Thế giới giao thông

Cuộc đua trợ cấp sản xuất máy bay không có hồi kết

04/10/2017, 11:05

Vụ việc Boeing kiện Bombardier nhận trợ cấp chính thức đẩy quan hệ thương mại giữa 2 đối tác thương mại chiến lược...

28

Sản xuất máy bay là ngành tạo ra rất nhiều việc làm lương cao đặc biệt là trong khâu thiết kế, kỹ thuật và sản xuất

Dư luận thế giới lại chứng kiến việc chính quyền Brasil kiện Bombardier lên WTO vì vấn đề tương tự. Trước đó, Boeing và Airbus kiện tụng lẫn nhau về trợ cấp chính phủ và đến nay vẫn chưa tỏ tường…

Không nước nào không trợ cấp

Trong một bài viết đăng tải ngay sau khi Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) ra phán quyết về vụ Boeing kiện Bombardier, tờ CBC (Canada) dẫn lời các chuyên gia khẳng định: “Tất cả các nước có ngành hàng không vũ trụ đều phải trợ cấp ngành này”. Cả Boeing (Mỹ) và Bombardier (Canada) đều nhận được trợ cấp rất cao ở cấp Nhà nước và cấp địa phương.

CBC dẫn lời Giáo sư Ian Lee đến từ Khoa Thương mại (Đại học Carleton) cho biết: Bốn công ty sản xuất máy bay Boeing, Airbus, Bombardier và Embraer đều nhận trợ cấp hào phóng từ 4 nước mà các công ty này đặt trụ sở. Ông Lee cho rằng, nhiều nước trợ cấp nhưng che đậy bằng các hình thức khác nhau.

Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington có tên “Good Job Firsts” gần đây đã công bố một báo cáo “Theo dõi trợ cấp”, trong đó liệt kê tài liệu về các khoản trợ cấp của chính phủ đối với các tập đoàn lớn. Báo cáo cho thấy, không có công ty nào thành công trong kêu gọi trợ cấp chính phủ liên bang và bang để hỗ trợ hoạt động như Tập đoàn Boeing.

Tờ báo CBC cho rằng, năm 2003, Boeing bất ngờ công khai ý định sẽ rời bỏ TP Seatle và bang Washington - nơi gần như gắn liền với cái tên Boeing. Ý tưởng này đã bị hủy bỏ sau khi bang Washington đưa ra một khoản tiền hỗ trợ đủ để níu chân Boeing, ước tính 3,2 tỉ USD trong 20 năm.

Cùng lúc, Boeing mời nhiều bang khác đưa ra các gói hỗ trợ phát triển để họ chuyển hoạt động tới đó. Ít nhất 21 bang cạnh tranh nhau đưa ra các chính sách khuyến khích mặc dù một số bang nghi ngờ rằng, cuộc cạnh tranh này chỉ là chiến lược của Boeing để gây áp lực kêu gọi tài trợ thêm nữa từ Washington.

Tờ báo Canada dẫn lời các nhà quan sát trong ngành cho biết, Boeing đã nhận được nhiều khoản hỗ trợ chính phủ được trá hình dưới nhiều hình thức khác như: Tín dụng thuế thu nhập, miễn trừ thuế kinh doanh; quỹ bang để đào tạo lực lượng lao động; miễn phí hoặc giảm thuế đất, thuê hạ tầng; quỹ phát triển và nghiên cứu...

Trong khi đó, tại Canada, chính quyền tỉnh Quebec đã chi 1 tỉ USD để giúp Bombardier ra mắt dòng máy bay mới, dù kế hoạch này bị chậm so với dự tính và ngân sách chi bị đội lên 2 tỉ USD.

Cuộc đua không hồi kết

Sở dĩ chính phủ các nước dẫu có phải "thắt lưng buộc bụng" ở các khoản khác nhưng vẫn trợ cấp mạnh tay vào ngành hàng không vũ trụ, đặc biệt là ngành sản xuất máy bay vì đây không chỉ là vấn đề liên quan tới thương mại mà còn là chính trị, thậm chí còn trở thành “cuộc đua trợ cấp”. Ngành công nghiệp này tạo ra rất nhiều việc làm lương cao trong ngành thiết kế, kỹ thuật và sản xuất; đồng thời, cũng tạo nên hình ảnh và thương hiệu cho đất nước.

Mặt khác, các vụ kiện tụng liên quan tới trợ cấp chính phủ với ngành hàng không thương mại nối đuôi nhau không hồi kết. Phần vì chưa có quy định rõ ràng về mức độ/hình thức trợ cấp. Theo một báo cáo của Tổ chức OECD, hiện chưa có căn cứ pháp luật nào về vấn đề trợ cấp trong ngành hàng không vũ trụ mà chỉ đơn giản là các nước chấp nhận một định nghĩa chung từ các ngành khác.

Chẳng hạn, Hiệp định chung về thuế quan mậu dịch có các cơ sở pháp lý định nghĩa về trợ cấp là gì đối với các sản phẩm thương mại quốc tế, nhưng lại không nhắc đến trợ cập trong ngành hàng không vũ trụ.

Trước vụ lùm xùm giữa Bombardier - Boeing, Viện Kinh tế Montreal (MEI) cho rằng: Những sự vụ đau đầu như vậy hoàn toàn có thể tránh được nếu có một hiệp ước quốc tế mới nhằm ngăn chặn “cuộc đua trợ cấp” trong ngành hàng không toàn cầu.

Theo MEI, thế giới có bản ghi nhớ trong ngành hàng không (ASU) để hạn chế hỗ trợ chính phủ vào ngành này được ký kết lần đầu tiên năm 1986, nhưng hiệu quả tương đối hạn chế và cần phải sửa đổi bổ sung để đưa ra các hướng dẫn rõ ràng về các loại bảo trợ của chính phủ đối với ngành này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.