Xã hội

Cuộc sống của “chú lính chì dũng cảm” Thiện Nhân

17/01/2016, 13:20

“Chú lính chì” Thiện Nhân đã hồi sinh mạnh mẽ để giờ đây trở thành một cậu bé vui vẻ, hoạt bát, thông minh...

4
Bốn mẹ con chị Mai Anh trong chuyến đi Hạ Long mới đây

Từ một cậu bé bị bỏ rơi trong vườn ngay khi vừa lọt lòng, bị thú hoang ăn mất một chân và bộ phận sinh dục, “chú lính chì” Thiện Nhân đã hồi sinh mạnh mẽ để giờ đây trở thành một cậu bé vui vẻ, hoạt bát, thông minh và vô cùng bản lĩnh.

Gặp chị Trần Mai Anh - người mẹ thứ hai sinh ra “chú lính chì dũng cảm” Thiện Nhân trong một chiều cuối năm, tôi thấy chị vẫn không thay đổi nhiều so với thời điểm gần 10 năm trước, khi chị khiến nhiều người ngạc nhiên vì quyết định nhận nuôi bé Thiện Nhân. Chị vẫn gầy gò, mỏng manh, say mê với công việc và lúc nào cũng tràn trề hạnh phúc khi có ai nhắc đến 3 cậu con trai.

“Chú lính chì” nhân ái sinh ra từ… trái tim

Nhắc đến cái tên Thiện Nhân hẳn nhiều người chưa thể quên câu chuyện đầy ám ảnh của cậu bé có biệt danh “chú lính chì dũng cảm” này.

Đó là khoảng giữa tháng 7/2006, người dân ở khu vực Núi Thành (Quảng Nam) phát hiện một bé trai bị mẹ bỏ rơi và thú hoang cắn mất một chân và bộ phận sinh dục. Dù trải qua 3 ngày không ăn uống và cơ thể bị thương tổn nặng, nhưng bé vẫn chiến thắng tử thần. Bé được mọi người đặt tên là Thiện Nhân với mong muốn điều thiện, lòng nhân ái sẽ theo bé mãi mãi. 

Như một định mệnh, khi cậu bé được hơn 9 tháng tuổi, chị Trần Mai Anh (SN 1973, ở Hà Nội) cùng một người bạn lặn lội vào Quảng Nam thăm bé. Ngay trong những giây phút đầu tiên nhìn thấy Thiện Nhân, chị Mai Anh đã muốn được nuôi nấng, chăm sóc cho cậu bé. Không suy nghĩ nhiều, chị quyết định tiến hành các thủ tục nhận nuôi Thiện Nhân và khi Thiện Nhân được hơn 1 tuổi thì chính thức được đưa về Hà Nội sống cùng gia đình mẹ Mai Anh.

Từ khi nhận nuôi Thiện Nhân, người mẹ mỏng manh với thân hình nhỏ bé ấy đã cùng cậu bé trải qua một hành trình chữa bệnh đầy gian khổ với mong muốn đem lại cho Thiện Nhân một cuộc sống hoàn thiện, tốt đẹp hơn. Nhớ lại những ngày đặc biệt ấy, chị Mai Anh cho biết, khi đón Thiện Nhân về Hà Nội, cậu bé khóc thét trong suốt hành trình từ Quảng Nam ra và khi vào tới nhà thì rất hoảng sợ, chỉ ôm chặt anh Thiên Minh khi ấy mới 7 tuổi, không dám nhìn một ai.

Chúng tôi thắc mắc về phản ứng của các thành viên trong gia đình khi chị đón Thiện Nhân về nuôi, chị bảo rằng trước đó, khi hỏi ý kiến một bác sĩ về tình trạng bệnh của Thiện Nhân và bày tỏ ý định của mình, vị bác sĩ ấy đã khuyên “đừng bao giờ bắt đầu cho một việc làm không có kết thúc”. Biết tính con gái quyết đoán nên bố mẹ chị cũng không cấm cản gì. Mẹ chị nói: “Con đã bước một bước rồi thì hãy bước tiếp”. Còn bố chị bảo, sẽ chẳng bao giờ ngăn cản khi con làm việc tốt, nhưng hãy cân nhắc kỹ. Hai cậu con trai của chị là Thiên Minh (Minh lớn) và Hải Minh (Minh bé) lúc đó mới hơn 7 tuổi và hơn 2 tuổi thì chỉ hỏi: “Khi nào mẹ đón em về nuôi?”.

5

Dù thiếu 1 chân,nhưng Thiện Nhân rất năng động, vui vẻ trong các hoạt động

Hành trình chữa bệnh đầy gian khổ

Bao nhiêu năm đón Nhân về là bấy nhiêu năm chị Mai Anh đưa con đi khắp các đất nước, khắp các bệnh viện và cùng con trải qua không biết bao nhiêu cuộc phẫu thuật. Có những lúc nhìn Thiện Nhân nằm trên giường bệnh, người mẹ nhỏ bé ấy đã nắm chặt tay con và nói rằng: “Mẹ xin lỗi vì bắt con phải chịu nhiều đau đớn quá”.

Lúc mới đưa Nhân về Hà Nội, chị tự tay bôi thuốc vào từng nốt ghẻ, tự tay luộc tẩy quần áo, chữa trị vết thương ngoài da cho con mỗi ngày.

Sau khi chữa thành công cho Thiện Nhân, bác sĩ Roberto theo lời thuyết phục của chị Mai Anh đã lặn lội đến Việt Nam để giải quyết các ca bệnh về bộ phận sinh dục cho những em nhi đồng khác mà không đòi hỏi bất cứ chi phí nào. Quỹ Thiện Nhân cũng được lập nên từ đó, kêu gọi lòng hảo tâm trên khắp thế giới để hỗ trợ kinh phí cho bác sĩ Roberto De Castro chữa bệnh, phẫu thuật miễn phí cho gần 180 ca, khám tư vấn miễn phí cho hơn 600 bệnh nhân khiếm khuyết bộ phận sinh dục, hơn 1.000 hồ sơ bệnh án đang chờ xử lý.

Rồi sau đó, chị đưa con sang Thái Lan với mong muốn tái tạo bộ phận sinh dục càng sớm càng tốt. Các bác sĩ chuyên khoa khi ấy nói rằng, trường hợp của Nhân chưa từng có tiền lệ. Họ khuyên chị Mai Anh cho Nhân phẫu thuật chuyển đổi giới tính, dù sao bé vẫn còn nhỏ, không nhận biết được giới tính thật sự của mình. Nhưng không một phút suy nghĩ, người mẹ ấy quả quyết: “Tạo hóa đã cho Nhân làm một người đàn ông, chị sẽ cố gắng hết sức để con mình là một người đàn ông thực sự”.

Câu chuyện và những hình ảnh trong hành trình chữa bệnh của Thiện Nhân lan truyền khắp thế giới và cũng nhờ đó, cơ hội đến với Thiện Nhân nhiều hơn: Các y, bác sĩ hầu như đều tình nguyện chữa bệnh miễn phí cho Nhân, các hãng hàng không giảm tiền vé cho mẹ con Nhân trong hành trình đến các nước chữa bệnh, các mẹ trong Hội Thiện Nhân được quy tụ đóng góp từng khoản tiền nhỏ giúp chị Mai Anh trang trải cho quá trình chữa bệnh đầy gian khổ của Nhân. Bà con Việt kiều ở nước ngoài cũng tình nguyện làm tài xế cho hai mẹ con, mang đến tặng Nhân từng hộp sữa, món đồ chơi.

Nhờ những sự hỗ trợ ấy, chị Mai Anh đã đưa Thiện Nhân đi khắp các nước: Singapore, Đức, Mỹ, đến Chicago, Los Angeles, New Hampshire… để chữa bệnh.

Trong khi hy vọng tái tạo bộ phận sinh dục cho Nhân dường như vụt tắt, chị Mai Anh lại nghe tin có một cuộc hội thảo khoa học về các tiến bộ mới của y khoa tại Mỹ ngay lúc Thiện Nhân đang điều trị ở đó. Vậy là chị tìm đến, thuyết phục được các nhà khoa học hàng đầu thế giới chú ý đến trường hợp của Thiện Nhân. Tên của Thiện Nhân đã được ghi vào danh sách giám sát điều trị của các giáo sư y khoa giỏi nhất. Năm 2010, khi bác sĩ Roberto De Castro ở Bệnh viện Bologna (Ý) công bố công trình phẫu thuật và tái tạo thành công bộ phận sinh dục, giữ được chức năng, cảm giác và cả sự phát triển cùng với cơ thể, thì chị Mai Anh được báo tin đầu tiên và tên của Thiện Nhân cũng được giới thiệu ngay lập tức.

Sau khi nghe câu chuyện và hành trình chị Mai Anh cùng Thiện Nhân đã trải qua, bác sĩ Roberto vô cùng xúc động. Qua thăm khám ban đầu, bác sĩ khẳng định, trường hợp của Nhân sẽ tái tạo được bộ phận sinh dục khiến chị Mai Anh vỡ oà trong niềm vui và hạnh phúc. Thậm chí, Thiện Nhân khi ấy còn được ưu tiên mổ trước, xếp lịch mổ vào dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam để chị có thời gian chăm con dài hơn. Xúc động hơn nữa, bác sĩ còn tự nguyện giảm một nửa chi phí phẫu thuật, là tiền công của chính mình.

Sau một vài cuộc phẫu thuật trong nước nữa, Thiện Nhân đã chính thức trở thành “người đàn ông thực sự” như mong mỏi của mẹ Mai Anh và mọi người trong gia đình.

“Thiện Nhân sống vui vẻ, bản lĩnh, thông minh và sâu sắc lắm”

Năm 2015, câu chuyện của “chú lính chì” Thiện Nhân một lần nữa gây xúc động tới hàng triệu trái tim khi bộ phim Lửa Thiện Nhân của đạo diễn Đặng Hồng Giang được công chiếu toàn quốc. Những thước phim tái hiện một cách chân thực hành trình của Thiện Nhân cùng những “người hùng” thầm lặng bên cạnh em đã truyền ngọn lửa sống tử tế, khát vọng đến tất cả mọi người - những người chưa biết và những người đã dõi theo Nhân từ 9 năm về trước. 

Sau những hành trình đầy gian nan và nước mắt đã trải qua, hạnh phúc lớn nhất của người mẹ nhỏ bé Mai Anh là được trở về nhà với 3 cậu con trai: Thiên Minh, Hải Minh, Thiện Nhân.

Nhờ dạy các con tự lập ngay từ nhỏ, nên mỗi buổi sáng chị Mai Anh chỉ cần chuẩn bị đồ ăn cho các con, còn các con sẽ tự chuẩn bị mọi thứ, ăn sáng và đi học.

“Nhưng Thiện Nhân như thế thì có thể tự làm mọi việc như các anh được không?”, chị Mai Anh nói ngay: “Tôi chưa bao giờ phải giúp đỡ Nhân bất cứ việc gì khi Nhân thiếu một chân. Nhân là đứa trẻ tự lập và có thể tự làm mọi thứ cho mình”.

Nếu như khi mới về với gia đình mẹ Mai Anh, Nhân ít nói, ít vui vẻ, cười đùa, thì giờ đây Nhân đã là một con người khác.

Cậu bé luôn vui vẻ, hoạt bát, tự lập trong mọi công việc. Đặc biệt, Nhân rất yêu mẹ và mọi người trong gia đình, biết chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống.

Hỏi chị Mai Anh điều gì khiến chị tự hào nhất về Thiện Nhân, chị nói: “Tôi tự hào nhất vì Nhân là cậu bé có bản lĩnh, can đảm, thẳng thắn, thông minh, sống rất sâu sắc”.

“Nhắc đến Nhân, tôi nhớ đến một kỷ niệm là nằm trong bệnh viện sau khi mổ, nếu như các bạn nhỏ bị đau thì sẽ kêu với bố mẹ và chúng ta nếu gặp đau khổ cũng muốn tìm ai đó để chia sẻ. Nhưng Thiện Nhân thì khác. Con trải qua một cuộc phẫu thuật rất dài tại Bệnh viện Nhi T.Ư, giường bệnh chật hẹp, hai mẹ, hai con nằm ghép chung giường. Thế mà Nhân không khóc. Con nói với tôi là “mẹ ơi con không đau đâu, mẹ cứ ngủ đi, khi nào đau thì con gọi”.

Thực sự đó là một may mắn khiến tôi an lòng vì lúc đó tôi rất mệt. Đến nửa đêm, tôi tỉnh giấc thì thấy Nhân chảy nước mắt, đau đớn mà không gọi mẹ. Tôi hỏi tại sao, Nhân nói con muốn để cho mẹ ngủ. Câu nói ấy đã khiến tôi rất cảm động”, chị Mai Anh xúc động kể lại.

Hay như khi Thiện Nhân đến trường, nhiều bạn bè và phụ huynh khác tỏ ra lạ lẫm nói: “Ồ bạn này bị cụt chân!”. Thế nhưng, Nhân đã cùng mẹ vượt qua những câu chuyện đó một cách rất nhẹ nhàng, bởi mẹ Mai Anh vẫn nói với Nhân rằng, “chân để đi chứ để làm gì. Mình có một chân mình vẫn đi, thậm chí còn đi nhanh hơn người khác cơ mà”.

Hiện tại, Thiện Nhân đã học lớp 4, học lực giỏi và rất thông minh. Nhân luôn tự tin và hòa đồng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.