Việc Ấn Độ đầu tư xây dựng và phát triển Chabahar (Iran) được cho là nền tảng phát triển kinh tế và tăng trưởng của khu vực |
Đã nhiều tháng kể từ khi Ấn Độ cam kết đầu tư 500 triệu USD xây dựng và phát triển cảng biển Chabahar (Iran), đến nay, cảng biển này vẫn im lìm, và chỉ là cái bóng so với cảng biển Gwadar cách đó khoảng 100km mà Trung Quốc xây dựng cho nước láng giềng Pakistan.
Hành lang hòa bình và thịnh vượng
Trong chuyến thăm Iran ngày 23/5 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên đã chính thức ký hợp đồng xây dựng cảng biển Chabahar. Theo đó, Ấn Độ sẽ đầu tư 500 triệu USD để phát triển cảng Chabahar cho Iran. Việc đầu tư xây dựng và phát triển cảng biển này là nền tảng cho việc phát triển kinh tế và tăng trưởng của khu vực.
Việc xây dựng và vận hành cảng Chabahar chiến lược sẽ giúp Ấn Độ có chỗ đứng ở Iran và có thể tiếp cận với Afghanistan, Nga và châu Âu. Khoảng cách giữa cảng Kandla ở bang Gujarat (Ấn Độ) tới cảng Chabahar còn ngắn hơn khoảng cách từ New Delhi tới Mumbai; Do đó, thỏa thuận này sẽ giúp Ấn Độ vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, trước hết là sang Iran, sau đó là sang Afghanistan và Nga thông qua một kết nối đường sắt và đường bộ mới. Từ Chabahar, Ấn Độ có thể tiếp cận Afghanistan mà không cần đi qua hành lang bất ổn ở nước láng giềng Pakistan thông qua mạng lưới đường bộ của Iran và quốc lộ Zaranj-Delaram mà trước đó Ấn Độ đã giúp Afghanistan xây dựng. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi còn mô tả thỏa thuận Chabahar là một hành lang của hòa bình và thịnh vượng cho dân tộc, ngoài ra nó còn giúp củng cố vị thế của Ấn Độ trong khu vực.
Đối với Iran, khi dự án hoàn thành, nước này sẽ có một cảng biển lớn bên ngoài eo biển Hormuz và nó sẽ thúc đẩy tăng trưởng khu vực phía Đông nghèo khó của Iran. Còn Afghanisran có thể tận dụng tuyến đường bộ và đường sắt kết nối tới cảng nước sâu Chahabar để thúc đẩy nền kinh tế vốn bị tàn phá vì chiến tranh.
Chuyên gia Tanvi Madan ở Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ) nhận định, động cơ chính của Ấn Độ khi ký thỏa thuận Chabahar là kinh tế và chiến lược nhưng cũng là nhằm vào Trung Quốc. Bắc Kinh đầu tư mạnh để phát triển cảng Gwadar tại tỉnh Balochistan (Pakistan), nơi cách Chabahar không xa. Theo dự kiến, cuối năm 2016 cảng Gwadar sẽ đi vào hoạt động và sẽ có khoảng một triệu tấn hàng hóa vận chuyển qua đây vào năm 2017.
Bất đồng thuế khiến dự án đình trệ
Tuy nhiên, thay vì đẩy mạnh tốc độ triển khai dự án để không thua kém so với Trung Quốc trong xây dựng cảng biển và khẳng định vị thế ở khu vực Nam Á, thì Ấn Độ lại đang chậm trễ trong dự án Chahabar. Trên thực tế, mặc dù mới chính thức ký kết hợp đồng hồi tháng 5, nhưng dự án phát triển cảng biển Chahabar đã được hai bên nhất trí cách đây gần 13 năm.
Bất chấp tầm quan trọng của dự án, Ấn Độ và Iran vẫn bất đồng về việc ai sẽ chi 30 triệu tiền thuế nội địa đối với các thiết bị cảng biển nhập khẩu vào Iran. Ông Mosadeghi, Tham tán phụ trách vấn đề kinh tế của Đại sứ quán Iran ở New Delhi cho biết, sự chậm trễ của dự án đến từ những điều nhỏ nhặt. Cả hai phía đều chưa thể giải quyết xong vấn đề này.
Trong khi đó, Shashi Tharoor, nghị sỹ đảng đối lập trong Quốc hội, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Ấn Độ cho rằng: “Với việc Trung Quốc và Pakistan đang hợp tác xây dựng cảng biển Gwadar cách đó không xa, Ấn Độ càng không thể trì hoãn hay lơ là dự án cảng biển Chahabar quan trọng này”.
Nhà phân tích Sameer Patil, thuộc Tổ chức nghiên cứu Gateway House có trụ sở tại Mumbai cho rằng, đang có một cuộc đua trong khu vực, cụ thể là giữa Ấn Độ và Trung Quốc. “Tuy nhiên, thực tế là những gì mà Trung Quốc tuyên bố trong khu vực đã đi từ cam kết đến hiện thực, còn phía Ấn Độ thì cam kết vẫn chỉ đang dừng lại ở cam kết. Rõ ràng là có vấn đề gì đó ở những cam kết của Ấn Độ với nước ngoài. Dường như những cam kết của Thủ tướng đang khiến các bên cảm thấy khó có thể tiến hành”, ông Patil nói. Còn Zheng Ke, một doanh nhân Trung Quốc 37 tuổi, đang làm việc tại Chahabar thậm chí còn cho rằng: “Phía Iran nên ký hợp đồng với phía Trung Quốc, nếu vậy thì đến giờ có lẽ họ đã khánh cảng biển Chahabar”.
Một khi được xây dựng, Chahabar có thể đón các tàu chở hàng lớn và Iran không cần phải phụ thuộc vào các cảng biển của Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) để làm điểm trung chuyển bốc dỡ hàng hóa từ các tàu lớn sang các tàu nhỏ hơn. Dự án này cũng sẽ giúp Iran giảm thiểu nguy cơ bị ngắt quãng trong vấn đề thông thương qua eo biển Hormuz. Nếu eo biển Hormuz - nút cổ chai vận chuyển hàng hóa ở vùng Vịnh, bị phong tỏa do sự thù địch trong khu vực, thì cảng Chahabar có thể là điểm duy nhất kết nối Iran với thế giới bên ngoài.
>>> Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận