơn, shipper (người giao hàng - PV) tự đến nhà lấy hàng mang đi cho khách nên không mất tiền kho bãi gì cả...”, chị C. liệt kê nhiều chính sách ưu đãi cho đối tác mà chị đang được hưởng.
Từ 1/4, chị C. sẽ phải trả phí cho Shopee là 1% trên hóa đơn bán hàng. “1% mình thấy vẫn thoải mái vì họ còn hỗ trợ cả tiền ship cho khách, mỗi khách được miễn phí 3 lượt đầu đặt hàng, sau đó còn tặng voucher (phiếu đã thanh toán trước - PV) lên tới 40 nghìn đồng, tiền ship vượt số này sẽ được trừ ngay, rất tiện”, chị C. nói khi so sánh với một số sàn thương mại điện tử khác.
Hiện nay, trong cuộc chiến tranh giành thị phần, các sàn thương mại điện tử đều dành nhiều ưu đãi cho cả khách hàng và đối tác. Cuối năm 2018, tại “Đại tiệc đối tác Tiki 2018”, ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của Tiki đã chia sẻ rằng Tiki đã đơn giản quy trình đăng ký đối tác chỉ trong vòng 48 giờ. Khi đã trở thành đối tác, Tiki sẽ hỗ trợ gian hàng online, truyền thông online, hiển thị tại vị trí nổi bật trên trang chương trình, giúp tăng lượng truy cập vào gian hàng và tăng doanh số bán hàng. Thậm chí, đối tác còn được gửi hàng vào kho Tiki để giảm tối đa tỉ lệ hủy vào mùa cao điểm.
Ông Sơn cũng cho biết, Tiki có nền tảng công nghệ, hệ thống trung tâm xử lý đơn hàng phạm vi toàn quốc, có hệ thống kho hàng tại 6 tỉnh, thành lớn gồm: TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang và Cần Thơ. Do đó, Tiki đã cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh TikiNOW trong 2 tiếng tại các thành phố lớn nói trên, thanh toán chưa đến 6 ngày... Giám đốc Điều hành của Tiki cho rằng, đây chính là lợi thế về điểm bán hàng độc đáo mà chỉ những đối tác bán hàng của Tiki mới có cơ hội tận dụng để phát triển kinh doanh.
Không chỉ Shopee, Tiki, các sàn thương mại điện tử đều đang hỗ trợ khách hàng và đối tác với những chính sách hết sức hấp dẫn như đề cập ở trên. Nhờ vậy, theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp thương mại điện tử đang có hàng nghìn đối tác, nhà bán hàng. Riêng Lazada đã có trên 50.000 nhà bán hàng và đối tác. Hàng tháng, trang bán hàng của Lazada thu hút trên 100 triệu lượt người truy cập, đến nay có khoảng 30 triệu người theo dõi trên trang Facebook công ty. Đến cuối năm 2018, Tiki đã thu hút hơn 10.000 thương hiệu chính hãng cùng hơn 1.000.000 sản phẩm.
Nhưng cũng chính những chính sách hỗ trợ nói trên, chi phí mà các doanh nghiệp này phải bỏ ra là vô cùng lớn trong cuộc chạy đua giành khách hàng và thị phần. Shopee đến hết năm 2018 lỗ hơn 1.900 tỷ đồng (gấp hơn 3 lần năm 2017). Trước đó, ngay sau khi ra mắt vào tháng 8/2016, Shopee đã lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, mức lỗ tăng lên 600 tỷ đồng.
Không chịu “thua” trong cuộc “đua lỗ”, Tiki lỗ gần 760 tỷ đồng năm 2018. Trước đó, đến cuối năm 2016, Tiki đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế gần 308 tỷ đồng và nâng khoản lỗ lên gần 600 tỷ đồng đến cuối năm 2017.
“Chịu chơi” nhất là Lazada khi lỗ liên tiếp 1.000 tỷ đồng chỉ trong 2 năm 2015-2016. Tính đến cuối năm 2016, lỗ luỹ kế của doanh nghiệp này lên đến 2.700 tỷ đồng. Năm 2017, mức lỗ của Lazada được tính toán vượt 1.000 tỷ đồng và đến nay, lỗ luỹ kế của “đại gia” thương mại điện tử này có thể lên 4.000 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ riêng 3 tên tuổi hàng đầu trên thị trường thương mại điện tử kể trên, đã “đốt” khoảng 8.000 tỷ đồng trong cuộc đua giành thị phần. Nếu tính thêm khoản lỗ của một số sàn như: Adayroi, Sendo và một số doanh nghiệp đã phải ngậm ngùi rời thị trường này trước đó, mức lỗ luỹ kế lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng…
Thống lĩnh kênh phân phối online
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, một chuyên gia trong lĩnh vực thuế nhìn nhận, ngành thuế quản lý, thanh tra trên cơ sở rủi ro. Khi doanh nghiệp liên tục mở rộng quy mô và doanh thu cao nhưng lợi nhuận quá thấp hoặc không có lợi nhuận nhiều năm liên tục sẽ được phân loại xem có thuộc trường hợp chuyển giá, liên kết hay không. “Bộ lọc” phân loại là một hệ thống các tiêu chí tính toán tự động chứ không phải cán bộ thuế ngồi tính”, vị này nói.
Đối chiếu với câu chuyện lỗ của các đại gia thương mại điện tử ở trên, vị chuyên gia cho rằng rất có thể không phải là vì làm ăn phát đạt mà vẫn báo lỗ để chuyển giá mà có thể dưới góc độ đầu tư để chiếm lĩnh thị phần dần đi đến vị trí thống lĩnh thị trường.
Nói về con số lỗ hàng trăm thậm chí hàng ngàn tỷ đồng của các đại gia thương mại điện tử, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng đây là câu chuyện kinh doanh thời kinh tế số. Ông Hưng lý giải, thương mại điện tử xóa nhòa ranh giới không gian và thời gian. Một người bán hàng trực tuyến có thể bán hàng đi khắp thế giới, chi phí để phục vụ một khách hàng mới ngày càng giảm. “Nhưng khi đó, sự cạnh tranh trong bán hàng trực tuyến cũng rất cao. Do đó, quy mô của công ty bán hàng trực tuyến đòi hỏi rất lớn mới phát huy hiệu quả. Nói cách khác, thị phần của họ phải rất cao”, Chủ tịch VECOM nói.
Vì vậy, ông Hưng cho rằng bất cứ doanh nghiệp thương mại điện tử nào cũng mong muốn đạt được quy mô thị trường thật lớn và họ phải đầu tư để tạo dựng thị trường. Để đạt được điều đó, các doanh nghiệp này phải chấp nhận thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, quảng cáo, đầu tư công nghệ… nhằm đạt được mục đích là đứng đầu thị trường và chấp nhận những khoản lỗ ban đầu rất lớn đó. “Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên về điều này”, Chủ tịch VECOM nói thêm.
Sau khi thống lĩnh thị trường, điều gì sẽ xảy ra? Quay trở lại với các doanh nghiệp thương mại điện tử, được Rocker Internet thành lập năm 2012, Lazada đã trở thành hãng thương mại điện tử lớn ở khu vực Đông Nam Á khi hoạt động tại 6 thị trường trọng điểm là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Khi Alibaba vươn ra thâu tóm Lazada, Bloomberg đã đưa tin Alibaba mở rộng thị trường thương mại điện tử sang khu vực Đông Nam Á nhằm tìm cách bán được nhiều hàng hơn tại thị trường ngoài Trung Quốc. Vì thế, có nhiều lo ngại cho hàng Việt, cho các doanh nghiệp nội khi thống lĩnh khâu phân phối, bán lẻ trên thị trường thương mại điện tử này là các “đại gia” ngoại.
Tiki tham vọng thống lĩnh ngành logistics
Khi Tiki kí hợp tác với Unidepot để thiết lập 10.000m2 kho bãi, phục vụ cho việc xây dựng trung tâm vận hành mới tại huyện Nhà Bè (TP HCM) hồi đầu tháng 6 năm nay, ông Trần Ngọc Thái Sơn cũng thẳng thắn chia sẻ về thông tin lỗ lũy kế 1.200 tỷ đồng chỉ trong 3 năm. Theo ông Sơn, đây đều là những khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hệ thống vận hành, kho bãi của Tiki. Với khởi điểm chỉ 100m2, đến nay, Tiki đang sở hữu hơn 30.000m2 kho bãi. Trong ngắn hạn từ 6-8 tháng tới, Tiki kỳ vọng nâng lên thành 100.000m2 và mục tiêu là 300.000m2 kho bãi khi tìm được đối tác. Mục tiêu xa hơn của Tiki là trở thành đơn vị hàng đầu trong việc cung cấp dịch vụ supply chain (chuỗi cung ứng - PV) không chỉ trong ngành thương mại điện tử mà còn trong toàn ngành logistics Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp bị “cháy” trong cuộc đua “đốt tiền”
Sau khi Thegioididong đóng cửa sàn thương mại điện tử Vuivui hồi tháng 12 năm ngoái, ngày 27/3/2019, Robins.vn (tiền thân là Zalora Vietnam) cũng bất ngờ thông báo dừng hoạt động bán hàng trực tuyến. Trước đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng phải ngậm ngùi rút khỏi thị trường như Beyeu.com, Deca.vn, Lingo.vn… Trên website của mình, Beyeu.com thậm chí còn “trăng trối”: “Kinh doanh thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp sẽ quyết định ngưng đốt tiền. Chúc may mắn cho những ai còn đang cố gắng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận