HLV Park Hang-seo kể về kỷ niệm làm việc tại Việt Nam
Cùng tham dự cuộc gặp có các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam, lãnh đạo Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đại diện các tổ chức, như Hội Hữu nghị Hàn - Việt, Hội Những người Hàn Quốc yêu Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, huấn luyện viên bóng đá Park Hang-seo…
Tại cuộc gặp, ông Park Hang-seo, nguyên huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam chia sẻ về những kỷ niệm khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam và quan hệ giữa hai nước.
Ông Park nhớ lại những chiến thắng của đội tuyển Việt Nam không chỉ là niềm vui của người hâm mộ Việt Nam, mà còn là niềm vui của người dân Hàn Quốc.
Bóng đá đã đóng vai trò cầu nối, thúc đẩy hiểu biết giữa hai dân tộc, hình thành những mối liên kết vượt ra ngoài bóng đá.
Nguyên huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực góp phần kết nối hai nền văn hóa, hai đất nước, nhân dân hai nước.
Còn ông Ahn Kyong-Hwan, Hiệu trưởng đối ngoại Trường Đại học Nguyễn Trãi (nguyên Chủ tịch Hội Nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc) chia sẻ đã dịch "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Minh, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, "Bình ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi, hồi ký "Những năm tháng không thể nào quên" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, "Nhật ký Đặng Thùy Trâm".
Khi nói về tinh thần, ý chí quật khởi của người Việt Nam, vị hiệu trưởng người Hàn Quốc cũng trích dẫn hai câu thơ: "Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong" trong bài "Cảm tưởng đọc thiên gia thi" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với tình yêu văn thơ Việt Nam, ông Anh cho biết, sắp tới, ông tiếp tục dịch "Hịch tướng sĩ" của Trần Hưng Đạo sang tiếng Hàn.
Xúc động trước tình cảm gần gũi của những người bạn Hàn Quốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động trước tình cảm của những người bạn rất đỗi gần gũi, thân thiết của nhân dân Việt Nam.
Điểm lại quan hệ hai nước, Thủ tướng nhắc lại tình hữu nghị và sự kết nối giữa Việt Nam và Hàn Quốc được khởi nguồn từ thế kỷ XII khi hai dòng họ Lý là Lý Hoa Sơn và Lý Tinh Thiện của Việt Nam nhập cư vào Triều Tiên đã sớm hội nhập vào cộng đồng cư dân Hàn Quốc và nhiều thành viên của hai dòng họ đã có những đóng góp, cống hiến trong lịch sử Hàn Quốc.
Trải qua thăng trầm và đột phá của lịch sử, ngày 22/12/1992, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra chương mới trong quan hệ hai nước với tinh thần "khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai".
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ủng hộ, ngưỡng mộ và mong muốn học tập kinh nghiệm, những thành quả mà đất nước, nhân dân Hàn Quốc đạt được trong những thập kỷ qua, trở thành đất nước phát triển trong thời gian ngắn.
Trong hơn 30 năm qua, "quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ, toàn diện, hiệu quả, có lợi cho hai đất nước, hai dân tộc và người dân hai nước", Thủ tướng nói.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trong bối cảnh những vấn đề toàn cầu, toàn dân đều tác động tới mọi quốc gia, mọi người dân, mà Covid-19 là một ví dụ điển hình, hơn lúc nào hết, cần cách tiếp cận toàn cầu, phát huy đoàn kết, thống nhất, đề cao chủ nghĩa đa phương, đồng thời có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, không ai bị bỏ lại phía sau.
"Đã yêu quý rồi thì yêu quý hơn nữa"
Ông dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công"; "Biết đồng sức, biết đồng lòng, việc gì khó, cũng làm xong' để khẳng định đoàn kết, thống nhất giữa hai nước là rất quan trọng và ngạn ngữ của dân tộc Hàn Quốc: "Đồng sức, đồng lòng, thắng cả trời cao", người đứng đầu Chính phủ cho rằng điều này giúp chúng ta vượt qua khó khăn, thách thức, đây là tài sản quý giá cần phát huy tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Hàn Quốc và mong muốn đưa hợp tác hai nước tiếp tục có bước chuyển thực chất, hiệu quả và lâu dài, tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân Hàn Quốc tiếp tục dành tình cảm cho Việt Nam.
"Đã yêu quý rồi thì yêu quý nhiều hơn nữa và chuyển tình cảm này thành những hành động, dự án, chương trình hợp tác cụ thể, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm và có hiệu quả cụ thể" – Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cũng kêu gọi và mong muốn người dân, các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục đầu tư, làm ăn, sinh sống tại Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định người Hàn Quốc làm ăn sinh sống tại Việt Nam được đối xử công bằng, bình đẳng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đóng góp cho tình hữu nghị của hai nước, sự hùng cường, thịnh vượng của mỗi nước và hạnh phúc, ấm no của nhân dân hai nước.
"Chúng ta cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển, với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận