Không ngờ cuộc hẹn cuối cùng của nhạc sĩ An Thuyên lại dành cho tôi - một sắp bày định mệnh của một người làm thơ từ miền Trung như tôi với người nhạc sĩ lớn, danh tiếng lẫy lừng như ông. Có lẽ do tôi lần lữa, nấn ná mãi, sai hẹn với anh, đợi đến cái ngày 3/7 này mới bước chân đến Hà Nội thì không còn gặp được anh nữa, để vĩnh viễn chia tay người nghệ sĩ mà tôi vinh dự có một vài lần gặp gỡ.
Khi tôi còn ở TPHCM, anh gửi email, điện thoại và mời tôi ra Hà Nội họp vào tối 3/7, giúp anh một tay trong việc mở Văn phòng đại diện Hiệp hội Văn hóa doanh nhân tại Đà Nẵng. Lần này, tôi đã nhận lời và hứa với anh sẽ có mặt đúng giờ ra mắt nhạc sĩ An Thuyên. Và, sáng nay khi vừa xuống sân bay, anh gọi cho tôi: "Hạnh ơi, chú đã đến chưa?". Rồi cả trưa và đến 13h47, anh vẫn gọi và nhắn tin bảo tôi rất chân tình: "Hạnh ơi, em đến sớm hơn một tiếng để anh em mình chuyện trò trước khi họp nhé".
Và, tôi nằm nghỉ chưa đầy hai giờ sau, áo quần chỉnh tề, ra taxi đến 117 đường Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội. Trên xe, tôi thấy tin dữ Nhạc sĩ An Thuyên vừa đột qụy qua đời trên facebook của nhạc sĩ Đình Thậm, tôi như không tin vào mắt mình, cứ nghĩ chuyện như đùa! Tôi xác minh thông tin từ nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Cường, cả hai anh đều chưa ai biết tin này. Chừng 10 phút sau thì các anh gọi xác nhận tin chính xác là nhạc sĩ An Thuyên đã qua đời...
Anh và tôi đã không đến dự họp như dự kiến mà cả anh và tôi hiện đang ở Bệnh viện Quân y 108, anh thì nằm bất động, còn tôi đứng bên lặng lẽ như mình vừa có lỗi với anh. Nghệ sĩ nhân dân Đặng Văn Hùng - Chánh văn phòng Hiệp hội cho biết, nhạc sĩ An Thuyên đã sắp xếp cuộc họp này ngoài Ban Thường vụ còn có buổi tiệc tiếp Nguyễn Ngọc Hạnh về với Hội. Đứng bên anh Hùng lòng tôi xúc động, một ông tướng, một nhạc sĩ tài hoa mà sống giản dị, chân tình chu đáo đến vậy...
Theo người thân trong gia đình kể lại, nhạc sĩ An Thuyên bị nhồi máu cơ tim cấp. Ngay khi vừa được đưa vào viện cấp cứu lúc 16h20 ngày 3/7, nhạc sĩ An Thuyên đã rơi vào tình trạng ngưng tim. Sau hơn một tiếng nỗ lực cứu chữa không thành công, nhạc sĩ đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 17h45.
Nhạc sĩ An Thuyên sinh năm 1949 tại xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 11 tuổi đã đàn hay, sáo giỏi và là người chơi các nhạc cụ dân tộc rất có duyên cho "gánh hát" của gia đình. Ca khúc đầu tiên đó chính là bài hát "Nối gót anh hùng", nhân dịp những người dân quê đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1967, An Thuyên bắt đầu công tác ở Ty Văn hóa Nghệ An. Năm 1975, ông vào bộ đội. Năm 1977, ông trở thành nhạc công của Đoàn Văn công Quân khu IV. Năm 1981, ông được cử đi học ở Nhạc viện Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông về Phòng Văn nghệ Quân đội, nay là Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, công tác ở đó cho đến tận lúc về hưu. An Thuyên sáng tác khá sung sức và đều tay. Công chúng biết và yêu mến ông với rất nhiều bài hát như: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam anh hùng, Ca dao em và tôi, Sông Hàn tình yêu của tôi... An Thuyên chiếm trọn được trái tim của mọi người yêu nhạc Việt Nam là nhờ vào những bài viết nặng lòng với quê hương như Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi. Tình yêu quê hương đập rộn ràng trong các ca khúc của ông, và dường như nó cũng hóa thân vào những xúc cảm thẩm mỹ khi ông viết về những vùng quê đất Việt! |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận