Ông Lãng chân đi tập tễnh, ông Uẩn đã hỏng một mắt nhưng cả hai ông đều khẳng định tiếp tục chống tiêu cực đến hết cuộc đời |
Chuyện hai lão nông ở Thuận Thành, Bắc Ninh phanh phui gần 3.000 hồ sơ thương binh giả, truy thu về cho Nhà nước 150 tỷ đồng, giảm chi mỗi năm 20 tỷ đồng đang khiến dư luận xôn xao. Nhưng ít ai biết rằng, đấy chỉ là “chiến công” mới nhất và lớn nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng được hai ông tiến hành hơn chục năm nay.
Gần hai mươi năm miệt mài chống tham nhũng
Trưa 10/5, trong căn nhà cấp bốn ở xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, ông Nguyễn Tiến Lãng (SN 1938 ở Gia Đông, Thuận Thành) và Nguyễn Công Uẩn (SN 1937 ở xã Ngũ Thái) đang chụm đầu đọc những bức thư thăm hỏi, động viên của người dân khắp nơi gửi tới. Mái tóc đều đã bạc trắng, ông Lãng chân đau bước thấp bước cao, ông Uẩn đã hỏng một bên mắt, dáng người gầy nhỏ. Nhưng ánh nhìn của cả hai ông vẫn đầy tinh anh, giọng nói hào sảng, quyết liệt. Trong suốt câu chuyện, các ông rất minh mẫn, nhớ từng chi tiết nhỏ và thể hiện sự am hiểu kiến thức, luật pháp. Ông Lãng kể, từ năm 2004, phát hiện ra những sai phạm trong quản lý đất đai, thu chi ở địa phương, ông đã đứng lên đấu tranh. Trong những lần khiếu nại, tố cáo, ông gặp ông Uẩn người xã bên và nhanh chóng nhận ra, cả hai cùng có chung tiếng nói chống tiêu cực. Từ đó, hai ông lão sát cánh bên nhau trong cuộc chiến chống tham nhũng, đòi quyền lợi cho nhân dân.
"Nếu chúng tôi im lặng không đấu tranh thì làm sao bao vụ việc được phanh phui, hàng trăm tỷ đồng trở về ngân sách Nhà nước. Anh em tôi năm nay 80 cả rồi, không lo gì tính mạng, chỉ mong một lần được cơ quan chức năng khen thưởng, vinh danh để làm gương cho con cháu đứng lên chống tiêu cực." Ông Nguyễn Tiến Lãng |
Tiếp lời bạn già, ông Uẩn kể, câu chuyện đi tìm lẽ phải của các ông bắt đầu từ... lúa. Những năm 2004-2005, nông dân ở đây nhận cấy ruộng thầu trên phần đất công ích của xã đã phải đóng các khoản thuế, phí lên đến 50% lượng thóc canh tác được. Vất vả một nắng hai sương, nhưng sau khi trừ chi phí đầu tư canh tác, nông dân gần như chả được mấy cân thóc, nhất là những vụ mùa thất bát, họ lâm cảnh nợ nần. Thấy thuế, phí đè nặng trên vai nông dân, hai ông gặp lãnh đạo thôn, xã đề nghị tính toán lại mức thu, nhưng không được giải quyết, bèn viết đơn khiếu nại gửi lên xã, rồi lên huyện, tỉnh để trả lại công bằng cho người dân. Làng quê yên ắng bỗng dưng có người đứng lên đấu tranh khiến hai ông bị nhiều người khó chịu, nhưng nhiều bà con tin tưởng tìm đến với hai ông để chia sẻ, nhờ các ông nói lên những ấm ức, phi lý ở địa phương.
Quá trình tìm hiểu, hai ông phát hiện được những chuyện sai trái trong quản lý đất đai, xây dựng đường giao thông nông thôn, thu chi... ở thôn, xã và thu thập tài liệu, chứng cứ để khiếu kiện, tố cáo đến các cấp. Nhiều vụ việc từ đó được đem ra ánh sáng, nhiều quan chức thôn, xã, huyện bị xử lý, khai trừ khỏi Đảng, cách chức, một số người bị xử lý hình sự.
“Vạch mặt” gần 3.000 hồ sơ thương binh giả
Có 10 năm đi bộ đội, trong đó có 5 năm chiến đấu ở chiến trường, ông Lãng đã nhiều lần làm hồ sơ xin chế độ trợ cấp nhưng bất thành. Trong những lần xuôi ngược gửi đơn làm thủ tục, tới năm 2010, ông phát hiện ra tại huyện Thuận Thành đang nở rộ phong trào “làm thương binh”. “Gia đình nào có người đi lính, có sẹo, rồi những người bị tai nạn xe máy cụt một ngón tay, hay tuốt lúa bị vật nhọn đâm vào trán cũng đi giám định để hưởng chế độ thương binh. Trong khi đó, có những người đi bộ đội, thương tật thực sự thì vì nhiều lý do vẫn chưa được Nhà nước công nhận. Tôi cùng ông Uẩn bắt tay vào đi tìm công lý”, ông Lãng nói.
Sau một thời gian thu thập thông tin, chứng cứ, tháng 8/2010, hai ông gửi đơn kiến nghị lên các cấp lãnh đạo Trung ương, nêu rõ những trường hợp làm giả hồ sơ thương binh; trong đó có những “thương binh” hưởng chế độ 61-81% nhưng sức khỏe bình thường, vẫn làm lãnh đạo huyện. Các ông cũng vạch mặt thực trạng chỉ cần bỏ 10 triệu đồng là vợ con có lương chăm sóc thương binh hàng tháng; chi 30-40 triệu đồng là được làm thủ tục thương binh tận nhà, không cần qua xã, huyện; đưa 500-800 nghìn đồng là được cấp kỷ niệm chương...
Từ đơn tố cáo với nhiều bằng chứng của hai ông, Bộ LĐ,TB&XH đã lập đoàn kiểm tra, xác minh và phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, do đó đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đề nghị khởi tố điều tra. Sau đó, Bộ Tư lệnh quân khu 1 cũng tiến hành điều tra. Kết quả, đã phát hiện số đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ phải đình chỉ trợ cấp là 2.745 người, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 150 tỷ đồng và giảm chi ngân sách mỗi năm hơn 20 tỷ đồng. Trong vụ việc này, đã có 29 đối tượng bị xử lý hình sự.
Gian khổ hành trình đòi công lý
Gần 20 năm miệt mài đi tìm công lý, hai lão nông sống trong cảnh cơ cực, khó khăn. Ông Uẩn tâm sự, ông không sợ trả thù, mà cái khó nhất là phải đối mặt với các mối quan hệ thân tình. “Chúng tôi đấu tranh chống tiêu cực trên chính quê hương mình, nên mất đi nhiều mối quan hệ anh em, họ hàng, làng xóm. Như vụ hồ sơ thương binh giả, em rể của vợ tôi cũng mất chế độ thương binh, nên từ mặt gia đình tôi. Chuyện bị chửi bới, đe dọa, đập phá cây cối, tài sản, ném phế thải vào nhà vẫn diễn ra. Tôi không được tham gia sinh hoạt trong chi hội nào. Vợ con tôi cũng bức xúc, tìm mọi cách ngăn cản chúng tôi”, ông Uẩn kể.
Bà Nguyễn Thị Thơm, vợ ông Uẩn cho hay, gia đình đã nhiều lần triệu tập họp gia đình, đề nghị hai ông từ bỏ cuộc chiến chống tiêu cực. “Bố được gì ở công việc này, trong khi tính mạng của bố và cả chúng con bị đe dọa?”, con trai ông từng nhiều lần cật vấn. Bản thân bà khóc lóc, bỏ ăn, đưa ra điều kiện “một là bỏ gia đình, hai là bỏ kiện” nhưng ông cứ cặm cụi làm cái công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nguy hiểm ấy.
Từ năm 2015, Bộ LĐ,TB&XH đã gửi công văn tới UBND tỉnh Bắc Ninh về việc đề nghị cho ý kiến hiệp y để xem xét khen thưởng thành tích chống tham nhũng đối với ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn (cùng ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Tuy nhiên, các cơ quan Bắc Ninh cho biết, chưa nhận được công văn này nhưng trước thông tin báo chí phản ánh, sẽ cho kiểm tra và xem xét về chế độ chính sách cho hai lão nông trong thời gian sớm nhất. |
Ông Uẩn không có lương hưu, để có điều kiện thu thập chứng cứ, ông lặng lẽ làm vườn, gom nhặt từng đồng tiền bán các sản phẩm cây quả, rồi làm hàng mã; đồng thời tiết kiệm hết mức chi tiêu ăn uống của bản thân để dành tiền đi kiện. “Nhiều khi thấy ông cả tháng trời ăn rau luộc với dưa cà, xót ruột lắm mà không biết làm thế nào. Nhà tôi 6 đứa con, ông ấy cứ miệt mài kiện tụng, để mặc mấy mẹ con xoay xở kiếm ăn. Mà tự xoay xở cũng không yên vì cái sự kiện tụng của ông ấy mà vườn tược cũng bị phá phách tanh bành, có lần ngủ dậy 25 gốc nhãn đang kỳ thu hoạch trong vườn nhà bị chặt bỏ tận gốc”, bà Thơm than thở.
Đưa tay chỉ vào vết sẹo nhỏ trên trán, ông Uẩn cho biết đó là hậu quả của việc ông bị trưởng thôn Nguyễn Văn Sự xông vào nhà đánh sau khi bị ông tố cáo sai phạm trong quản lý đất đai, hành chính. “Nhiều lần đối tượng sai phạm bị tôi tố cáo năn nỉ xin thỏa hiệp, khi bị từ chối thẳng, đã quay lại đe dọa” lấy một mắt còn lại của thằng già chột để hết thọc mạch chuyện người khác”. Giận chồng không lo cho gia đình mà cứ mải miết kiện tụng, một thời gian dài vợ tôi cấm cửa ông Lãng không được sang nhà tôi, phía bên nhà ông Lãng thấy tôi sang tìm ông ấy là đuổi”, ông Uẩn cho hay.
Có lương hưu, nhưng ông Lãng cũng không mấy dễ thở hơn. Trong cuộc chiến chống tiêu cực, khoản tiền lương hưu hơn 2 triệu đồng ông thường dùng hết vào việc đi thu thập hồ sơ, phôtô tài liệu, tiền tàu xe đi khiếu kiện. Mỗi lần ông tố cáo một vụ việc nào, lại bị nhiều người kéo đến nhà chửi bới, đe dọa. Năm kia, gần 100 gốc bưởi Diễn ông vừa trồng bị chặt sạch. Thuyết phục ông không được, vợ con ông bỏ ra ở riêng để vừa tránh mâu thuẫn, vừa đỡ bị các đối tượng quấy phá không cho làm ăn. “Suốt 6 năm liền hai vợ chồng giận nhau, tôi phải sống một mình. Mãi sau này, các con dựng vợ gả chồng, rồi vụ việc phanh phui hồ sơ thương binh có kết quả, bà ấy và các con mới làm lành với tôi”, ông Lãng nói.
Tới thời điểm này, bà Nguyễn Thị Thắng, vợ ông Lãng vẫn không hề vui khi nói về công việc của chồng. “Hơn 10 năm qua tôi và bà Thơm đã quá khổ với cuộc chiến chống tham nhũng của các ông ấy rồi, mà các ông ấy vẫn bảo sẽ tiếp tục tranh đấu đến khi không còn sức nữa. Các con giờ khôn lớn rồi, nhưng lo cho các ông tuổi già sức yếu, làm mãi công việc nguy hiểm này sao nổi”, bà Thắng nhìn chồng trách móc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận