Trong nước

Cuộc hội ngộ ba miền cựu danh thủ bóng đá Việt Nam

29/04/2015, 09:30

Tôi muốn kể cho quý vị nghe câu chuyện về ngày đoàn tụ của bóng đá Việt Nam.

381
Các cựu cầu thủ hai miền Nam - Bắc chụp ảnh kỷ niệm trước trận đấu

“Em còn nhớ hay em đã quên, nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng, nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân...”.

Sài Gòn tháng tư, lá me vẫn reo vui trên những con phố thân quen, theo những giai điệu của Trịnh Công Sơn. Sài Gòn hôm nay, nếu yêu, bạn còn có thể nghe thấy... tiếng cá quẫy giữa kênh Nhiêu Lộc. Sài Gòn hôm nay, ngổn ngang những công trình cho tàu điện ngầm của ngày mai. Sài Gòn nhiều thứ để nhớ lắm…

Chúng tôi không quên, nhân dân không quên, từ những mất mát đau thương trong chiến tranh cho đến những hạnh phúc vỡ oà ngày Thống nhất. Để rồi hôm nay, 40 năm đã qua đi, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh được trang hoàng lộng lẫy để nhớ về ngày đoàn tụ. Trong rất nhiều những câu chuyện đoàn tụ, tôi muốn kể cho quý vị nghe câu chuyện về ngày đoàn tụ của bóng đá Việt Nam.

Chiều ngày 14/4, gần 1 nghìn khán giả đã có mặt trên sân Thống Nhất để dự khán Festival bóng đá Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long 2015 do Liên chi hội Cựu cầu thủ bóng đá Việt Nam và LĐBĐ Việt Nam tổ chức. Đây là hoạt động thể thao kỷ niệm 40 năm ngày miền Nam giải phóng (30/4/1975-30/4/2015) và kỷ niệm trận bóng đá giao hữu đầu tiên của hai miền Nam - Bắc sau ngày đất nước thống nhất giữa đội Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn ngày 7/11/1976.

Tham gia Festival có hơn 140 cựu cầu thủ đến từ ba miền đất nước. Đội Hồng Hà với 65 cựu cầu thủ đến từ các đội bóng phía Bắc như: Tổng cục Đường sắt, Tổng cục Bưu điện, Thể Công, Công an Hải Phòng, Than Quảng Ninh, CN HNN, CA Thanh Hoá, SL Nghệ An... Trong đó có các cầu thủ đã tham dự trận giao hữu giữa Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn năm 1976 như: Mai Đức Chung, Lê Thụy Hải, Nguyễn Trường Sinh, Lê Khắc Chính...

382
Pha tranh bóng quyết liệt giữa các cựu cầu thủ

Đội Trường Sơn có hơn 40 cựu cầu thủ đến từ các đội bóng của miền trung như: Nghĩa Bình, Phú Khánh, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum... Trong đó, có các cựu cầu thủ nổi tiếng như: Dương Ngọc Hùng, Đoàn Phùng, Bùi Văn Sỹ, Tạ Hữu Thôi, Huỳnh Mau, Trần Ngọc Hùng, Trần Vũ, Nguyễn Ngọc Thiện, Phan Bá Dịp...

Đội Cửu Long- chủ nhà gồm 48 cựu cầu thủ phía Nam đến từ các đội Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công nghiệp, CATP, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang... Trong đó có các cầu thủ tham gia trận giao hữu với đội Tổng cục Đường sắt năm 1976 như: Dương Văn Thà, Nguyễn Văn Xinh, Lê Đình Thăng, Lưu Kim Hoàng… cùng các danh thủ nổi tiếng của miền Nam như: Nguyễn Hoàng Minh (Minh nhí), Nguyễn Văn Thòn, Nguyễn Văn Thành, Hồ Văn Tam, Đỗ Văn Mình, Đặng Trần Chỉnh...

Kết quả, đội Cửu Long giành ngôi vô địch, Hồng Hà đứng thứ hai và Trường Sơn đứng thứ ba. Tuy nhiên, với những cầu thủ đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, thắng thua chẳng có nhiều ý nghĩa. Quan trọng là họ được gặp nhau, chơi bóng cùng nhau để cùng nhớ về một thời coi bóng đá là tính mạng và cũng chẳng có gì khác ngoài bóng đá. Ngoài ra, sự kiện này đã vượt qua những giới hạn thông thường và mang ý nghĩa đoàn tụ, “Bắc Nam một nhà” như chính trận cầu lịch sử giữa Cảng Sài Gòn và Tổng cục Đường sắt trên sân Thống nhất ngày 7/11/1976.

Sau khi tham gia Festival Hồng Hà - Trường Sơn- Cửu Long, hai đội Cảng Sài Gòn và Tổng cục Đường sắt có buổi giao lưu riêng. Có người 39 năm nay mới gặp lại (sau trận đấu ấy vì cao tuổi nên từ giã sân cỏ). Gặp nhau tay bắt mặt mừng, họ không quên một phút tưởng niệm dành cho Phạm Huỳnh Tam Lang- biểu tượng một thời của bóng đá Sài Gòn và Phạm Kỳ Thuỵ - người công nhân ưu tú của ngành Đường sắt.

Nhưng vẫn còn đó những hình ảnh thật đẹp và cảm động. Khi HLV Trần Duy Long trao túi bánh cốm cho lão tướng Lê Văn Tư, còn ông Tư Lê choàng chiếc khăn Nam bộ lên cổ vị HLV đến từ Hà Nội. Thủ môn Nguyễn Trường Sinh ôm lấy Lưu Kim Hoàng, cả hai ông vừa có những pha bay người cứu thua cho Hồng Hà và Cửu Long. Ông Hoàng Gia thì thầm với ông Dương Văn Thà, hình như họ đang ôn lại những kỷ niệm khi cùng nhau khoác áo tuyển Thanh niên Việt Nam đi du đấu Đông Âu...

Hương Hà Nội lan tỏa từ những chiếc bánh cốm đầu mùa. Và tình người, tình đất phương Nam sẽ theo chiếc khăn rằn sưởi ấm cho các Lão cầu thủ khi đông về... Nhưng trên hết, chúng tôi trân trọng những sự kiện, những nhân chứng lịch sử của ngày đó, và kể lại câu chuyện như một món quà cho bóng đá Việt Nam hôm nay và mai sau.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.