Trung Quốc hiện đang dẫn đầu về số lượng các công ty ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và vẫn không ngừng chi những khoản đầu tư có tính mạo hiểm vào ngành này. Điều này gây ra mối quan ngại ở Mỹ rằng, Washington đang thua trong cuộc đua giành quyền thống trị về lĩnh vực AI trên quy mô toàn cầu trước đối thủ Bắc Kinh.
Sự bùng nổ của ứng dụng AI “Made in China”
Những mối quan ngại từ Washington không hoàn toàn là vô căn cứ. Theo báo cáo năm 2018 về sự phát triển trong lĩnh vực AI Trung Quốc của Đại học Thanh Hoa, quốc gia này đã đứng vị trí hàng đầu về AI trong cả phát triển công nghệ và các ứng dụng thương mại.
Trung Quốc cũng là quốc gia đứng ở vị trí số 1 về thứ hạng sở hữu số lượng tài liệu nghiên cứu, bằng sáng chế liên quan đến AI và đứng thứ hai về quy mô nơi các nhóm tài năng AI bùng nổ và phát triển.
Bài viết mới đây trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đã chỉ ra 3 động lực chính của sự tiến bộ nhanh chóng ngành AI của Trung Quốc.
Đầu tiên phải kể đến chính là nhờ hệ thống phân cấp quản lý từ Trung ương tới địa phương của nước này. Tất cả từ trên xuống dưới đều ưu tiên đầu tư nguồn lực vào phát triển các ngành sản xuất công nghệ cao, trong đó có AI.
Các tỉnh, thành trên khắp lãnh thổ Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho các công ty khởi nghiệp AI. Trong đó, thành phố cảng Thiên Tân là một điển hình. Thiên Tân đã dành ra khoản ngân quỹ tương đương 16 tỷ USD vào năm 2018 để thúc đẩy phát triển ngành AI địa phương.
Thứ hai, quy mô lớn của nền kinh tế Trung Quốc cho phép các công ty, đặc biệt trong lĩnh vực AI, nhanh chóng mở rộng quy mô. Trung Quốc hiện có hơn 800 triệu người dùng internet, chiếm khoảng 58% tổng dân số đất nước và lớn gấp 3 lần số người dùng internet ở Mỹ. Điều này giúp quốc gia đông dân nhất thế giới tiến hành ứng dụng các thuật toán trên diện rộng và thử nghiệm chúng nhanh hơn nhiều so với các nước phương Tây.
Ngoài ra, người Trung Quốc cũng thoải mái hơn trong việc chia sẻ dữ liệu riêng tư so với người phương Tây, giúp các nhà phát triển AI có thể trích xuất lượng lớn dữ liệu, từ đó sớm đạt được các mô hình chính xác hơn trong các lĩnh vực như nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng giọng nói và cử chỉ, phân tích hành vi người dùng cũng như hỗ trợ các công nghệ tự động hóa.
Thứ ba, đó chính là hình mẫu tư duy “tại sao không phải là tôi” của các doanh nhân Trung Quốc, những người muốn chứng tỏ rằng họ cũng có thể thành công như các đồng nghiệp phương Tây.
Hiện, Trung Quốc đang dẫn đầu về số lượng các công ty ứng dụng AI và quỹ đầu tư mạo hiểm. Năm 2018, Tencent đã đầu tư khoảng 120 triệu USD vào UBTECH Robotics, công ty sản xuất robot mô phỏng con người có trụ sở tại Thâm Quyến.
Trong khi đó, Baidu, doanh nghiệp tư nhân không chỉ đầu tư 1,5 tỷ USD vào Quỹ Apollo cho xe tự lái, mà còn đổ tiền vào xây dựng hệ thống dịch thuật sử dụng AI, với thử nghiệm đạt độ chính xác cao hơn cả trí tuệ và khả năng của con người.
Mặt khác, các công ty khởi nghiệp (startup) Trung Quốc đang tạo ra giá trị to lớn. Trong số đó, UBTECH Robotics hiện có giá trị cao nhất thế giới, ở mức 5 tỷ USD. Còn ByteDance, công ty phát triển nền tảng nội dung tin tức dựa vào AI Toutiao và nền tảng video ngắn TikTok đã tăng 230% doanh thu trong 2 năm qua.
Mỹ - Trung có thể hợp tác?
Trong khi người Trung Quốc có xu hướng đi theo các ứng dụng của công nghệ AI, các nước phương Tây đang tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu khoa học và cơ sở hạ tầng đi theo AI.
Các nghiên cứu như vậy thường sẽ mất nhiều thời gian và rủi ro hơn so với việc đạt được kết quả trong các ứng dụng thương mại.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy điều này cũng bắt đầu thay đổi. Chính phủ Trung Quốc đang lên kế hoạch hỗ trợ cho giáo dục, nghiên cứu và phát triển AI.
Một trong những dự án mới được triển khai ở nước này có tên “Kế hoạch phát triển AI thế hệ tiếp theo” đã được khởi động nhằm đưa lý thuyết cơ bản về AI vào giáo dục.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Liệu có nên đơn giản hóa việc chỉ tập trung vào người chiến thắng trong cuộc đua giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực AI hay không? Bởi đây là một cuộc đua có tổng bằng 0, đặc biệt là khi hai siêu cường này đã coi nhau như đối thủ cạnh tranh chiến lược và thừa nhận họ chính là các mối đe dọa của nhau.
Theo nhận định của ông Edward Tse, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Tư vấn Gao Feng, Chủ nhiệm Phòng thí nghiệm AI Gao Feng-Tech Mahindra tại Thượng Hải, trong khi giữa Mỹ và Trung Quốc tồn tại ý thức cạnh tranh lớn, cũng có rất nhiều thứ có thể hợp tác.
“Trong thế giới kết nối, chúng ta cần sự cân bằng để giải quyết các vấn đề vượt ra khỏi ranh giới quốc gia, trong đó có cả vấn đề phát triển và quản trị lĩnh vực AI”, ông Edward nói.
Cụ thể, đã có một số sự hợp tác trong lĩnh vực AI giữa các nhà nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc như việc Tập đoàn Baidu được tham gia vào tổ chức do các doanh nghiệp của Mỹ như: Amazon, Google, Facebook thành lập từ năm 2018.
Điều này cho thấy liên minh các công ty Mỹ đã nhận ra tầm quan trọng của việc thảo luận toàn cầu xung quanh tương lai của AI. Thực tế này cũng cho thấy mong muốn dẹp bỏ các cuộc chạy đua căng thẳng.
Theo ông Edward, Trung Quốc và Mỹ cần tập trung nhiều hơn vào những điểm tương đồng và mục tiêu chung để thế giới ngày càng phát triển hơn nữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận