Gắng gượng vượt qua nỗi đau
Những ngày cuối năm 2024, trong căn hộ khu tập thể cũ kĩ nằm trên phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, bà Đặng Thị Yên (65 tuổi) và ông Ngô Phó Điền (67 tuổi) cặm cụi trồng thêm mấy cây hoa để đặt ở góc cửa sổ, chuẩn bị đón Xuân mới sắp về.
Ông Điền là bảo vệ tại chung cư mini xảy ra vụ cháy kinh hoàng đêm 12/9/2024, nhưng gia đình ông cũng là nạn nhân của thảm họa này. Vụ cháy khiến ông mất con rể, con gái và hai cháu ngoại.
Khó nhọc di chuyển vì căn bệnh xương khớp hành hạ, bà Yên nhớ lại, hôm đó khoảng 23h, ông Điền đang trực bảo vệ thì phát hiện bảng điện ở tầng một bốc cháy. Lửa nhỏ, ông vác bình cứu hỏa dập lửa nhưng bất thành. Thời điểm đó, tòa chung cư 9 tầng, chia làm 40 căn hộ cho thuê và bán lại đã tắt gần hết đèn. Đa số cư dân đã đi ngủ, một số thanh niên từ các tầng nghe chuông báo cháy vội chạy xuống.
Bà Yên chạy ngược lên trên hô hoán, cùng chồng và hàng xóm sử dụng 10 bình cứu hỏa, liên tục dập lửa nhưng không được. Bà muốn lên tầng 5 gọi vợ chồng con gái và hai cháu ngoại, nhưng không thể. Bà vĩnh viễn mất con, cháu từ thời điểm ấy.
Sau vụ cháy, vợ chồng bà Yên nhận được khoản tiền 2 tỷ đồng ủng hộ do Mặt trận Tổ quốc quận Thanh Xuân phân bổ. Để dành nửa số tiền gửi về phía nhà con rể, còn lại ông bà mua căn hộ tập thể 35m2, gồm một phòng khách và một phòng ngủ hiện nay.
"Ông ấy từng là một người rất khỏe mạnh và vui vẻ, nhưng sau thảm họa thì bệnh tật triền miên, gần như chỉ nằm trên giường, hiếm khi nói chuyện. Tôi cũng không khá hơn, những cơn đau xương khớp và bệnh huyết áp cao hành hạ hằng ngày", bà Yên kể.
Cũng là nạn nhân trong vụ cháy, ông Phạm Gia Hùng, 54 tuổi, hiện trú tại ngõ 345 Khương Trung, quận Thanh Xuân chia sẻ, ngoài con gái bị thiệt mạng, vợ ông là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong gia đình: "Vợ tôi thỉnh thoảng phải xuống Khoa Chống độc ở Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra do trước đó bị khói vào phổi".
Nhờ số tiền hỗ trợ từ các mạnh thường quân, gia đình ông đã mua được một căn nhà nhỏ ở ngõ Khương Trung để ổn định cuộc sống. Nhưng việc chăm sóc vợ khiến ông phải tạm gác lại công việc lái xe. "Hơn một năm nay, tôi dành hết thời gian ở nhà chăm sóc vợ, chỉ mong bà ấy sớm khỏe lại", ông Hùng nói.
Chưa nguôi ám ảnh
May mắn thoát nạn cùng con trai, ông Vũ Trí Dũng (61 tuổi) vẫn chưa nguôi ám ảnh về đêm định mệnh ấy: "Khói đen từ tầng dưới bốc lên tầng 9 rất nhanh. Hai bố con tôi chạy ra ban công tầng thượng mới giữ được mạng sống".
Nhận được tiền hỗ trợ, ông Dũng mua một căn nhà nhỏ, còn ai thuê gì làm nấy để sống qua ngày, cùng với sự hỗ trợ từ họ hàng.
Những ngày đầu tháng 12, khi quay lại hiện trường vụ cháy, PV ghi nhận khung cảnh im lìm, nhà dân xung quanh luôn cửa đóng then cài. Căn nhà bị cháy được che phủ bởi những tấm bạt lớn.
Bà Nguyễn Thị Hiền, một người dân sống gần hiện trường chia sẻ, khu phố vốn nhộn nhịp nay trở nên vắng lặng hơn: "Từ sau vụ việc, người dân xung quanh ít mở cửa, không còn đứng trước nhà buôn chuyện như trước".
Bà Hồng, Tổ phó tổ dân phố Khương Hạ cho biết, không chỉ những người sống ở chung cư, mà cư dân khu vực vẫn ám ảnh sau vụ cháy. "Giờ chỉ cần nghe tiếng còi cứu hỏa là tôi lại rùng mình. Cả khu nhà vốn là nơi yên bình, hạnh phúc của bao gia đình, giờ thành nơi hoang tàn", bà nói.
Mong có phương án hỗ trợ để ổn định đời sống
Hiện nay, đại diện hợp pháp của gia đình 56 nạn nhân tử vong và 44 nạn nhân bị thương trong vụ cháy đang yêu cầu bồi thường tổng cộng 79 tỷ đồng. Trong đó, thân nhân các nạn nhân tử vong đòi bồi thường 19,7 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh của 44 người bị thương đã được Nhà nước chi trả, họ tiếp tục yêu cầu bồi thường tổng số tiền 2,7 tỷ đồng.
Với thiệt hại về tài sản, các cư dân đã yêu cầu bồi thường tổng số tiền 56,7 tỷ đồng, gồm toàn bộ giá trị căn nhà, toàn bộ số tài sản có trong căn hộ, tiền, vàng...
Ông Phạm Gia Hùng cho biết, trong các cuộc họp dân cư gần đây, ông và nhiều hộ gia đình khác đã đề nghị được bồi thường tài sản theo giá nhà mua ban đầu. Tuy nhiên, với những hộ đang gặp khó khăn, ông hy vọng họ được xem xét hỗ trợ theo mức giá hiện tại để sớm ổn định cuộc sống.
"Nhiều người nhận tiền nhưng chưa thể mua nhà, vì giá hiện tại quá cao. Một số hộ không có khả năng đi làm, có hộ 8 người thì mất 7, mong cơ quan chức năng có phương án hỗ trợ họ ổn định đời sống lâu dài", ông Hùng nói thêm.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, theo Bộ luật Dân sự, các bị can phải bồi thường thiệt hại vật chất (chi phí điều trị, mai táng, thu nhập mất mát) và tinh thần (tổn thất tâm lý) dựa trên thiệt hại thực tế.
Theo luật sư, mức bồi thường 79 tỷ đồng mà các nạn nhân yêu cầu sẽ được tòa án xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại và quyết định mức bồi thường cụ thể dựa trên các chứng cứ và quy định hiện hành. Việc bồi thường không thể bù đắp mất mát, nhưng có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ hình phạt nếu bị can khắc phục thiệt hại kịp thời.
Hiện, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố 7 bị can trong vụ hỏa hoạn ở chung cư mini Khương Hạ.
Theo đó, ngoài Nghiêm Quang Minh (SN 1979, chủ chung cư mini) bị truy tố về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, có 6 bị can gồm: Trần Trọng Khang (cựu Đội trưởng Thanh tra Xây dựng quận Thanh Xuân); Phạm Tần Anh (cựu Phó chủ tịch phường Khương Đình); Chu Xuân Sơn (cựu Phó chủ tịch phường); Nguyễn Thị Kim Trang (cựu cán bộ Địa chính - Xây dựng phường); Nguyễn Tuấn Anh (cựu Phó trưởng Công an phường Khương Đình); Nguyễn Đình Quân (cựu Tổ trưởng Thanh tra Xây dựng phường) cùng bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, dù giấy phép xây dựng chỉ cho xây 6 tầng, 33 phòng nhưng Minh tự ý xây thành 9 tầng, 45 phòng và không lập hồ sơ thiết kế, thẩm duyệt, nghiệm thu, quản lý về phòng cháy chữa cháy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận