Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Nghệ An giữ vị trí top đầu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thay cho những cái tên quen thuộc suốt hàng thập kỷ nay như: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dấu ấn Quảng Ninh
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 10 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh vượt lên dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với 3,08 tỷ USD. Bắc Giang đứng thứ hai với 1,5 tỷ USD; Hải Phòng xếp vị trí thứ ba với 1,15 tỷ USD; Nghệ An đứng thứ tư với 1,01 tỷ USD.
Thứ hạng về thu hút FDI kể trên cho thấy sự thay đổi đáng kể về sức hút đầu tư nước ngoài của các địa phương trên cả nước.
Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Nghệ An một vài năm trở lại đây đã vươn lên mạnh mẽ, thay phiên nhau duy trì vị trí top đầu trong thu hút FDI. Trước đây, top đầu luôn là những "ứng cử viên" như Bình Dương, TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... Vài năm trở lại đây, đặc biệt từ sau dịch Covid-19, tình hình đã khác.
Quảng Ninh đang rất tích cực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chủ động tìm kiếm và lựa chọn các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong chiến lược phát triển, Quảng Ninh xác định tập trung thu hút vốn FDI thế hệ mới có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh vào thị trường Đông Bắc Á, bên cạnh ưu tiên thị trường Mỹ, EU, Singapore...
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh
Đây chính là cú hích giúp các địa phương này có cơ cấu kinh tế thay đổi chóng mặt khi gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng sản phẩm trên địa bàn, thay vì dựa chủ yếu vào dịch vụ, du lịch như trước đây.
Hơn 10 năm trước, Quảng Ninh vẫn kiên trì đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" dựa vào 3 trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Quảng Ninh bỗng giật mình nhìn lại khi nền kinh tế "liêu xiêu" vì du lịch đóng băng. Trong khi đó, công nghiệp chế biến chế tạo lại "giậm chân tại chỗ".
Một chiến lược thu hút FDI đã được đặt ra khi Quảng Ninh nhìn sang tỉnh bạn là Hải Phòng. Từ trước khi dịch Covid-19 nổ ra, Hải Phòng đã phát triển như vũ bão, thu hút hàng chục tỷ USD vốn FDI, trong khi Quảng Ninh chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu USD/năm.
Đó là lý do Quảng Ninh chuyển hướng, đặt ra kế hoạch và bước đi bài bản để thu hút đầu tư nước ngoài. Nghị quyết đầu tiên của Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ mới chính đã chú trọng phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 ban hành ngày 16/11/2020. Việc vươn lên dẫn đầu về vốn FDI chỉ trong một thời gian ngắn, cùng với việc liên tục đứng số 1 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã đưa Quảng Ninh trở thành "ngôi sao sáng" về hút đầu tư nước ngoài.
Năm 2015 Quảng Ninh mới thu hút được 447,5 triệu USD, năm 2018 và 2020 lần lượt là 398 triệu và 505 triệu USD. Giai đoạn đó, Quảng Ninh đều nằm ngoài top 10. Đến năm 2021 tình hình thay đổi rõ rệt. Số vốn FDI thu hút được năm 2021 của Quảng Ninh tăng lên 1,15 tỷ USD, nằm trong top 10. Đến năm 2022, Quảng Ninh vươn lên vị trí thứ ba với 2,36 tỷ USD.
Kết quả những năm qua là tiền đề để Quảng Ninh điều chỉnh một số chỉ tiêu trong nghị quyết đã ban hành. Cụ thể, từ nay đến 2025, mỗi năm phấn đấu thu hút khoảng 2 tỷ USD trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo việc làm mới cho trên 20.000 lao động trở lên.
Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu mỗi năm thu hút 3 tỷ USD, giải quyết việc làm cho từ 30.000 lao động trở lên. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hàng năm đạt 20% trở lên.
Bắc Giang, Nghệ An đổi thay mạnh mẽ
Nếu như năm 2015, Bắc Giang đứng vị trí thứ 26 về FDI với tổng vốn thu hút lũy kế là 2,44 tỷ USD thì 10 tháng đầu năm 2023, Bắc Giang đứng vị trí thứ 2 khi thu hút thêm 1,89 tỷ USD.
Một tỉnh ghi dấu ấn khác về hút FDI là Nghệ An. Năm 2015, địa phương này đứng vị trí thứ 20 với tổng vốn FDI trong năm chỉ 206 triệu USD. Năm 2018, thứ hạng còn tệ hơn nhiều khi tỉnh này xếp thứ 45 với 25,68 triệu USD. Năm 2020, Nghệ An thu hút được 169,4 triệu USD, đứng thứ 25. Năm sau đó, Nghệ An thu hút được 318,5 triệu USD và vẫn đứng thứ 20.
Năm 2022 bắt đầu đánh dấu thay đổi thứ hạng nhanh chóng của Nghệ An khi địa phương này vươn lên thứ 11 trong số các địa phương hút nhiều vốn FDI nhất với 890,6 triệu USD. Giờ đây, 10 tháng đầu năm 2023, Nghệ An đã vươn lên vị trí thứ tư với 1,01 tỷ USD.
Sự vươn lên mạnh mẽ về thu hút đầu tư nước ngoài của Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Nghệ An… đã góp phần gia tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu kinh tế của các tỉnh này. Đây cũng là động lực quan trọng để các địa phương này gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những lý do quan trọng giúp các địa phương cải thiện mạnh mẽ khả năng thu hút vốn nước ngoài.
Ông Bùi Đình Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết năm 2023, Nghệ An lần đầu tiên tổ chức đánh giá và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp, sở, ngành, địa phương (DDCI).
Trước đó, một số chỉ số của Nghệ An năm 2022 được công bố đã cho thấy sự cải thiện tích cực về thứ tự xếp hạng. Trong đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 7 bậc, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành trong cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) tăng 1 bậc, xếp thứ 16; Chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) xếp thứ 17. Đặc biệt, chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp (SIPAS) tăng 21 bậc, xếp thứ 14.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
10 tháng đầu năm 2023, FDI đăng ký mới tăng mạnh cả về số dự án và số vốn đầu tư.Theo đó, có 2.608 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 15,29 tỷ USD, tăng 66,1% về số dự án và tăng 54% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận